đức con người Việt Nam hiện nay
Hành vi đạo đức là một hành động tự giác, được thúc đẩy, điều chỉnh bởi ý thức đạo đức. Nó được biểu hiện trong cách ứng xử, trong lối sống, trong giao tiếp, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Hành vi đạo đức thể hiện văn hoá đạo đức của mỗi cá nhân.
Theo Phật giáo, hành vi đạo đức tuy ở mỗi thời đại và hoàn cảnh có sự khác nhau nhưng nó không hoàn toàn mang tính chủ quan mà còn phải thuận theo pháp để trở thành hành vi chân lý. Con người sinh ra và tồn tại tuy không nhất định hoàn toàn phù hợp với chân lý, nhưng sự nhận định nên làm gì và không làm gì trong một hoàn cảnh nhất định là cần thiết. Từ đó, tâm của mỗi người sẽ phát sinh lòng hướng thiện, biết lựa chọn thiện, ác, việc nào nên làm, việc nào nên tránh [43; tr.189].
Đạo Phật cho rằng, hết thảy đạo đức, suy đến cùng đều hướng tới giải thoát niết-bàn chí cao, chí thiện. Để có thể đạt được điều đó thì bắt buộc phải thực hành đạo đức chân chính (hành vi đạo đức), tức là lấy diệt trừ ngã chấp, ngã dục làm bản chất. Con người tu phước hay tạo nghiệp không ngoài sáu căn, ba nghiệp. Sáu căn chính là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Ba nghiệp gồm: thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Thân nghiệp gồm: sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Khẩu nghiệp gồm có: nói dối, nói thêu dệt, ác khẩu, nói đôi chiều. Ý nghiệp gồm có: tham dục, sân khuể, ngu si. Để có thể diệt trừ chấp ngã, chấp
dục thì mỗi người phải nắm vững quy luật khách quan, phải có những phương thức hành dộng đúng đắn. Trong đó, “giới” được coi là phương tiện dẫn dắt con người vượt khỏi song mê, bể khổ, luân hồi, tới chốn an lạc, giải thoát. Không chỉ vậy, giới còn là điều liện tối quan trọng trong việc tu tập thiền định. Do vậy, giữ giới cũng đồng nghĩa với việc con người tự rèn luyện, trau dồi đạo đức. Ngũ giới của đạo Phật bao gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không gian dâm, không nói dối, không uống rượu. Có thể thấy, Ngũ giới bao hàm đầy đủ, toàn diện ba mặt “thể dục, trí dục, đức dục”, góp phần hướng tới con người đi dến sự hoàn thiện trong tư tưởng, hành vi, bồi dưỡng nhân cách theo nhân sinh quan Phật giáo, ảnh hưởng tích cực đến đạo đức con người, nó một mặt ngăn chặn các hành vi xấu xa, mặt khác, nó khơi gợi những hành vi tốt phát triển.
Ngoài Ngũ giới còn có Thập thiện, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức xã hội, bao gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không ác khẩu, không nói đôi chiều (không nói khiêu khích, ly gián), không nói thêu dệt, không tham dục, không sân khuể (nóng giận, oán hận), không tà kiến. Trong việc hình thành nhân cách con người. Thông qua Ngũ giới và Thập thiện, Phật giáo Việt Nam đã thể hiện vai trò định hướng cho các cá nhân, xã hội trong việc thoát bỏ cái ác, cái xấu, hoàn thiện nhân cách con người, hướng con người vươn đến các giá trị Chân, Thiện, Mỹ.
Đạo Phật cùng hệ thống giáo lý của mình đã góp phần điều chỉnh ý thức và hành vi đạo đức cho con người, khơi dậy trong họ thiện tâm, đức vị tha, hiếu sinh, từ bi hỉ xả… Luật nhân quả của Phật giáo đã nhấn mạnh vào trách nhiệm của từng cá nhân đối với các hành vi đạo đức. Phật nói về “Nhân quả ba đời”, “Luân hồi lục đạo”, … nhờ đó mà “kẻ tuy chí ngu, quyết cũng chẳng chuộng hung, ghét lành, vui mừng vì bị tai họa. Nghe “chất chứa điều thiện ắt sự vui có thừa, chất chứa điều bất thiện ắt tai ương có thừa”, người hiền ắt sẽ càng thêm
siêng tu, kẻ không ra gì cũng phải gắng sức làm lành. Cố gắng lâu ngày, nghiệp sẽ tiêu, trí sẽ rạng, không có lầm lỗi, đức được sáng tỏ, xưa kia là kẻ chẳng ra gì, nay là bậc đại hiền” [30, tr.185]. Khi đã biết được luật nhân quả, con người vì sợ quả báo, sợ bị đầy xuống địa ngục nên họ sẽ cố gắng làm thiện, tránh ác, tu nhân tích đức, tự giác hoàn thiện, bồi đắp đao đức cho mình, để từ đó hướng đến việc xây dựng nên một nền đạo đức tốt đẹp cho toàn xã hội.
Phật giáo cho rằng: sự diệt trừ chấp ngã, ngã dục là bản chất, là căn cứ của những hành vi đạo đức [39, tr.325]. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Hết thảy chúng sinh đều có đủ đức tướng, trí tuệ của Như Lai, nhưng do vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc”, tức là: hiểu biết, trí huệ, đức tướng của chúng sinh và Phật là giống nhau, nhưng do có vọng tưởng, chấp trước và lìa vọng tưởng, chấp trước nên chúng sinh và Phật khác hẳn nhau. Chính vì vậy, con người chỉ có thể tiến tới giải thoát, đến cõi Niết Bàn bằng cách hành thiện, tu đức (hành vi đạo đức), mà để có thể hành thiện, tu đức thì chỉ có thể tiến hành bằng cách diệt trừ chấp dục, chấp ngã.
