Vai trò của triết lý Nhân quả trong việc giáo dục ý thức đạo đức

Một phần của tài liệu Ths triet hoc triết lý nhân quả trong phật giáo và ảnh hưởng đối với việc giáo dục đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 48 - 51)

đức con người Việt Nam hiện nay

Để có thể tồn tại, con người không thể nằm ngoài các mối quan hệ xã hội. Hạt nhân của mối quan hệ xã hội đó là sự tương quan hài hòa và hợp lý giữa những những quyền lợi cộng đồng và lợi ích cá nhân. Những nguyên tắc bảo đảm cho sự phù hợp của những quyền lợi ấy đã trở thành hệ thống những quan niệm, tri thức và các trạng thái xúc cảm tâm lý chung của các cộng đồng người về các giá trị thiện, ác, lương tâm, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng…và về những quy tắc đánh giá, điều chỉnh hành vi ứng xử giữa cá nhân với xã hội, giữa cá nhân với cá nhân trong xã hội. Đó chính là ý thức đạo đức.

Luật nhân quả của Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phát triển nhân sinh quan và đạo đức trong nhân dân ta. Phật giáo cùng với quá trình du nhập đã giải đáp được những băn khoăn mang tính triết lý nhân sinh về ý nghĩa cuộc sống, vấn đề họa phúc trong cuộc đời … Với những tư tưởng về “vô thường, vô ngã”, “từ, bi, hỷ, xả”, “nghiệp chướng, luân hồi”, “nhân quả”… Đạo đức truyền thống của dân tộc ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo đức Phật giáo, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn với đặc điểm văn hóa lịch sử và con người Việt Nam để hình thành nên những chuẩn mực

đạo đức truyền thống tốt đẹp như: yêu nước, hiếu thảo, trung thực, nhân ái, hướng tới cái thiện, tránh xa điều ác, đoàn kết, tương thân tương ái… Phật dạy công bằng, bác ái, từ, bi, hỷ, xả, không tham, sân, si, oán hận, sống thiện thì sẽ gặt hái được những điều thiện, điều tốt; sống vô đạo đức, làm nhiều việc ác ắt sẽ bị quả báo. Phần lớn người Việt Nam đều tin vào đạo lý đó. Tuy đa phần người dân không hiểu ngọn ngành, tường tận về những triết lý như “vô thường vô ngã”, “thuyết tứ diệu đế”, “duyên khởi”, “nghiệp”… song họ đều một lòng hướng Phật với niềm tin mọi đau khổ, bất trắc sẽ được diệt trừ. Giáo sư Trần Văn Giàu đã nói rằng:

Tín ngưỡng Phật giáo phổ biến trong đại đa số nhân dân. Người dân không biết gì về triết lý cao xa của Phật mà chỉ biết cầu phúc, chỉ biết chuyện quả báo, luân hồi. Từ lâu rồi, triết lý Phật giáo trở thành một thứ đạo đức học từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn là hạt nhân, chúng sinh có thể hiểu và làm được, không cao xa, rắc rối như triết lý Phật giáo nguyên thuỷ. Tu nhân tích đức ở kiếp này để an vui, hưởng phúc ở kiếp sau [14, tr.495].

Đối với đạo Phật, muốn thay đổi cuốc sống từ khổ đau đến an vui, hạnh phúc thì không gì hơn là chuyển hóa nội tâm theo luật nhân quả, lý duyên sinh của vũ trụ, khai mở tâm thức, phát triển trí tuệ trực giác, hướng đến giác ngộ giải thoát.

Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển kinh tế đang diễn ra một cách mau lẹ, hàng ngày hàng giờ tác động vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh những giá trị tích cực thì nền kinh tế thị trường cùng với sự hội nhập kinh tế quốc tế cũng cũng còn những mặt trái tiêu cực. Trong đó không thể không kể đến việc nhiều giá trị đạo đức của dân tộc bị xói mòn, biến dạng, ảnh hưởng xấu đến quá trình xây dựng xã hội mới. Chính điều đó đã và đang đặt ra những yêu cầu mới trong phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong xây

dựng và phát triển đạo đức, lối sống của con người Việt Nam nói riêng, tiến tới thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI là “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” [58].

Dưới ảnh hưởng của điều kiện mới, nhân sinh quan Phật giáo đã có nhiều biến đổi để phù hợp với bối cảnh của đất nước hiện nay, nhưng nội dung chủ yếu của nó vẫn là hướng con người đến cái thiện, diệt trừ cái ác. Tư tưởng “gieo nhân nào gặp quả ấy” theo luât nhân quả của nhà Phật đã góp phần nâng cao ý thức đạo đức và trách nhiệm của mỗi người trong việc củng cố và phát huy tinh thần yêu nước, thương dân, đoàn kết tương trợ lẫn nhau; lên án và tránh xa các hành vi xấu, các tệ nạn xã hội. Đồng thời nó cũng chỉ ra rằng, để có thể đưa đất nước phát triển đi lên, tiến tới môt xã hội tốt đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh thì chỉ có thể dựa vào sự phấn đấu không ngừng của mỗi cá nhân, và thành quả đạt được sẽ tương xứng với sự nỗ lực của từng thành viên trong xã hội đó. Chính vì vậy, mỗi người phải có niềm tin, lý tưởng, biết vượt lên khó khăn, thử thách làm chủ cuộc sống của mình. Nếu sống thụ động, chây ỳ, dựa dẫm, phó mặc số phận thì đất nước sẽ không thể đi lên, trở nên lạc hậu và kém phát triển.

Dựa trên tinh thần của triết lý nhân quả, luân hồi nghiệp báo, tư tưởng từ bi, hỷ xã, cứu khổ, cứu nạn, phổ độ chúng sinh, hành thiện tích đức của nhà Phật vẫn được người Việt tiếp thu và phát huy, trở thành một trong những chuẩn mực đạo đức để định hướng cho mọi người đời sống thực tiễn, tạo thành sức mạnh tâm linh, tinh thần giúp họ vượt qua những dục vọng, cám dỗ để vươn đến cuộc sống tốt đẹp, chân thiện.

Có thể thấy, khi mà cơ chế thị trường vẫn đang bộc lộ những mặt tiêu cực của nó thì Phật giáo với những qui tắc, chuẩn mực đạo đức cộng với niềm tin tôn giáo của riêng mình vẫn còn có những giá trị tích cực, là chỗ dựa tinh

thần không thể thiếu của quần chúng nhân dân. Phật giáo nói chung, triết lý nhân quả trong Phật giáo nói riêng đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nên những quan niệm về phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam hiện đại, theo tư tưởng của Hồ Chí Minh đó là: trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; yêu thương con người; có tinh thần quốc tế chung thủy, trong sáng.

Một phần của tài liệu Ths triet hoc triết lý nhân quả trong phật giáo và ảnh hưởng đối với việc giáo dục đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w