Hoạt động logistics cũng như nền kinh tế thị trường cần có “bàn tay hữu hình” của Nhà nước để phát huy những mặt tích cực của nó và hạn chế những mặt tiêu cực.
Trong giai đoạn hiện nay cần thành lập Ủy ban quốc gia Logistics để gắn kết, thống nhất trong quản lý, tổ chức thực hiện những trương trình trọng điểm và phối hợp thực hiện giữa các ngành hiệu quả hơn.
- Cần thành lập Ủy ban Quốc gia về logistics như là một yêu cầu cấp bách theo đề xuất của nhiều tổ chức, cơ quan, các chuyên gia trong và ngoài nước tại nhiều diễn đàn và hội thảo. Ủy ban Quốc gia có vai trò “nhạc trưởng”, là đầu mối thực thi các chương trình mục tiêu chung của nagnhf, tham gia tư vấn quy hoạch và chiến lược tổng thể phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Xây dựng chiến lược phát triển ngành dịch vụ logistics theo thời gian từ ngắn hạn đến dài hạn, theo khu vực địa lý, các chương trình trọng tâm về logistics,… Phát triển khu công nghiệp với quy mô, địa điểm phù hợp nhằm phục vụ nhu cầu trung chuyển hàng hóa cũng như phục vụ các khu công nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu. Cùng với đó là cải tạo các cửa khẩu, cảng biển tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình thông quan, vận tải và giao nhận. Thực hiện theo Quy hoạch cảng biển 2020 và định hướng 2030, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020, định hướng 2030, ưu tiên đầu tư các chương trình trọng điểm. Hạ tầng logistics còn có hệ thống thông tin, viễn thông,… Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư tư nhân, chủ nhận đầu tư của doanh nghiệp và áp dụng mở rộng các mô hình PPP (hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân)…
- Phát triển đa dạng các trung tâm phân phối tại các thành phố, đô thị lớn trên cả nước nhằm phục vụ thị trường bán lẻ, các trung tâm logistics gần các khu công nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu. Thực hiện chiến lược giảm chi phí logistics: can thiệp vào các điểm hạn chế của chuỗi cung ứng như năng suất của các cảng, kho bãi và điểm trung chuyển; quy hoạch vận tải đa phương thức thúc
đẩy phát triển nhanh hơn các phương thức vận tải hàng hóa có chi phí thấp, xác định cơ hội cải tạo sản phẩm xuất khẩu cụ thể.
- Thực hiện tái cấu trúc logistics, trong đó có kế hoạch thúc đẩy sự tăng trưởng những nhà cung ứng dịch vụ logistics bên thứ ba (3PLs) trong nước, xem đây là tiền đề phát triển thị trường logistics tại Việt Nam. Khuyến khích áp dụng rộng rãi quản trị chuỗi cung ứng, quản trị logistics trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, khuyến khích việc thuê ngoài logistics.
- Điều chỉnh và bổ sung luật, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển hoạt động dịch vụ logistics cũng như các doanh nghiệp 3PL trong nước, gỡ bỏ các hạn chế, cản trở để các công ty 3PL nước ngoài hoạt động thuận lợi hơn.
- Xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics một mặt đáp ứng nhanh nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho ngành, mặt khác đẩy nhanh chương trình đào tạo các chuyên gia logistics có kỹ năng ứng dụng và triển khai cách thực hành quản trị logistics và chuỗi cung ứng theo kịp các nước công nghiệp phát triển. Quá trình nhận thức, xây dựng kỹ năng quản trị, kỹ năng thực hành logistics cần thời gian và công tác vận động hướng nghiệp. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, các trường để đẩy mạnh công tác đào tạo với nhiều hình thức linh hoạt, cung cấp nhân lực đáp ứng cho ngành. Việc đào tạo cán bộ công nhân viên có trình độ chuyên môn và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin góp phần làm giảm chi phí và tiết kiệm thời gian cho cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp.
- Thúc đẩy gắn kết công nghệ thông tin trong logistics, đặc biệt trong khâu thủ tục hải quan và tại biên giới, tăng cường tổ chức, thúc đẩy tiêu chuẩn hóa trong khai thác như chứng từ, tiêu chuẩn công nghệ, phát triển các cổng thông tin logistics.