Cảm hứng về tình yêu lứa đôi

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP THƠ LƯU QUANG VŨ (Trang 44 - 58)

CHƯƠNG 2 ĐẶC ĐIỂM THỂ TÀI CỦA THƠ LƯU QUANG VŨ

2.2. Những cảm hứng chủ đạo trong thơ Lưu Quang Vũ

2.2.2. Cảm hứng về tình yêu lứa đôi

Từ xưa đến nay đã có không biết bao nhiêu bản nhạc, bài thơ viết dành cho tình yêu. Giữa tình yêu và thơ ca có sự gần gũi và đồng điệu đến lạ lùng. Trong các trang viết về tình yêu, hầu như mọi người đều đọc thấy dáng dấp mối tình của mình, hình bóng của mình trong đó. Và cũng rất lạ tình yêu lại là chủ đề mang tính chất riêng tư nhất và thường gắn liền với cuộc đời của chính tác giả. Và cũng như bất cứ một đề tài nào khác, tình yêu cũng cần đến vốn sống, cần đến chất liệu tâm hồn với những rung động mạnh mẽ và sâu sắc.

Hầu như người làm thơ nào cũng có thơ viết về tình yêu, có thể là không đặc sắc nhất trong các trang viết của họ nhưng đó là những tình cảm chân thành, trong lành, tha thiết của bản thân. Và Lưu Quang Vũ cũng vậy. Trong số những nhà thơ trẻ lớn lên trong kháng chiến chống Mỹ, ông được đánh giá là một trong những nhà thơ thành công khi viết về đề tài này.

Tình yêu được xem như là thế giới riêng, nơi thể hiện chiều sâu cảm xúc, kích thước tâm hồn của nhà thơ. Lưu Quang Vũ quan niệm: “Sự đầy đủ của cuộc đời con người là ở chỗ tìm thấy tình yêu, mặc dù tình yêu ấy có thể không ở lại cùng ta suốt đời”. Bởi vậy, khi tình yêu đến, nhà thơ nâng niu, trân trọng từng phút giây hạnh phúc. Ông trải lòng mình trên trang giấy, chia sẽ cùng độc giả hạnh phúc cá nhân của mình qua những bài thơ tình đặc sắc. Chính ở đây diện mạo thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ bộc lộ rõ nét nhất. Và trước sau, dấu ấn đậm nhất về một thi sĩ tài hoa, đa cảm ở Lưu Quang Vũ vẫn là những bài thơ viết về tình yêu. Những bài

thơ tình đầu tiên của Lưu Quang Vũ “chưa gợn một lần cay đắng” nên cảm xúc thơ trong trẻo, ngọt ngào, say đắm. Không gian thơ được mở ra trong khuôn viên của một khu vườn tình yêu với những hình ảnh thật thi vị và duyên dáng:

Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc Se sẽ chứ, không cánh buồm bay mất Qua dịu dàng, ẩm ướt của làn môi.

(Vườn trong phố)

Khi cảm giác yêu đương ùa đến, câu thơ Lưu Quang Vũ như tỏa ra một thứ hương thơm dịu ngọt làm mê đắm lòng người. Cầm tay người yêu, nhà thơ cảm nhận sâu sắc sự gần gũi, gắn bó và lúc nào ông cũng giữ nguyên vẹn cảm xúc tình đầu:

Anh nhìn em như mới gặp lần đầu Dẫu yêu nhiều chưa hiểu hết em đâu Trong đáy mắt có gì như ánh lửa.

