Có hai xu hướng lớn sau:
Thứ nhất, thực hiện chế độ quản lý công ty đối với tất cả các doanh nghiệp nhà nước.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đã được trao quyền tự chủ trong hạch toán kinh doanh. Tuy nhiên, về thực chất, đa số các doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn đang hoạt động theo cơ chế cũ, tức là cơ chế “xin- cho” và ỷ lại vào Nhà nước. Trong cơ chế đó, sự năng động của giám đốc doanh nghiệp được đánh giá bằng việc kiếm được nhiều dự án hoặc làm thế
nào xin được nhiều tiền đầu tư của Nhà nước. Sau khi xin được tiền đầu tư của Nhà nước, không ít giám đốc dùng số tiền đó vào việc mua sắm các trang thiết bị đắt tiền, ô tô sang trọng, tiếp khách và không chú ý nhiều đến công việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình. Với cơ chế đó, tình trạng các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ kéo dài, tội tham nhũng, hối lộ và sự thoái hoá, biến chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ Nhà nước là khó tránh khỏi.
Để sớm khắc phục tình trạng trên, Nhà nước đã thực hiện sớm chế độ quản lý công ty đối với tất cả các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước đều phải hoạt động theo Luật doanh nghiệp, thực sự là một pháp nhân trong kinh doanh, là một chủ thể tự chủ kinh doanh, lời ăn, lỗ chịu và có đầy đủ các quyền trong kinh doanh như các loại hình doanh nghiệp khác.
Trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp hoạt động theo chế độ quản lý công ty thông qua Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc điều hành. Giám đốc điều hành do Hội đồng quản trị tuyển chọn từ nhiều nguồn (cả trong và ngoài nước), là người có kinh nghiệm kinh doanh, có tinh thần trách nhiệm, gắn bó với sự thành đạt của doanh nghiệp, được trả lương theo năm và theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài trong nhiều năm thì Hội đồng quản trị phải xem xét nguyên nhân để có thể bãi nhiệm hoặc quy trách nhiệm cho giám đốc theo luật định.
Các cấp Nhà nước có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản trị đối với các doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và cử cán bộ tham gia Hội đồng quản trị ở các doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chi phối hoặc không chi phối theo Luật Doanh nghiệp.
Những người được Nhà nước cử tham gia Hội đồng quản trị là những người đại diện chủ sở hữu của vốn nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và pháp luật về việc bảo toàn và phát triển vốn đó. Lương của các thành viên Hội đồng quản trị do Nhà nước cử được trả theo năm, gắn với hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước và một phần từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần.
Thực chất của việc thực hiện chế độ quản lý công ty đối với mọi doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước là quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, là sự đổi mới và cải tiến hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp nhà nước nhằm thực hiện đa dạng hoá sở hữu trong doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, đổi mới chức năng quản lý nhà nước và phương thức lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.
Cũng như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp nhà nước hoạt động sản xuất và kinh doanh trong khuôn khổ và phạm vi của luật pháp Nhà nước. Do đó, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bằng quyền lực hành chính, mà chi phối chúng dưới hình thức là một cổ đông, thông qua những đại diện của sở hữu vốn nhà nước được cử tham gia Hội đồng quản trị. Đối với những doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng, Nhà nước có thể chiếm tới 100% vốn, hoặc tham gia cổ phần chi phối để vừa có thể chi phối hoạt động kinh doanh với tư cách là cổ đông chi phối, vừa có thể quyết định với tư cách là Nhà nước. Như vậy, phương thức lãnh đạo của Nhà nước được chuyển từ hình thức hành chính, mệnh lệnh sang hình thức kinh tế, mà biểu hiện trực tiếp của nó là vốn và năng lực quản lý của người đại diện. Đó cũng chính là biện pháp nhằm kết hợp chặt chẽ giữa vốn (sở hữu) với khâu quản lý trong quá trình cải tiến, hoàn thiện quan hệ sản xuất.
Phương thức lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước đổi mới cho phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp theo chế độ công ty. Bí thư và một số thành viên chủ chốt của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tham gia Hội đồng quản trị được tổ chức theo cơ chế đề cử đối với doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và được giới thiệu để Đại hội cổ đông bầu vào Hội đồng quản trị hoặc làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp phát huy vai trò lãnh đạo của mình thông qua công tác giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy vai trò của người lao động, bảo vệ lợi ích của người lao động và các chủ sở hữu, khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản trị kinh doanh hiện đại cho người lao động và cán bộ quản lý. Để có thể làm tốt vai trò lãnh đạo của mình, các đảng viên cần có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực quản lý kinh doanh để có thể được tín nhiệm và giới thiệu vào bộ máy quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước cần tổ chức giám sát chặt chẽ người được giao làm chủ đại diện cho phần vốn thuộc sở hữu nhà nước; khuyến khích đảng viên gương mẫu trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước; mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho mình và làm giàu cho xã hội.