VÀ QUẢNG NAM
Vấn đề tiếp cận thị trường lao động và bình đẳng giới khác biệt đáng kể giữa các vùng nông thôn Việt Nam. Vì thế, nghiên cứu viên đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn những người am hiểu tình hình và thảo luận nhóm ở tỉnh Điện Biên và Quảng Nam. Một số phát hiện có giá trị cho thiết kế chính sách và chương trình phục vụ người dân nông thôn. Những ý tưởng chính từ nghiên cứu được trình bày dưới đây.
5.1. Kết quả nghiên cứu ở Điện Biên
Cả nam và nữ đều có chiến lược tìm việc giống nhau. Hầu hết tận dụng các mối quan hệ cá nhân (gia đình và bạn bè). Một số người được nhận làm lao động thời vụ hàng năm. Một số ít sử dụng Internet hoặc TTDVVL. Cả nam và nữ đều cho rằng các TTDVVL cách xa nơi họ sinh sống, và phụ nữ không thấy thoải mái và tin tưởng vào các tổ chức nhà nước.
Kết quả nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng một số nhóm dễ tổn thương gặp những khó khăn đặc thù khi tham gia thị trường lao động:
• Phụ nữ trung niên dân tộc thiểu số đã có gia đình; có con nhỏ; không biết chữ, không có trình độ, và không được đào tạo gặp nhiều khó khăn. Họ không muốn sống xa xóm, làng và gia đình, vừa để lo toan công việc gia đình và vừa để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Lối sống và phương thức làm việc của họ không phù hợp với tiêu chuẩn của nơi làm việc chính thức.
• Lao động nam người dân tộc thiểu số không được đào tạo, đã có gia đình, và không muốn ra khỏi tỉnh cũng gặp khó khăn khi tìm việc. Họ thường canh tác quy mô nhỏ bằng phương thức truyền thống. • Phụ nữ tốt nghiệp cao đẳng và đại học có ít lựa
chọn nghề nghiệp do trách nhiệm với gia đình. Họ thường không được rời gia đình đi tìm kiếm việc có thu nhập tốt ở các tỉnh khác. Họ không thể tìm việc phù hợp năng lực ở Điện Biên, nên phải làm những việc lương thấp và không phù hợp.
• Phụ nữ có gia đình, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, chịu trách nhiệm chính trong việc nội trợ và chăm lo gia đình. Hầu hết sống bằng nghề nông. Những công việc thường ngày như trồng cây, tưới
rau; chăn nuôi gia cầm, nuôi heo, bò, trâu, đã cản trở họ tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, nam giới thường không phải làm việc nhà và có thể đi tìm việc ở những nơi gần nhà trong vài ngày hoặc thậm chí vài tháng. Cản trở lớn đối với nam giới là họ không muốn sống xa quê hương, gia đình, hoặc cộng đồng dân tộc của họ.
Ngành học của các trường nghề ở Điện Biên không phù hợp nhu cầu thị trường lao động địa phương. Cao đẳng nghề Điện Biên có các ngành như nông nghiệp, công tác xã hội, kế toán doanh nghiệp, công nghệ thông tin, sữa chữa ô tô, và điện công nghiệp. Nhưng hầu hết công việc ở địa phương là nông nghiệp tự cung tự cấp, lao động thời vụ hoặc lao động nhà máy có tay nghề thấp. Người tốt nghiệp các trường sư phạm và dược thậm chí còn khó kiếm việc hơn.
Một điều tích cực là hầu hết các trường dạy nghề và kỹ thuật ở Điện Biên đều chú trọng đào tạo thực hành. Trong các môn học, 30 phần trăm thời gian dành cho dạy lý thuyết và 70 phần trăm dành cho thực hành. Ngoài ra, sinh viên còn được thực hành chuyên ngành của mình trong công việc thực tế khi thăm doanh nghiệp, cơ quan đơn vị, và cơ sở sản xuất.
