16 Trồng trọt theo phương pháp đốt nương rẫy là quá trình chặt bỏ cây trên một khu đất, đốt cây còn sót lại và sử dụng tro để cung cấp chất dinh dưỡng cho đất mà sau này dùng để trồng cây lương thực.
4.5. Nhận thức của người sử dụng lao động
Nhìn chung, thảo luận nhóm với quản lý doanh nghiệp và quản lý nhân sự cho thấy doanh nghiệp thường không hài lòng với chất lượng đào tạo của các trường đại học và CSGDNN. Những người tốt nghiệp các cơ sở này không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp vì thiếu kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội căn bản, dù họ có kiến thức chuyên môn. Quản lý doanh nghiệp cho biết họ phải đào tạo lại và trang bị thêm kỹ năng cho nhân viên mới tốt nghiệp sau khi tuyển dụng họ. Ngoài ra, nhu cầu của thị trường lao động về kỹ năng và năng lực làm việc hiệu quả của người lao động chưa được hệ thống giáo dục ở Việt Nam đáp ứng.
CEO7. Có sự khác nhau ở mỗi cấp độ lao động, nhưng nhìn chung, lao động địa phương vừa thiếu vừa yếu các kỹ năng ngoài chuyên môn, không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Các kỹ năng kém nhất là kỷ luật lao động; tuân thủ quy định an toàn và vệ sinh trong quá trình sản xuất; làm việc nhóm; và hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, giao tiếp, thái độ ứng xử… Doanh nghiệp phải thường xuyên đào tạo và trang bị thêm các kỹ năng cho người lao “Nhân viên mới tốt nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.”
động qua công việc hàng ngày. (Thảo luận nhóm quản lý doanh nghiệp và người quản lý nhân sự ở Điện Biên).
CEO2. Điểm yếu lớn nhất là các kỹ năng ngoài chuyên môn, chủ yếu ở người lao động bậc sơ và bậc trung, và những lao động trẻ chưa bao giờ làm cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần ít nhất một năm để đào tạo những người lao động này. Sự thiếu chuyên nghiệp này thể hiện ở việc tự ý nghỉ việc khi chưa xin phép hay sử dụng bừa bãi khu vực công cộng như nhà vệ sinh, bếp ăn, và phòng thay đồ. Việc tuân thủ các quy tắc văn hoá doanh nghiệp, ý thức sử dụng và bảo vệ tài sản của công ty, và sử dụng điện, nước cũng chưa tốt. (Thảo luận nhóm quản lý doanh nghiệp và người quản lý nhân sự ở Điện Biên).
CEO9. Cách ứng xử của lao động phổ thông thường kém hơn các nhóm khác, khả năng giao tiếp của họ cũng không tốt. Đôi khi phải giải thích vấn đề của mình với nhân viên phòng nhân sự, họ không biết diễn đạt như thế nào. Thiếu kỹ năng giao tiếp là vấn đề rõ nhất ở nhóm lao động có học vấn thấp (chỉ mới tốt nghiệp phổ thông cơ sở). Họ quan tâm đến thúc đẩy lợi ích cá nhân nhiều hơn đến doanh nghiệp. (Thảo luận nhóm quản lý doanh nghiệp và quản lý nhân sự ở Điện Biên).
Các quản lý doanh nghiệp nhận thấy một số khác biệt giới trong kỹ năng của người lao động. Họ rất muốn cả lao động nam và nữ đều được đào tạo đầy đủ về các quy định an toàn và vệ sinh và được trang bị nhận thức về tác phong chuyên nghiệp. Họ đề xuất lao động có bằng đại học cũng cần phát triển kỹ năng mềm. Các quản lý doanh nghiệp cho rằng lao động nam thường không có kỹ năng giao tiếp, đặc biệt với đồng nghiệp và các thành viên trong nhóm, trong khi lao động động nữ thiếu tinh thần cạnh tranh ở nơi làm việc và ngại giao tiếp với quản lý.
Các quản lý doanh nghiệp cũng cho rằng họ không cần phải tìm thêm các giải pháp để hài hoà mối quan hệ giữa nghĩa vụ gia đình và công việc của lao động nữ. Tặng quà cho gia đình mừng trẻ mới sinh hay tặng quà học sinh khá giỏi đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm của họ. Tuy nhiên, một vài người quản lý cũng thể hiện cam kết cao hơn với các chính sách bình đẳng giới tại nơi làm việc và áp dụng giờ làm việc thân thiện với gia đình cho lao động nữ có con, bố trí phòng vắt sữa, và chương trình chăm sóc sức khoẻ cho tất cả người lao động.
