Quy định về thời hạn tạm giam

Một phần của tài liệu Áp dụng biện pháp tạm giam từ thực tiễn thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. (Trang 41)

Nhìn chung, BLTTHS quy định thời hạn tạm giam theo từng giai đoạn TTHS cũng như trong các trường hợp nhất định như phục hồi điều tra, điều tra bổ sung khá thống nhất và hợp lý. Theo quy định tại Điều 173 BLTTHS, thời hạn tạm giam để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét thấy cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam thì có thể gia hạn tạm giam. Thời hạn gia hạn tùy thuộc vào loại tội phạm mà bị can đã thực hiện đang bị điều tra. So sánh thời hạn tạm giam để điều tra tối đa với thời hạn điều tra tối đa, ta thấy thời hạn tạm giam để điều tra (kể cả gia hạn) đối với tội phạm ít nghiêm trọng là không quá 3 tháng, tội nghiêm trọng là không quá 5 tháng, tội rất nghiêm trọng là không quá 7 tháng, tội đặc biệt nghiêm trọng không quá 16 tháng trong khi thời hạn điều tra tương ứng đối với từng loại tội phạm lần lượt là 4 tháng, 8 tháng, 12 tháng và 20 tháng. Từ đó cho thấy thời hạn tạm giam để điều tra và thời hạn điều tra không đồng nhất với nhau đối với tất cả các loại tội phạm. BLTTHS năm 2015 đã có quy định về trường hợp đặc biệt nếu không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng VKSNDTC quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là trường hợp đặc biệt thì lại chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, quy định này cũng chỉ áp dụng đối với trường hợp bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Còn đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng thì vẫn có sự chênh lệch giữa hai thời hạn này. Do đó, cần phải có quy định thống nhất về hai loại thời hạn này.

Ngoài ra, BLTTHS cũng chưa có quy định thủ tục rút gọn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, đồng thời chỉ quy định chung về thời hạn tạm giam đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là bằng hai phần ba thời hạn mà người từ đủ 18 tuổi phải chấp hành. Theo đó, những người này cũng sẽ phải chấp hành thời hạn tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tương tự như người đã thành niên. Bên cạnh đó, đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì TNHS cùng với căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ cũng như năng lực, khả năng nhận thức của họ đối với việc thực hiện tội phạm là khác nhau. Do đó, việc quy định một mức chung về thời hạn tạm giam đối với họ là chưa phù hợp. Điều này chưa phù hợp với các Công ước quốc tế về bảo về quyền của người chưa thành niên, thủ tục tư pháp đối với người chưa thành niên mà Việt Nam là thành viên khi mà các văn bản này đều yêu cầu một thủ tục rút gọn, thân thiện đối với nhóm người cần sự quan tâm đặc biệt này. Theo đó, ngoài việc bảo đảm áp dụng biện pháp tạm giam như là biện pháp cuối cùng cần thiết đối với những trường hợp ngoại lệ thì thời hạn tạm giam đối với những người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) phạm tội cũng cần được quy định chặt chẽ, cụ thể, phù hợp với từng nhóm lứa tuổi. Điều này góp phần hạn chế tác động tiêu cực tới tâm lý, tinh thần cho nhóm đối tượng dễ tổn thương này và sớm đưa các em hòa nhập cộng đồng. Từ phân tích đó, tác giả cho rằng cần nghiên cứu, sửa đổi BLTTHS theo hướng rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; đồng thời phân loại thời hạn tạm giam hợp lý đối với từng nhóm độ tuổi đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Một phần của tài liệu Áp dụng biện pháp tạm giam từ thực tiễn thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. (Trang 41)