(Gửi em và con)

Trong thơ tình Lưu Quang Vũ, hình ảnh người phụ nữ ông yêu xuất hiện với một tần suất dày đặc mà ở đâu cũng đều dịu dàng, đáng yêu. Có lúc nhà thơ so sánh người yêu với sự rực rỡ, lung linh của “cầu vòng bảy sắc”:

Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ

Em như cầu vòng bảy sắc hiện sau mưa

(Vườn trong phố)

Cũng có lúc “em” được ví như tia nắng soi sáng cuộc đời nhà thơ:

Em là tia nắng soi anh đến trọn đời Chẳng có ai yêu em như thế được

Dù sướng vui buồn khổ, dù hạnh phúc đắng cay, chỉ cần có “em” là cuộc đời bình yên. “Em” trong thơ Lưu Quang Vũ đóng một vai trò quan trọng, là bến đỗ phẳng lặng cho thuyền anh neo đậu sau bão táp cuộc đời:

Em là bóng cây em là bếp lửa Che mát và sưởi ấm lòng anh

(Không đề)

Lưu Quang Vũ viết thơ tình với mọi cung bật cảm xúc. Từ hạnh phúc đến khổ đau, từ ngọt ngào đến đắng cay, từ tin yêu đến hoài nghi, thơ ông đều thể hiện một phong cách rất riêng. Sau đổ vỡ của mối tình đầu, thơ Lưu Quang Vũ không còn rạo rực, sôi nổi mà thay vào đó là giọng chua chát, đắng cay:

Nghĩa gì đâu kỷ niệm tháng năm dài Lời thương mến nhớ lại thành chua chát Lòng ta cạn hay tại đời quá hẹp

Nghĩ cho cùng nào dám trách chi em.

(Từ biệt)

Nhà thơ tê tái, tiếc nuối cho mối tình đã qua. Ông tìm về với những kỷ niệm xưa để vỗ về, an ủi, dịu bớt vết thương lòng:

Những ngày qua không thể dễ nguôi quên Em lạc đến đời anh tia nắng rọi

Anh thuở ấy lòng thơm trang giấy mới Mối tình đầu tóc dại tuổi mười lăm.

(Từ biệt)

Bao kỷ niệm, ký ức ngọt ngào ào ạt kéo về. Mối tình đầu là mối tình đẹp nhất. Làm sao có thể nguôi quên được những rung động bồng bột thuở ban đầu:

Anh làm sao quên được những con đường Lá vàng rơi trên cỏ

Nhớ vai em chập chờn hoa gạo đỏ Nhớ vầng trăng xẻ nửa lúc xa xôi Nhớ lời yêu trong những lá thư dài.

Đã nhiều lần nhà thơ thừa nhận điều đó như một sự trải lòng, bộc lộ cảm xúc với thơ:

Yêu em nhiều mà cứ cố quên đi Tưởng như thế mới là cứng rắn.

(Viết lại một bài thơ Hà Nội)

Không thể quên kỷ niệm, tình yêu, vết thương lòng cũng không dễ nguôi ngoai. Nhà thơ trở về với thực tại, nhìn thẳng vào sự thật phũ phàng, chua xót và tự lý giải nguyên nhân của tan vỡ:

Hai ta không đi một ngả đường dài

Không chung khổ đau không cùng nhịp thở Những gì em cần, anh chẳng có

Em không màng những ngọn gió anh trao.

(Từ biệt)

Phải là người yêu hết mình, đặt hết niềm tin vào tình yêu mới trăn trở nhiều đến thế. Lúc này trong nhà thơ là tâm trạng bất an xen lẫn với hoài nghi, dằn vặt:

Nghĩ về em bao buổi chiều lặng lẽ Tìm trong em bao khát vọng không ngờ Môi tôi run những lời nói dại khờ Em ẩn hiện sao còn xa lạ thế.

(Lá thu)

Lưu Quang Vũ là người yêu sâu sắc nhưng gặp phải sự đổ vỡ nên có lúc không còn tin vào tình yêu. Sự hồ nghi đến đau xót này khiến lắm lúc nhà thơ mâu thuẫn với chính mình:

Em kỳ lạ làm sao, tôi vừa yêu vừa sợ Đã tránh đi vẫn muốn tìm gặp nữa Quá xa xôi em lại quá gần

Lúc kiêu ngạo lúc như cô gái nhỏ.