Q: Doanh nghiệp cần hỗ trợ gì từ các TTDVVL trong thời gian tới?
F1: Tôi hy vọng các trung tâm sẽ tìm người lao động hiệu quả hơn, và trước khi gửi hồ sơ ứng viên tới doanh nghiệp, trung tâm cần kiểm tra hồ sơ kỹ hơn để tránh tình trạng trung tâm gửi tới doanh nghiệp rất nhiều hồ sơ nhưng không có người nào đạt yêu cầu. (Thảo luận nhóm quản lý doanh nghiệp và quản lý nhân sự ở Điện Biên).
Nhiều quản lý doanh nghiệp cho biết phí dịch vụ của các trung tâm quá cao. Các quản lý nhân sự cho rằng có khoảng cách giữa nhu cầu lao động và số việc làm giới thiệu thành công, và các trung tâm cần cải thiện hoạt động để tìm được các ứng viên có trình độ tốt hơn. Những người tham gia thảo luận cho rằng những hợp tác gần đây giữa các cơ sở giáo dục và TTDVVL chưa đủ, và bên cạnh dịch vụ giới thiệu việc làm, các trung tâm nên mở ra dịch vụ tư vấn hướng nghiệp.
HRM1: Lần đầu sử dụng dịch vụ của TTDVVL ở địa phương, tôi nghĩ đây là một tổ chức tư nhân, không phải tổ chức nhà nước. Người tuyển dụng không biết nhiều về dịch vụ của trung tâm. Dù đi ngang qua nơi đó nhiều lần nhưng tôi không biết đó là TTDVVL của tỉnh, chỉ đến khi gặp mấy người tìm việc làm. Chi phí đăng tải đơn xin việc quá cao, từ 1.5 tới hai triệu đồng trong thời gian một tới hai tuần. Mỗi khi ứng viên nộp sơ yếu lý lịch là phải trả phí ngay. Văn phòng tôi phải trả 10 triệu đồng mỗi tháng để sử dụng dịch vụ của họ, hai tuần qua chúng tôi phải trả từ sáu tới bảy triệu đồng để có thể truy cập vào 14 văn phòng. Chi phí tuyển dụng quá cao. Hồi xưa, [công ty tôi] tuyển được rất nhiều người, nhưng từ hai năm trở lại đây, tuyển dụng gặp nhiều khó khăn vì cạnh tranh và vì lao động mới ra trường không đủ kỹ năng làm cho công ty. (Thảo luận nhóm quản lý doanh nghiệp và quản lý nhân sự ở Điện Biên).
CEO10: Các TTDVVL phải hợp tác chặt chẽ với các trường dạy nghề và các trường cao đẳng, đại học để cho họ biết doanh nghiệp địa phương yêu cầu những kỹ năng gì từ người lao động. Làm vậy giúp các trường biết được xu hướng công việc trong tương lai để có sự điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhờ vậy, chi phí của những người học việc, nhà giáo dục, và người sử dụng lao động sẽ giảm. (Thảo luận nhóm quản lý doanh nghiệp và quản lý nhân sự ở Điện Biên).
CEO5: Chúng tôi không giống với các doanh nghiệp ở ngành nghề khác. Nhưng chúng tôi luôn cố gắng làm hết trách nhiệm với công nhân của mình. Chúng tôi cố gắng đảm bảo công việc phù hợp với năng lực, sức khoẻ và hoàn cảnh của người lao động, giúp họ cân bằng giữa công việc và gia đình. Chúng tôi cũng quan tâm tới nhân viên nữ đang nuôi con nhỏ, đang có thai, và tới lao động lớn tuổi. Họ được ưu tiên giờ làm và khối lượng công việc để có thể hoàn thành trách nhiệm ở cả công ty lẫn gia đình. (Thảo luận nhóm quản lý doanh nghiệp và quản lý nhân sự ở Điện Biên).