Căn cứ vào pháp tắc thiện nhân thiện quả, ác nhân ác quả mà nói thì khi làm ác chưa chắc đã thỏa mãn được ngã chấp, ngã dục nhưng hậu quả của nó thì chắc chắn sẽ là cái khổ vĩnh viễn. Còn như khi làm thiện, tuy có đôi lúc phải chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân nhưng sau đó sẽ được hưởng hạnh phúc và sự bình an, như trong Tạp A Hàm, chương III, phần 42 có viết: “Lấy thọ cho người (cứu thọ mệnh của người) thì khi sinh vào cõi người, cõi trời được sống lâu; lấy sắc đẹp cho người thì khi sinh vào cõi người, cõi trời sẽ được sung sướng, lấy sức cho người thì thì khi sinh vào cõi người, cõi trời được mạnh khỏe; lấy trí tuệ cho người thì khi sinh vào cõi người, cõi trời được sáng suốt”.
Chính tư tưởng từ bỏ chấp dục, chấp ngã, cái vị kỷ cá nhân đó đã ảnh hưởng đến hành vi đạo đạo đức người Việt Nam, nó thể hiện ở “đức hy sinh”
của người Việt “sống vì mọi người " hay " một người vì mọi người, mọi người vì một người ".
Đức hi sinh là phẩm chất đáng quý, là sự tự nguyện nhận phần thiệt thòi, mất mát lớn lao, thậm chí hi sinh cả tính mạng của mình vì mục đích, lí tưởng, tình cảm cao đẹp. Người đời đã ghi nhớ, khắc tên những vị anh hùng dân tộc, những chiến sĩ cách mạng đã dũng cảm hi sinh thân mình để bảo vệ tổ quốc. Từ thời phong kiến chống giặc ngoại xâm đến thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, những người con dân Việt Nam đã tình nguyện hi sinh tuổi thanh xuân, hạnh phúc cá nhân, dấn thân vào con đường nguy hiểm, khốc liệt, gian nan để bảo vệ đất nước, giống nòi. Ngày nay trong bối cảnh hòa bình thống nhất, đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, phẩm chất tốt đẹp đó đó được thể hiện thông qua việc hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của tập thể, không lùi bước trước khó khăn, sống có trách nhiệm và không ngừng phấn đấu, hoàn thiện bản thân để đạt tới mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; tiến tới lý tưởng xóa bỏ chế độ tư hữu, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản.
Thuyết nhân quả, luân hồi nghiệp báo của đạo Phật đã chỉ ra cho chúng ta thấy: con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình kể cả sau khi chết, vì chết theo quan niệm của đạo Phật, chết mới chỉ là chấm dứt một kiếp sống mà thôi. Nhưng Phật cũng dạy rằng:
Tùy tâm tạo nghiệp, tùy tâm chuyển nghiệp”, nghiệp nhân tạo ra chắc chắn nghiệp quả phải hưởng lấy, nhưng có thể xoay chuyển nghiệp bằng cách lấy “nhân hiện tại làm nhân để tiêu diệt cái nhân trước đó. Hiểu điều này thì kẻ ngu sẽ thành hiền, kẻ dở tệ, tầm thường sẽ thành siêu quần, bạt tụy, đều do chính mình tu đức và tùy thời kéo dạy mà thôi [30, tr.187].
Tuy nhiên, nếu không giác ngộ mà vẫn tiếp tục sai lầm nối tiếp sai lầm thì ác báo sẽ theo như bóng với hình, giọt nước sau nối tiếp giọt nước trước. “Họa phước không cửa, chỉ do con người tự chuốc lấy”, có thể thấy mục đích của đạo Phật là giác ngộ con người, giúp họ tự giải thoát để đạt tới hạnh phúc. Về phương diện này, có thể nói đó là một quan niệm tiến bộ, bình đẳng vả đề cao vai trò của con người trong hoạt động thực tiễn. Nó có tác dụng hạn chế được lối sống buông thả, ích kỷ dẫn đến tham lam, tàn bạo, bất chấp đạo lý để thỏa mãn dục vọng cá nhân, đồng thời nó đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đời sống của chính mình và với toàn xã hội. Điều đó là vô cùng quan cần thiết và quan trọng đối với mỗi người, đặc biệt là với thanh niên Việt Nam hiện nay.
Trong thời chiến tranh, thanh niên là nòng cốt bảo vệ Tổ quốc. Ở thời bình, nòng cốt ấy lại là lực lượng chủ yếu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận không nhỏ thanh niên lại sống thiếu lí tưởng, buông thả, chỉ muốn hỏa mãn nhu cầu hưởng thụ ích kỉ của bản thân. Bước thời kỳ đất nước hội nhập toàn cầu, với trọng trách với cuộc sống hiện tại, thanh niên Việt Nam cần ra sức học tập, đáp ứng nhu cầu về kiến thức để có điều kiện hội nhập với Thế giới, sống có ích, sống có hoài bão, sống có lý tưởng vì tương lai của chính mình và đất nước.