Cha mẹ và người thân là nguồn thông tin và tư vấn chính trong việc lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên. Trong khi cha mẹ ở thành thị có thể tư vấn, cha mẹ ở nông thôn, đặc biệt ở vùng núi và vùng dân tộc thiểu số, không thể đưa ra những định hướng đáng tin cậy cho con do hiểu biết hạn chế về các cơ hội sẵn có trên thị trường lao động. Thanh niên ở khu vực này thường đi theo con đường của cha mẹ, làm nông, dù nhiều em cũng mong ước một con đường sự nghiệp khác. Thanh niên ở những gia đình thành thị, đặc biệt ở thành phố Điện Biên Phủ, có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn và tiếp cận được nhiều thông tin hơn về thị trường lao động tại địa phương.
Hướng nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều bởi định kiến giới trong gia đình và người sử dụng lao động. Hầu hết các em gái được tư vấn chọn những công việc đơn giản gần nhà để có thể dành nhiều thời gian cho việc nhà, chăm sóc con và gia đình. Những công việc và lĩnh vực mà phụ nữ được hướng tới (theo thứ tự ưu tiên) là làm nông/nông nghiệp, cán bộ các cơ quan tỉnh/huyện/xã,
giáo viên, kế toán, nhân viên bán hàng, công nhân may, và công nhân trong các doanh nghiệp của tỉnh ở trong và ngoài tỉnh Điện Biên. Thanh niên được hướng đến các công việc thu nhập cao để đảm bảo vai trò trụ cột gia đình.
Lựa chọn nghề nghiệp phản ánh các định kiến giới có thể quan sát được khi chọn ngành học. Nữ thường chọn làm giáo viên, kế toán, công tác xã hội, và y tá. Nam thường chọn ngành cơ khí, thợ hàn, sữa chữa ô tô, xe máy – những nghề mà hầu hết phụ nữ không làm. Cả nam và nữ đều tin rằng phụ nữ nên chọn công việc làm trong giờ hành chính, gần nhà, để có thể thêm thời gian làm việc nhà, chăm con nhỏ và gia đình.
Phụ nữ dân tộc thiểu số chịu nhiều thiệt thòi trong lĩnh vự giáo dục nhiều hơn nam giới dân tộc thiểu số do áp lực lập gia đình và sinh con sớm từ xã hội và gia đình. Hầu hết người dân tộc thiểu số, đặc biệt là nữ giới, lập gia đình khi còn rất trẻ. Tuy nhiên, kết hôn và sinh con sớm có những tác động khác nhau với nam và nữ sinh viên dân tộc thiểu số. Các trường học cho phép sinh viên nữ nghỉ một tháng sau sinh, sau đó có thể tiếp tục học. Tuy nhiên, các trường nội trú không cho phép gia đình sống trong kí túc xá trường, vì thể sinh viên nữ phải thuê trọ gần trường và nhờ cha mẹ lên sống cùng để phụ giúp chăm con nhỏ. Chi phí rất tốn kém, thường khiến sinh viên phải nghỉ học. Phụ nữ đã có gia đình và muốn tiếp tục học bị hạn chế bởi phong tục, tập quán buộc người vợ chịu trách nhiệm chăm lo cho cả bố mẹ mình và gia đình nhà chồng. Những người tham gia thảo luận cho biết, sau khi kết hôn, sinh viên nữ phải xin phép gia đình chồng đi học tiếp. Ngược lại, sinh viên nam có thể tiếp tục học sau khi kết hôn mà không gặp nhiều trở ngại. Họ không cần xin phép ai, và có thể sống xa nhà, về thăm gia đình vào cuối tuần hoặc trong kì nghỉ học kì. Gia đình và vợ thường nhiệt tình ủng hộ việc học tiếp của người con trai. Vì thế, nghỉ học vì lập gia đình hiếm khi xảy ra với sinh viên nam. Doanh nghiệp tuyển dụng cũng phân biệt giới. thông báo tuyển dụng thường có tiêu chí về giới và dân tộc. Trong một số ngành nghề, người sử dụng lao động ưu tiên tuyển dụng lao động nữ vì tin lao động nữ có tính cam kết với công việc tốt hơn nam. Một số doanh nghiệp ưu tiên tuyển người Hmong vì họ siêng năng và khôn ngoan hơn các dân tộc khác.
