Tiến tới tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, đánh giá cán bộ bằng bỏ phiếu kín đối với độ ngũ công chức. Hàng năm có thi năng lực quản lý, năng lực
chuyên môn đối với lãnh đạo.
Để việc đánh giá cán bộ cần đảm bảo yêu cầu xây dựng, cụ thể hóa tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ và sự đóng góp thực tế của cán bộ lãnh đạo. Bao gồm: Tiêu chí đo kết quả, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ và tiêu chí tín nhiệm của nhân dân. Tiêu chí đánh giá người đứng đầu các đơn vị là hiệu quả, kết quả thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng quan trọng nhất là đề xuất được chính sách mới về lĩnh vực được giao, tạo được sự đột phá hoặc góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; tiêu chí đánh giá cán bộ chủ yếu là sự ổn định chính trị và tăng trưởng một số chỉ tiêu chủ yếu về lĩnh vực kinh tế - xã hội (năm sau cao hơn năm trước, khóa sau cao hơn khóa trước), qua đó nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương. Tăng cường trách nhiệm đánh giá và sử dụng cán bộ của cấp có thẩm quyền và người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị. Việc đánh giá cán bộ cần thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín để đảm bảo dân chủ, chính xác và khách quan.
Mỗi nhiệm kỳ, cần tổ chức tổng kết công tác quản lý, đánh giá cán bộ thời gian qua để đổi mới công tác quản lý, đánh giá cán bộ. Qua đó góp phần lựa chọn những cán bộ có đủ đức, đủ tài đảm nhiệm những vị trí quan trọng, sàng lọc những cán bộ chưa đủ điều kiện để tinh giản biên chế.
- Đối với công chức: Việc tinh giản dựa trên kết quả đánh giá phân loại công chức hàng năm. Căn cứ vào việc lấy phiếu đánh giá mức độ hài lòng của nhân dân đến giải quyết công việc để việc đánh giá công chức được khách quan và dân chủ hơn. Thông qua hòm thư góp ý, hoặc trực tiếp phát phiếu cho người dân trên địa bàn đến giao dịch.
Tổ chức các kỳ thi sát hạch công chức hàng năm nhằm giúp cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị có cơ sở quan trọng đánh giá thực chất về trình độ, năng lực, khả năng tác nghiệp của từng cán bộ, công chức làm căn cứ trong việc chuyển đổi, sắp xếp, bố trí vị trí làm việc cho phù hợp, đúng với khả năng, sở trường của từng người, giúp cho họ phát huy được thế mạnh về kiến thức pháp luật, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, việc duy trì phương thức kiểm tra về kỹ năng,
nghiệp vụ của cán bộ, công chức hàng năm sẽ là căn cứ, tiêu chí cụ thể quan trọng nhất để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xét thi đua, khen thưởng hành năm cũng như đề bạt, bổ nhiệm cán bộ khách quan hơn, chính xác hơn. Mặt khác, việc kiểm tra, sát hạch về kỹ năng, nghiệp vụ góp phần tạo điều kiện và giúp cho mỗi cán bộ, công chức trau dồi, nghiên cứu, học tập các kỹ năng, nghiệp vụ của mình trên cơ sở các chức năng, nhiệm vụ của ngành.