(Nửa đêm nỗi nhớ)

Thế nhưng, trong thơ Lưu Quang Vũ, vượt lên những nỗi đau, những nghi ngại vẫn là một tình yêu đằm thắm. Trên con đường kiếm tìm hạnh phúc, trải qua

cay đắng, ngọt bùi, bao lầm lỡ, vụng dại của cho, nhận, được, mất, cuối cùng nhà thơ đã tìm lại được “niềm vui sống như dòng sông mãnh liệt” (Chiều chuyển gió) bên cạnh một nửa của mình:

Em trả lại cho anh hơi thở, dáng hình Mang niềm tin thầm lặng của bình minh Em giải thoát cho anh khỏi cô đơn lầm lỗi Anh trẻ lại, đời chẳng còn rắc rối

Trước câu trả lời đơn giản: Hãy yêu thương.

(Những ngày chưa có em)

Cuộc sống ấm êm với Nữ sĩ Xuân Quỳnh đã cho nhà thơ một nguồn năng lượng mới. Ông vừa có một tình yêu lý tưởng vừa có thêm động lực để sống và sáng tác. Ở giai đoạn này, cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ là “cái tôi tìm lại con đường đi, tìm được mục đích sống, không còn là cái tôi hoang mang, đổ nát như giai đoạn trước”[100, tr.167]. Bao say đắm ngày nào lại hồi sinh. Nhà thơ lại thấy “Lòng tôi như buổi sớm vẫn nguyên lành”. Cảm xúc về “em” lại tươi mới:

Sống bên em thấm thoát tháng năm trôi Lòng sao vẫn ngỡ ngàng như mới gặp

(Chiều chuyển gió)

Có được hạnh phúc mới, ông hăm hở, háo hức bắt đầu lại cuộc sống đầy ý nghĩa:

Có em, anh hiểu lại cuộc đời Có em, anh bắt đầu tất cả

Bắt đầu con đường bắt đầu nhịp thở Mùa hạ đầu tiên, ngọn gió đầu tiên.

(Chiều chuyển gió)

Những hoài nghi, dằn vặt trước đây được thay thế bởi những câu thơ căng đầy niềm tin và sức sống:

Đôi mắt to vừa dịu lành vừa gay gắt Nhìn thấu đời anh nỗi khổ niềm vui

Biến niềm tin lẻ loi thành niềm tin của hai người

Những ngày của riêng anh những ngày của riêng em bây giờ chung một.

(Em II)

Điều dễ thấy nhất trong thơ Lưu Quang Vũ là một tình yêu mãnh liệt mà không ồn ào; cuồng nhiệt mà không lộ liễu. Tình yêu trở thành máu thịt và lẽ sống, trở thành đức tin lớn nhất của nhà thơ giữa cuộc đời đầy rẫy những biến động phức tạp:

Anh vẫn dựng ngôi nhà theo quy luật của tình yêu Chẳng cần những lâu đài lạnh giá

Chỉ tin nơi nào em đến ở

Chỉ sống bằng hơi thở của em thôi.

(Mắt của trời xanh)

Có được tình yêu, hạnh phúc đó nhà thơ biết ơn vô cùng người phụ nữ cùng chung niềm vui, nỗi buồn:

Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài Chỉ một người ở lại với anh thôi

Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương.

(Và anh tồn tại)

Dường như trong thơ tình Việt Nam đương đại, chưa nhà thơ nào biết ơn người mình yêu nhiều như Lưu Quang Vũ. Bất chấp mọi buồn tủi, mọi dở dang, lận đận trong tình yêu, ông vẫn yêu và biết ơn sâu sắc người mang đến tình yêu cho mình:

Biết ơn em, em từ miền gió cát Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng Anh thành người có ích cũng nhờ em Anh biết sống vững vàng không sợ hãi.

Với Lưu Quang Vũ, cuộc sống này chỉ thực sự có ý nghĩa khi có em bên cạnh. Để bày tỏ, thể hiện tình yêu của mình, Lưu Quang Vũ muốn dâng tặng người yêu tất cả những gì ông có:

Dành cho em, thao thức của đời anh Ngọn đèn sáng trên mặt bàn anh viết Những đôi cánh mơ hồ ẩn hiện Cả mũi tên không tới đích bao giờ.

