6. Kết cấu của luận án
4.3.1. Khuyến nghị đối với Nhà nước
*Thực hiện nghiêm chủ trương đầu tư vào tiền lương cho công chức là đầu tư cho phát triển. Do đó, Nhà nước phải thiết kế chính sách tiền lương và hệ thống các công cụ đánh giá mức độ đóng góp của công chức và mức độ đưởng hưởng tương xứng với kết quả làm việc của họ. Như chúng ta biết về lý thuyết, tiền lương luôn bao gồm 3 bộ phận: Một là bộ phận đủ bù đắp sức lao động đã hao phí (tái sản xuất giải đơn SLĐ); hai là bộ phận tiền lương thỏa mãn nhu cầu văn hóa, y tế, giáo dục... (tái sản xuất mở rộng) và ba là, bộ phận tiền lương nuôi con, trong điều kiện cụ thể của đất nước. Về thực tiễn kết quả tính toán tiền lương thực tế phải gằn với kết quả làm việc của người công chức. Bên cạnh đó, cần tìm nguồn trả lương đủ cho công chức trong sự phù hợp với các điều kiện khác như sự biến động của giá cả, thời gian và kinh nghiệm công tác, sự thay đổi về điều kiện sinh hoạt, đảm bảo cuộc sống sau khi về hưu... Thực hiện điều chỉnh chi tiêu công, cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Trong đó, tăng huy động các nguồn ngoài ngân sách nhà nước (của doanh nghiệp, trong dân, ODA...) cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm tỷ trọng ngân sách Nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội, dành nguồn trả lương cho công chức cấp, đảm bảo tiền lương của công chức trên mức trung bình của xã hội.
* Tăng dần thu nhập từ lương cho công chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng. Đại đa số công chức cấp xã hiện nay, tiền lương là nguồn thu nhập chủ yếu để nuôi sống bản thân và gia đình họ. Tuy vậy, mức thu nhập từ lương của công chức cấp xã rất thấp, thấp hơn mức sống trung bình của xã hội. Với mức tiền lương nhận được hàng tháng như hiện nay, công chức cấp xã rất khó có thể đáp ứng được các nhu cầu cơ bản, thiết yếu, chưa nói đến các nhu cầu cao cấp, trong điều kiện giá cả ngày càng tăng. Bởi vậy, trong thời gian tới, Nhà nước cần quan tâm điều chỉnh tiền lương tăng thêm tiền lương cho công chức cấp xã, đảm bảo đáp ứng tốt các nhu cầu cơ bản, thiết yếu, sau đó quan tâm thỏa mãn các nhu cầu bậc cao nhằm tạo động lực làm việc tích cực, hăng say của công chức cấp xã.
*Hoàn thiện các chế độ nâng ngạch, nâng bậc lương của công chức đảm bảo sự minh bạch và tạo cơ hội bình đẳng cho những cá nhân xuất sắc có thể tăng lương nhanh tương xứng với trình độ và đóng góp của bản thân.
Theo chế độ lương hiện nay, nếu công chức không đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở ba năm liên tiếp thì cứ ba năm tăng lên một bậc lương. Trong khi đó, mức tăng lương lại quá thấp (tương ứng với hệ số 0,33) và danh hiệu chiến sĩ thi đua lại chủ yếu dành cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý. Số người không hoàn thành nhiệm vụ cũng rất hãn hữu. Thực tế này biến đội ngũ công chức trở thành những người làm việc trì trệ, không chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà chỉ chú tâm vào việc chạy chức, chạy quyền.