Trong khi một số chủ doanh nghiệp nhấn mạnh việc tuân thủ quy định pháp luật của họ, một số khác phản ánh độ vênh giữa pháp luật và thực tế. Dù pháp luật quy định chế độ nghỉ thai sản nhưng nhiều doanh nghiệp không cho người lao động nghỉ đủ sáu tháng và gây áp lực buộc người mẹ quay lại làm việc vì sợ mất việc. Người cha thường không được phép nghỉ việc để chăm sóc gia đình trong những tuần đầu tiên sau khi vợ sinh con.
M4: Nhiều doanh nghiệp không tuân thủ luật lao động. Ví dụ, lao động nữ không được nghỉ thai sản đủ sáu tháng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); đôi khi họ chỉ được nghỉ bốn tháng. Doanh ngiệp tôi tuân thủ đầy đủ Luật Lao động, cho phép lao động nữ nghỉ đủ sáu tháng thai sản. Đặc biệt, trong nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất, tình trạng lạm dụng lao động còn phổ biến. Chính phủ cần giám sát nghiêm ngặt các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp Hàn Quốc và Trung Quốc, vì họ chỉ cho phép nghỉ bốn tháng thai sản. Luật Lao động quy định người chồng được nghỉ từ năm tới bảy ngày để chăm vợ sau sinh, nhưng ít doanh nghiệp tuân thủ. Thêm vào đó, tôi nghĩ môn “bình đẳng giới” cần được dạy trong hệ thống giáo dục, ví dụ dạy ở bậc đại học. (Thảo luận nhóm quản lý doanh nghiệp và quản lý nhân sự ở Điện Biên).
Một trong những chủ đề thảo luận chính là hợp tác giữa doanh nghiệp và TTDVVL. Các quản lý doanh nghiệp cho rằng các trung tâm phổ biến rất ít thông tin và không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp về số lượng và chất lượng ứng viên.
F1: Trung tâm cần cải thiện thông tin lao động nếu muốn tuyển dụng hiệu quả hơn. Ngay như công ty tôi yêu cầu trung tâm tìm một vài cán bộ kỹ thuật biết ngoại ngữ. Nhưng trung tâm lại đưa đến một loạt ứng viên không đáp ứng yêu cầu. Vì thế, trung tâm hỗ trợ không hiệu quả. (Thảo luận nhóm quản lý doanh nghiệp và quản lý nhân sự ở Điện Biên).
Nhiều quản lý doanh nghiệp nói rằng họ phải tự tìm cách thu hút người lao động, đặc biệt qua mạng xã hội. Một số doanh nghiệp tự phát triển các phần mềm ứng dụng để thu hút người lao động và được đánh giá là doanh nghiệp hiện đại và thân thiện với người lao động. Một số khác tận dụng mạng lưới và kênh truyền thống như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hay hội nông dân. Tuyển dụng trực tuyến chủ yếu được sử dụng bởi các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi phỏng vấn trực tiếp vẫn là hình thức được ưa chuộng của các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, may mặc, và dịch vụ cá nhân.
Kết luận
Trong các thảo luận nhóm, các quản lý doanh nghiệp và quản lý nhân sự nhấn mạnh tình trạng thiếu kỹ năng xã hội, thiếu kỹ năng làm việc nhóm và thiếu khả năng hợp tác cùng đồng nghiệp của những lao động mới tốt nghiệp cao đẳng và đại học. Họ cho rằng nam giới và phụ nữ có những kỹ năng khác nhau, lao động nam kém giao tiếp còn lao động nữ thì thụ động. Các quản lý doanh nghiệp và nhân sự cho rằng họ có khả năng nhạy cảm giới, thể hiện qua cách tuân thủ các luật lao động tập trung vào vấn đề giới hay phát quà hoặc có sự ưu tiên với lao động nữ mới sinh, dù người lao động phủ nhận thực tế này.
Các quản lý doanh nghiệp và quản lý nhân sự cũng đề xuất các TTDVVL cần cho các cơ sở giáo dục biết những kỹ năng mà các loại doanh nghiệp khác nhau đang và sắp cần. Họ đánh giá các trung tâm cung cấp dịch vụ với giá cao nhưng chất lượng thấp. Các trung tâm không nên chỉ cung cấp dịch vụ giới thiệu việc làm, mà nên chịu trách nhiệm cả việc hướng nghiệp cho các trường phổ thông, cao đẳng và đại học, để giúp sinh viên hiểu biết thực tế nhu cầu thị trường lao động.