(Dành cho em)

Không mơ mộng, ướt át, những câu thơ tình của ông là tiếng lòng chân thật. Chắc hẳn nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng cảm động lắm trước tấm chân tình của ông. Không cảm động sao được khi đọc những vần thơ da diết, ân tình:

Bây giờ chúng mình đã có nhau Thương biết mấy vẫn còn chưa đủ Lẽ nào anh lại trách em

Nhưng phải nói cho mà biết

Đáng lẽ chúng mình yêu nhau từ lâu.

(Đáng lẽ)

Khao khát được sống, được yêu đó là tâm thế chung của con người. Đó cũng là một nhân sinh quan tích cực. Như cảm nhận được quỹ thời gian ngắn ngủi nên nhà thơ nâng niu, trân trọng từng phút giây hạnh phúc:

Xanh trên đời chốc lát Mà tình cờ gặp nhau Vừa ngắn ngủi vừa dài lâu

Lúc tan xuống, lại mỗi người mỗi ngả Dù sướng vui, dù buồn khổ

Hãy yêu anh như hôm nay là ngày cuối cùng.

Tình yêu trong thơ Lưu Quang Vũ bao giờ cũng nồng nàn, da diết. Có tình yêu, đôi lứa sẽ vượt qua mọi chông gai, sóng gió của cuộc đời:

Ta sẽ qua bao năm tháng rộng dài Mùa thu ấy vẫn còn nguyên ở đó Sẽ đến lúc em không còn e sợ

Trước những gì sẽ tới, trước tình anh Ta sẽ qua bao cánh cửa nhọc nhằn Qua lửa ấm của những mùa đông lạnh Qua gió ngợp của những bờ sông nắng Qua sóng bồi cát lở của buồn vui.

(Mùa thu ấy vẫn còn nguyên ở đó)

Với mảng thơ viết về tình yêu, Lưu Quang Vũ đã rút ngắn khoảng cách giữa thơ với độc giả. Đọc thơ ông, độc giả như tìm thấy lòng mình trong tâm trạng của nhà thơ. Thơ tình Lưu Quang Vũ thể hiện rõ nét nhất chất trữ tình cá nhân. Đó là cảm xúc đắm đuối, say mê, nồng nhiệt trong tình yêu đầu đời, là hoang mang, vô định, thậm chí là tuyệt vọng trước đổ vỡ và là một trái tim yêu mãnh liệt, da diết, ân tình khi tìm được hạnh phúc đích thực qua bao khổ đau mới có được. Đó là cái tôi vừa trăn trở, hạnh phúc, vừa nôn nóng, khát vọng, cũng lại vừa muốn gửi trao, dâng hiến cho người tri kỷ. Và phong cách thơ ông hiện diện rõ nét qua các nội dung này. Qua việc khảo sát thơ Lưu Quang Vũ, chúng tôi thấy số lượng thơ viết về tình yêu là nổi trội hơn cả. Chính vì thế mà tình yêu là đề tài mà ông tâm huyết nhất. Thơ của ông rất đa dạng, mang những màu sắc khác nhau của một con người đã từng nếm trải mọi buồn vui, mọi đau khổ lẫn hạnh phúc ở đời. Với Lưu Quang Vũ tình yêu là số phận. Trong cuộc đời đầy sóng gió của ông, hầu như ở giai đoạn nào ông cũng tìm được những tình yêu chân thành, sâu đậm, dù nếm trải cả hạnh phúc lẫn đắng cay, đổ vỡ. Và dấu ấn của những cuộc tình ấy đã được ông diễn đạt thành thơ với tất cả sự đắm đuối của mình. Vì vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà các nhà phê bình khi khám phá mảng thơ tình của Lưu Quang Vũ, đều soi chiếu với những cuộc tình đã qua trong cuộc đời ông, vốn là nguồn cảm hứng sáng tạo dào dạt của người

nghệ sĩ trong ông. Viết về tình yêu, chúng tôi thấy phần lớn các bài thơ của ông đều gắn với một người phụ nữ cụ thể, một mối tình cụ thể có trong tiểu sử của ông. Nối kết các bài thơ ấy lại, chúng ta sẽ biết được hành trình số phận, hành trình hạnh phúc của Lưu Quang Vũ.