Do đó, trong giai đoạn trước mắt bên cạnh việc rút ngắn thang lương, tăng độ dãn cách tiền lương thì cần đổi mới chế độ nâng ngạch, nâng bậc đối với công chức chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể:
- Việc nâng ngạch cần đổi mới theo những hướng cơ bản sau: (1) phải chuyển từ hình thức thi nâng ngạch thành thi nâng ngạch kết hợp xét nâng ngạch. Nghĩa là bên cạnh việc học các lớp đào tạo, bồi dưỡng để thi nâng ngạch thì cần phải tiến hành xét theo các tiêu chuẩn hoàn thành công việc cụ thể; (2) đối tượng dự thi và xét nâng ngạch cần được mở rộng và công khai; (3) việc tổ chức hội đồng chấm thi và xét nâng ngạch cần mang tính tập trung cao để đảm bảo sự công bằng giữa các ứng viên; (4) dỡ bỏ bớt các điều kiện thi nâng ngạch để đảm bảo sự thông thoáng và
tạo điều kiện cho công chức trẻ có tài tham gia dự tuyển thi nâng ngạch. Nghĩa là mở rộng đối tượng dự tuyển thi và xét nâng ngạch theo hướng ưu tiên những người có trình độ cao, những người có thành tích xuất sắc trong công việc.
- Chế độ nâng bậc lương phải gắn với kết quả hoàn thành công việc của cán bộ, công chức và đảm bảo tính linh hoạt. Theo chế độ lương hiện nay điều kiện để tăng lương trước thời hạn quá ngặt nghèo. Nếu công chức có phấn đấu rất tốt (và thường phải có chức vụ) để đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở ba lần liên tiếp mới được tăng lương trước thời hạn 12 tháng. Do đó, cán bộ, công chức, nhất là công chức trẻ không có động lực để phấn đấu. Vì vậy, chế độ nâng bậc lượng cần được đổi mới theo các hướng cơ bản là: (1) gắn việc nâng bậc lương với thành tích xuất sắc thực sự trong công việc; (2) có thể tổ chức thi và xét nâng bậc lương hàng năm một cách công khai và minh bạch để đảm bảo những công chức trẻ, có thực tài và hoàn thành tốt công việc có cơ hội được tăng lương trước thời hạn; (3) mở rộng đối tượng được thi hoặc xét nâng lương, ưu tiên những người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công việc (Không nhất thiết phải 3 năm liên tục là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở mới được tăng lương trước thời hạn); (4) những người có tài hoặc có trình độ cao có thể xếp ngay vào các bậc lương cao khi được tuyển dụng vào hệ thống công chức.
Tóm lại, chế độ nâng ngạch lương, nâng bậc lương phải được cải cách theo hướng mở rộng đối tượng và khuyến khích được những người có thực tài và những người có thành tích xuất sắc. Việc thi và xét nâng ngạch, nâng bậc phải được tiến hành công khai và thường xuyên để mọi công chức đều có động lực phấn đấu.
* Hoàn thiện hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức, đặc biệt là công chức cấp xã.
Luật pháp của Nhà nước là cơ sở pháp lý đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người lao động. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Nhà nước ban hành luật và các văn bản quy phạm pháp luật quy định những nội dung cơ bản trong quan hệ lao động như quy định chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi, chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chế độ tiền lương, phụ cấp, các quy định về khen thưởng, kỷ luật, ... Hệ thống các quy định của pháp luật về lao động nếu được xây dựng và thực thi đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn sẽ có tác dụng
khuyến khích, tăng cường tính tích cực của người lao động, ngược lại hệ thống pháp luật không tốt sẽ làm giảm động lực làm việc của người lao động.
Hệ thống pháp luật nước ta hiện nay được xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng những yêu cầu thay đổi của nền kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật nước ta nói chung và hệ thống pháp luật đối với cán bộ, công chức các cấp còn nhiều điểm bất hợp lý. Do đó, chưa tạo được động lực làm việc tích cực, hăng say của người công chức.
Trong thời gian tới, cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với cán bộ công chức cấp xã đảm bảo công bằng, hợp lý trong làm việc cũng như hưởng thụ, tránh phân biệt đối xử giữa công chức cấp xã với công chức cấp trên, có chính sách ưu đãi thỏa đáng đối với công chức phải làm việc ở địa bàn có điều kiện làm việc khó khăn, phức tạp nhằm duy trì và nâng cao động lực làm việc của công chức cấp xã, đáp ứng yêu cầu phát triên kinh tế - xã hội của từng địa phương trong từng giai đoạn phát triển.