Tín ngưỡng phồn thực

Một phần của tài liệu VIỆT NAM LÀ MỘT ĐÔNG NAM Á THU NHỎ DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA (Trang 30 - 32)

8. Bố cục đề tài

2.2.3.2. Tín ngưỡng phồn thực

Phồn” có nghĩa là nhiều, “thực” có nghĩa là nảy nở. Duy trì và phát triển sự sống là một nhu cầu thiết yếu của con người, đối với cư dân nông nghiệp, nhu cầu này càng hệ trọng. Từ nhu cầu đó cư dân nông nghiệp có một niềm tin (tín ngưỡng) vào một số giải pháp có tính ma thuật về kích động tình dục cho thiên nhiên để hi vọng chúng sinh sôi nảy nở, phát triển và đem lại những mùa màng tươi tốt bội thu.

Cơ sở của tín ngưỡng này cũng là “vạn vật hữu linh”, người xưa tin rằng qua một số ma thuật có tính kích dục mà họ thực hiện, thiên nhiên có thể cảm ứng và đồng cảm vì chúng cũng có linh hồn để có thể cảm nhận.

Tín ngưỡng phồn thực là chung của cư dân nông nghiệp nhưng ở Đông Nam Á nó được biểu hiện phong phú sinh động trong đời sống và lễ hội. Con người đã thần thánh hóa

ma lực của tình dục, họ liên tưởng qua đó sức mạnh sinh sản của đất đai, của cây trồng. Biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực khá đa dạng. Thông thường là thờ sinh thực khí (sinh = đẻ, thực = nảy nở, khí = công cụ).

Người Việt thờ nỏ - nường (nỏ là cái nêm tượng trưng cho sinh thực khí nam, nường là mo nang tượng trưng cho sinh thực khí nữ). Ở nhiều địa phương của Việt Nam vẫn còn các tục lệ thờ cúng, rước nỏ - nường. Ở làng Đông Hy - Hà Bắc có tục rước cặp sinh thực khí bằng gỗ vào mồng 6 tháng Giêng. Sau đám rước cặp sinh thực khí ấy được đốt đi lấy tro chia cho mọi người đem rắc ra ruộng cầu cho mùa màng tốt tươi. Ở nhiều vùng thuộc Vĩnh Phú có dịp hội làng, người ta rước18 bộ sinh thực khí (bội số của 9, 18, 36 dân gian có câu “36 cái nỏ nường cái để đầu giường, cái để gối tay”). Khi đám rước kết thúc, mọi người tranh cướp các vật này vì tin rằng nó đem lại sự may mắn. Người Tày thờ búp măng, hoa chuối. Một số dân tộc khác thờ hang động có kẽ nứt, thờ cột đá tự nhiên,… Người Lào rước âm vật, dương vật trong Bun Bang Phay.

Bên cạnh việc thờ sinh thực khí giống như nhiều cư dân nông nghiệp khác, cư dân Đông Nam Á còn có tục thờ hành vi giao phối tạo nên một dạng tín ngưỡng phồn thực độc đáo. Trên nhiều đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn của Việt Nam có khắc hình nam nữ giao phối, đặc biêt là trên nắp thạp đồng Đào Thịnh có gắn tượng các đôi nam nữ trong tư thế giao phối rất sinh động. Ở Thái Lan có tục nặn tượng hai người nam nữ đang giao hợp bằng đất sét gọi là “nặn đám mây”. Họ đem những tượng này để trên bờ các thửa ruộng cầu cho lúa tốt, cho mùa màng bội thu. Người Thái lan còn làm một loại bùa gọi là cái In bằng gỗ, bằng đồng, bằng bạc hoặc ngà voi,… đó là hình nam nữ giao hợp, họ tin rằng ai đeo bùa đó thì người đó chăn nuôi hoặc trồng trọt đều thịnh vượng.

Vào dịp hội Đền Hùng, ở vùng Phú Thọ còn lưu truyền điệu múa “Tùng dí”. Thanh niên nam nữ múa từng đôi, cầm trong tay những vật biểu trưng cho sinh thực khí nam, nữ. Cứ mỗi khi nghe thấy tiếng trống (tùng) họ lại giơ hai vật đó chạm vào nhau (dí). Tương tự như vậy trò múa mo ở xã Sơn Đông - Hà Tây, buổi chiều khi tế lễ đã xong, trai chưa vợ gái chưa chồng đến tụ tập ở sân đình, một người vừa múa vừa hát trước bàn thờ, tay trái cầm một khúc tre tượng trưng cho dương vật, tay phải cầm chiếc mo cau tượng trưng cho âm vật. Người múa mấy lần lắp khúc tre vào mo cau để nói lên hành động giao phối. Cuối cùng anh ta tung khúc tre và mo cau vào đám trai gái cho họ tranh cướp. Người ta giành nhau đến mức khúc

tre gãy thành nhiều đoạn, mo cau bị xé rách thành nhiều mảnh. Người ta tin rằng ai lấy được những khúc hay những mảnh đó sẽ gặp nhiều may mắn trong năm, không chỉ may mắn trong việc lấy chồng lấy vợ mà còn may mắn cả trong sản xuất và đời sống. Người Lào có tục đốt pháo thăng thiên và rước sinh thực khí. Trong đếm đốt pháo người ta rước sinh thực khí và vừa diễu hành, vừa mô phỏng động tác giao phối biểu hiện ý niệm tạo ra sự phồn thực cho cỏ cây, gia súc.

Cũng trong các lễ hội họ tổ chức các cuộc thi, những trò chơi mang biểu hiện phồn thực như thi đánh trống thủng (Lào, Việt, Thái Lan, Môn), đánh đu nam nữ, mùa khiên kiếm làm bẵng nõn chuối, mộc bằng mo cau theo động tác tính giao (Tày, Dao…). Còn trong đời sống hàng ngày, biểu tượng phồn thực được liên tưởng trong sinh hoạt: gậy chọc lỗ, cối chày giã gạo, bánh tét, bánh giầy,… ngoài ra, các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên rất coi trọng việc thờ cúng hồn lúa và họ hay gọi là lễ cúng Mẹ lúa. Lễ hội được diễn ra rất lớn và trước khi tổ chức lễ, cư dân chuẩn bị rất công phu. Đó là vào thời gian chuẩn bị thu hoạch, họ buộc một sợi chỉ đỏ dẫn đường từ ruộng lúa của mình, qua các sông suối để đi về tận nhà với quan niệm, làm như vậy hồn lúa sẽ không bị đi lạc đường và năm sau sẽ lại cho mùa bội thu. Đây cũng là một lễ hội mang đậm tín ngưỡng phồn thực của cư dân Đông Nam Á

Một phần của tài liệu VIỆT NAM LÀ MỘT ĐÔNG NAM Á THU NHỎ DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(51 trang)