Cải cách của Xôlông (Solon):

Một phần của tài liệu Tập vở ghi lịch sủ nhà nước và pháp luật thế giới (Trang 45 - 46)

Năm 594 TCN, Xôlông được bầu làm quan chấp chính. Lên cầm quyền, ông đề ra chương trình cải cách kinh tế, chính trị nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ nô công thương nghiệp và các tầng lớp khác, tấn công vào chế độ sở hữu của quí tộc cũ. Nội dung cải cách chủ yếu của Xôlông:

Về kinh tế, xóa nợ và cấm biến dân tự do Athens thành nô lệ. Xôlông tuyên bố bãi bỏ nợ nần của nông dân, những mảnh ruộng mà họ phải đem gán nợ được trả lại. Những người nông dân bán mình thành nô lệ hoặc phải trốn chạy khỏi Athens vì nợ thì được giải phóng và được hồi hương. Nhà nước không cho ký kết những hợp đồng vay nợ lấy bản thân làm vật bảo đảm và quy định mức tối đa sở hữu ruộng đất để tránh nạn kiêm tinh ruộng đất. Bên cạnh đó, ông còn cải cách hệ thống tiền tệ, cấm xuất khẩu nông sản trừ nho và dầu ôliu, khuyến khích sử dụng thợ thủ công giỏi nước ngoài, khai khẩn đất hoang… điều đó đã thúc đẩy nền kinh tế Athens phát triển.

Về xã hội, căn cứ theo tài sản, Xôlông chia dân cư thành 4 đẳng cấp. Người dân được hưởng quyền chính trị tương ứng với đẳng cấp của mình (xoá bỏ đặc quyền của quý tộc thị tộc). Việc làm này đã mở rộng nền dân chủ Athens, không chỉ đặc quyền của quý tộc thị tộc trước đây.

Về tổ chức bộ máy nhà nước, thành lập Hội đồng 400 người. Mỗi bộ lạc được cử 100 người thuộc đẳng cấp 1, 2, 3 tham gia vào Hội đồng này. Hội đồng 400 người có quyền tư vấn cho Quan chấp chính, soạn thảo những nghị quyết trước khi đưa ra bàn bạc, quyết định tại Hội nghị công dân; giải quyết các công việc thường ngày khi Hội nghị công dân không họp. Thành lập Toà án công dân, mọi công dân đều được quyền

bào chữa và kháng án tại Toà án công dân. Bên cạnh đó, một sự chuyển biến quan trọng là tăng cường quyền lực của Hội nghị công dân: Đây là nơi bầu cử ra tất cả các viên chức nhà nước, họ phải báo cáo hoạt động của mình trước Hội nghị công dân. Chính cơ quan này có quyền định ra tất cả luật lệ. Điều đặc biệt quan trọng là những người tham gia Hội nghị công dân đều có quyền thảo luận và biểu quyết những vấn đề tại Hội nghị.

Như vậy, với cải cách của Xôlông, nền tảng dân chủ đã được thiết lập.

Một phần của tài liệu Tập vở ghi lịch sủ nhà nước và pháp luật thế giới (Trang 45 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(59 trang)
w