Trong phần thơ đầu tay, “Hương cây”, có hình dáng của Tố Uyên- diễn viên điện ảnh, người yêu đầu đời rực rỡ “như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa”. Cô là nguồn cảm hứng chính để ông viết nên những bài thơ tình nồng nàn, say đắm như “Vườn trong phố”, “Hơi ấm bàn tay”, “Gửi em và con”. Tình yêu của anh lính trẻ nhiều mơ mộng dạo ấy thật trong sáng, nguyên sơ, luôn thấm đẫm hương vị của cỏ cây hoa lá. Gương mặt, dáng hình của người con gái ông yêu hiện lên tươi mát như cây trái: "Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài, Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ". Nhưng cuộc tình đầu đẹp đẽ và trong sáng ấy cuối cùng rồi cũng không kéo dài mãi được. Khi đứa con của họ vừa chập chững biết đi thì những dấu hiệu rạn nứt cũng bắt đầu xuất hiện, rồi sự tan vỡ trong cuộc hôn nhân đầu đã đến. Lưu Quang Vũ đành đau đớn nói lời chia tay:

Chiếc cốc tan không thể khác đâu em Anh nào muốn nói những lời độc ác Như dao cắt lòng anh như giấy nát Phố ngoài kia ngột ngạt những toa tàu.

(Từ biệt)

Đây cũng là thời gian bao tai ương của cuộc sống dồn dập đến với ông: Rời quân ngũ, không nghề nghiệp, không việc làm, đất nước đang thời kỳ khó khăn... Gia đình tan vỡ bồi thêm một đòn quyết định đẩy Lưu Quang Vũ đến bi kịch. Ông như một kẻ lạc lõng, long đong giữa cuộc đời vô định: “Có những lúc tâm hồn tôi rách nát/ Như một tấm gương chẳng biết soi gì ”. Và cuối cùng thì cuộc tình tuyệt đẹp một thời ấy cũng nhanh chóng rơi vào dĩ vãng: “Gương mặt em chỉ còn là kỷ niệm/ Mối tình xưa anh cũng đã quên rồi”.

Lưu Quang Vũ lấy lại được sự bình tĩnh trong tâm hồn khi đến với cuộc tình thứ hai, với một nữ họa sĩ. Khác với cô diễn viên đẹp rực rỡ "như cầu vồng bảy sắc

hiện sau mưa" ngày trước, người con gái này có vẻ ngoài khắc khổ và gầy guộc "Em gầy như huệ trắng xanh", như hiện thân của cuộc đời lắm đa đoan, vất vả. Cảm nhận tình yêu lần này không còn thấm đẫm “Hương cây” như trước mà gắn với những bức tranh, với những găm màu sáng tối. Ông tỏ tình lần thứ hai trong khung cảnh: “Những khung tranh, những giá vẽ ngổn ngang”, “Những bức tranh nổi gió ở trên tường” và trong một khung trời dữ dội: “Trời chuyển gió sắp quay cuồng bão lớn”. Tình yêu với họa sĩ mà Lưu Quang Vũ gọi là “tình yêu những năm đau xót và hy vọng” cũng không đi đến một kết thúc có hậu. Phần lớn những bài thơ trong tập “Bầy ong trong đêm sâu ” anh viết trong giai đoạn này, “chua chát, sắc sảo và cay đắng” hơn, vì nó được thể nghiệm từ chính những được mất trong cuộc đời:

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP THƠ LƯU QUANG VŨ (Trang 44 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)