“CHÙA HỘI SƠN”
(Tọa lạc tại số 1A1, đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh)
Chùa Hội Sơn là ngôi chùa cổ do thiền sư Khánh Long khai lập và trụ trì vào cuối thế kỷ XVIII. Chùa nằm trên ngọn đồi, bên một dòng sông, là một thắng cảnh nổi tiếng đã được đưa vào sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức.
Chùa Hội Sơn có kiến trúc mặt bằng hình chữ L ngược, mái ngói âm dương, vì kèo chịu lực bằng gỗ, cửa sổ, tường gạch, nền lót gạch tàu… Trục chính của chùa gồm hành lang, tiền điện, chính điện, tổ đường, giảng đường, sân thiên tỉnh, nhà túc, nhà hậu. Trục ngang, phía bên trái là tăng đường và nhà bếp.
Chùa Hội Sơn tọa lạc trên một di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa sông Đồng Nai, có niên đại khoảng 3500 năm ở vào thời đại kim khí. Di chỉ này nằm ngay dưới khuôn viên 18.000 m2 ở trên một vùng phù sa cổ. Do quá trình xói mòn và chịu ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết nên các hiện vật này đã dần lộ thiên. Theo thống kê được thì có khoảng 89 công cụ bằng đá và rất nhiều mảnh gốm có niên đại hàng ngàn năm. Hiện những hiện vật này đang được trưng bày tại nhà truyền thống Thủ Đức. Hiếm có ngôi chùa nào đem lại nhiều giá trị lịch sử như chùa Hội Sơn. Chùa Hội Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 43-VH/QĐ ngày 7 tháng 01 năm 1993.