Không nhiều lao động được phỏng vấn và kể cả người sử dụng lao động ở Điện Biên biết về các dịch vụ của TTDVVL. Nhiều đối tượng tham gia nghiên cứu, đặc biệt là những người sống và làm việc ở nông thôn, vùng
sâu, vùng xa, không biết hoặc chưa bao giờ sử dụng dịch vụ của các trung tâm này. Một số người biết và cho hay phần lớn công việc được giới thiệu đều ở ngoài tỉnh và không phù hợp nhu cầu của họ. Những công việc trong tỉnh do trung tâm giới thiệu yêu cầu trình độ, năng lực cao hơn và nhiều kỹ năng phức tạp, vì thế ít người lao động có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn và yêu cầu.
5.2. Kết quả nghiên cứu ở Quảng Nam
Nhìn chung, thị trường lao động ở Quảng Nam không đủ sức hấp dẫn lao động trình độ trung và cao cấp từ tỉnh khác, vì thế một vài doanh nghiệp đã đưa ra các chính sách khuyến khích để có thể thu hút và giữ chân lao động nữ. Những chính sách này tập trung hỗ trợ lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản nuôi con nhỏ, cải thiện điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội cho lao động nữ, như xây dựng và vận hành nhà trẻ và trường mẫu giáo, phòng vắt và trữ sữa, và thời gian làm việc linh hoạt nếu người lao động không làm việc trên dây chuyền sản xuất.
Định hướng nghề nghiệp của thanh niên, đặc biệt là các em nữ, chịu nhiều ảnh hưởng của cha mẹ và họ hàng. Cha mẹ coi trọng bằng cấp và chứng chỉ mà con họ có được, vì thế không đầu tư nhiều vào việc học cao đẳng và đại học của con cái. Dù nhiều thanh niên không tìm được việc làm đúng chuyên môn đào tạo, nhưng cha mẹ vẫn tin giáo dục cao đẳng, đại học vẫn tốt cho con hơn là không học. Cha mẹ ở Quảng Nam sử dụng nhiều nguồn thông tin để tìm hiểu về thị trường lao động: ti vi, đài phát thanh, và báo in là những nguồn thông tin được ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ nhận ra tầm ảnh hưởng của họ với định hướng và lựa chọn nghề nghiệp của con cái đang giảm. Các em nam thường tự quyết định nghề nghiệp trong khi các em nữ phụ thuộc cha mẹ nhiều hơn.
Theo một thực tế quen thuộc, các định kiến giới về tiêu chuẩn chọn nghề cũng nhận thấy ở Quảng Nam. Hầu hết các bạn nữ được khuyên nên chọn công việc gần nhà, và ưu tiên thời gian làm việc cố định hơn là thu nhập cao. Cả nam và nữ đều tin rằng phụ nữ nên tìm việc có thời gian làm ca ổn định, gần nhà; trong khi nam giới chịu áp lực của gia đình phải tìm việc có thu nhập cao. Sinh viên nam thường mong được thăng tiến nghề nghiệp và có vị trí cao trong công việc. Một số ít cha mẹ và sinh viên có quan điểm tích cực về sự thăng tiến trong công việc của phụ nữ. Sinh viên nữ thường nghĩ về những công việc ổn định để có thể hài hòa việc nhà và công việc.
Quảng Nam có một vài CSGDNN nhưng chất lượng giáo dục còn thấp. Sinh viên và cha mẹ cho biết các trường có ít ngành học, trùng lặp, và không theo kịp sự thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Các CSGDNN có ít chương trình giáo dục chất lượng tốt, mà theo sinh viên là do thiếu cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, trình độ và kinh nghiệm giáo viên hạn chế, chương trình giảng dạy và giáo trình kém. Những năm gần đây, các CSGDNN đang chuyển đổi theo hướng đào tạo thực hành. Năm 2018, phần lớn các chuyên ngành đào tạo dành 30 phần trăm thời gian cho lý thuyết và 70 phần trăm cho thực hành. Ngoài ra, sinh viên còn được đi thực tập ở các tổ chức, doanh nghệp, và cơ sở sản xuất để tích luỹ thêm kinh nghiệm. Các cơ sở đã chú trọng tới dạy kỹ năng ứng xử và thái độ làm việc, nhưng chưa chú trọng nhiều tới vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động của mình, ngoại trừ việc chú ý khoảng cách giới trong tuyển sinh các ngành học cụ thể.
Ở Quảng Nam, TTDVVL của tỉnh đang góp phần củng cố tình trạng phân biệt nghề nghiệp theo giới vì một số vị trí công việc tuyển dụng vẫn dựa trên tiêu chí giới. Người sử dụng lao động thường nêu rõ thuê lao động nữ cho công việc dệt may, giày da, và lắp ráp điện tử. Lao động nam thường được tuyển cho công nghiệp sản xuất ô tô. Trong khi nhiều người lao động nói họ biết về TTDVVL, cán bộ trung tâm lại cho biết số lượng người sử dụng dịch vụ của trung tâm đang giảm.
Những nhóm dễ tổn thương ở Quảng Nam có những khó khăn đặc thù khi tiếp cận thị trường lao động: • Phụ nữ trung niên không có tay nghề làm việc trong
các công việc nông nghiệp thu nhập thấp và không ổn định rất khó chuyển sang làm công nhân nhà máy. Doanh nghiệp không tuyển phụ nữ ở độ tuổi họ, đặc biệt là ở các ngành nghề đỏi hỏi sự nhanh
nhẹn về tinh thần và thể chất. Bởi vậy, những phụ nữ này thường làm trong lĩnh vực nông nghiệp. • Lao động nam và nữ tốt nghiệp các trường
CSGDNN, cao đẳng, và đại học khó tìm được việc liên quan đến ngành học. Trong khi lao động nam tìm kiếm cơ hội ở các tỉnh khác, đặc biệt ở Hà Nội và TP HCM, lao động nữ thường chấp nhận những việc thu nhập thấp và không ổn định để gần gia đình ở Quảng Nam.
• Lao động dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi có học vấn thấp và ít khi qua đào tạo nghề. Một số người không thể nói tiếng Việt. Nhiều người không muốn làm việc xa nhà, đặc biệt là phụ nữ đang chăm con nhỏ, người khuyết tật hay có sức khoẻ kém. • Các mẹ đơn thân đối mặt với một loạt rào cản và
yêu cầu. Công việc tốt với mẹ đơn thân là phải có thời gian làm việc linh hoạt, gần nhà, và có thu nhập tốt để nuôi con. Hầu hết mẹ đơn thân tham gia thảo luận đều làm không đúng nghề được đào tạo, đặc biệt những người có học vấn cao. Thay vào đó, hầu hết đều chấp nhận những công việc không ổn định nhưng có thời gian làm linh hoạt theo nhu cầu. Các mẹ đơn thân ở nông thôn tự kinh doanh tại nhà, làm nông, hoặc giúp việc cho gia đình khác. Hầu như không có các dịch vụ xã hội (chăm sóc) cho trẻ nhỏ ở nông thôn, càng hạn chế thêm cơ hội việc làm của mẹ đơn thân. Số mẹ đơn thân ở Quảng Nam đã tăng trong những năm gần đây.
Phụ nữ ở Quảng Nam cho biết kết hôn và sinh con là nguyên nhân họ không có việc làm. Một số phụ nữ có công việc tốt nhưng phải nghỉ việc sau khi kết hôn hoặc sinh con. Khi con lớn, họ muốn đi làm lại nhưng không có tay nghề.