Vai trò của triết lý nhân quả trong quan hệ đạo đức của con ngườ

Một phần của tài liệu Ths triet hoc triết lý nhân quả trong phật giáo và ảnh hưởng đối với việc giáo dục đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 55 - 82)

người Việt Nam hiện nay

Những quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể và xã hội được ý thức đạo đức điều chỉnh, các quan hệ đó là quan hệ đạo đức. Những quan hệ này một mặt thể hiện ý thức đạo đức, mặt khác nó đóng vai trò hình thành và củng cố ý thức đạo đức.

2.4.1. Đạo đức trong kinh doanh

Phật giáo cho rằng việc sinh hoạt kinh tế cũng là một trong những đức hạnh của mỗi người vì nó có quan hệ đến xã hội. Nếu con người sống trong nghèo đói, không đủ phương tiện để sống, khổ sở, nợ nần thì đó là chuyện đau buồn trên thế gian này. Nghèo đói trầm trọng sẽ gieo giống tội ác và mâu thuẫn xã hội, đe doạ luật pháp và trật tự, làm ngăn trở đoàn kết cộng đồng và đạo đức con người. Rất khó đạt được một đời sống đạo đức và tâm linh trong tình trạng nghèo khó và xung đột. Ngược lại, khi được đảm bảo những điều kiện sống cần thiết thì người ta cũng sống thân thiện với nhau và trong tăng đoàn cũng hoà ái. Tuy nhiên, Phật giáo cũng chỉ ra rằng, nếu quá phụ thuộc vào yếu tố vật chất bên ngoài thì đạo đức cũng sẽ suy đồi, thoái hóa, do tất cả các phúc lợi vật chất không là cứu cánh tự tại, mà chỉ là một phương tiện mang lại hạnh phúc cho con người và hỗ trợ trong quá trình bồi đắp đạo đức cá nhân mà thôi. Sự tham lam của con người là không có giới hạn, việc quá chú trọng vật chất khiến con người không bao giờ toại nguyện với cuộc sống của chính mình, sẽ tạo nhiều nghiệp ác để thỏa mãn lòng tham không đáy.

Đối với Phật giáo, của cải không phải là một điều xấu, điều quan trọng là làm thế nào là tạo ra và sử dụng nó. Ngay cả khi của cải được tạo ra trong một phương cách có đạo đức và sử dụng cho bản thân mình và cho người khác, thì người ta cũng không nên có một thái độ tham lam quá mức đối với của cải. Kinh Pháp Cú, phần Tham Ái 355 có nói: “Của cải hại kẻ ngu; không hại được người cố tìm bến giác; kẻ ngu ham tiền bạc; tự hại mình, hại người”. Từ đó, đao phật chủ trương thực hiện trung đạo: mỗi người cần phải tự biết thoát khỏi nghèo khổ, nhưng cũng cần biết tự kiềm chế bản thân mình, tránh xa việc tham lam vật chất, sống xa hoa, trụy lạc mà tự tạo nghiệp xấu cho mình.

Phật giáo nguyên thuỷ quan niệm: của cải là chuyện phước nghiệp tốt trong quá khứ, được làm ra do phù hợp với đạo đức. Tinh thần hào phóng, tạo

thêm tài sản là một quả nghiệp tốt, còn bủn xỉn sẽ đưa tới nghèo khó. Nói như thế không có nghĩa nghiệp kiếp trước là nguyên nhân duy nhất đưa tới chuyện giàu hay nghèo của kiếp hiện tại. Như vậy là không đúng theo tư tưởng của Phật giáo nguyên thủy. Việc giàu nghèo do nghiệp trong quá khứ chỉ là một nguyên nhân, nguyên nhân còn lại là do ở chính bản thân mỗi người trong đời sống hiện tại. Từ đó, đạo Phật đã đưa ra các quan niệm về các kế hoạch kinh tế. Kế hoạch ấy không phải chỉ nhằm “vinh thân phì gia” mà mục đích chủ yếu là để có khả năng làm thiện. Tức là ngoài việc nuôi được bản thân và gia đình thì còn có thể giúp đỡ những người nghèo khó.

Trong “Tạp A hàm”, quyển 4, kinh 91, Đức Thích Tôn từng nói với thiếu niên Uất-xà-cang rằng: “Có tứ pháp, người thế tục tại gia được hiện tại an lạc”. Tứ pháp bao gồm:

Thứ nhất, phương tiện đầy đủ: có nghề nghiệp tài giỏi để tự mưu sinh. Nếu không có tri thức, kỹ năng, theo đuổi nghề nghiệp chính đáng thì cuộc sống ăn bám có thể dẫn đến kết cục bi thảm. Theo Phật, để củng cố cơ sở kinh tế, trước hết phải lựa chọn nghề nghiệp mưu sinh chính đáng, nếu không, vì lòng tham muốn làm tiền quá độ sẽ đưa đến những hành động phạm tội, điều này, trong kinh “Kinh thiện sinh” cũng nói: “trước học kỹ thuật, sau cầu tài vật”. Nghề nghiệp chính đáng, như “làm ruộng, buôn bán, chăn bò cừu kiếm lời, xây nhà cửa để cầu lợi, chế tạo đồ đạc như giường nằm, sáu món mưu sinh đầy đủ” (Tạp A hàm, quyển 48, kinh 3983); “làm ruộng, buôn bán, hoặc theo đuổi việc vua, việc nước, hoặc bằng viết lách tính toán” (Tạp A hàm, quyển 4, kinh 91). Mọi nghề nghiệp chính đáng đều có thể kiếm sống. Còn như tà dâm, sát sinh, uống rượu, bói toán, cân đong điêu trá nặng nhẹ, thùng to đấu nhỏ… đều không chính đáng. Đặc biệt nếu làm quan mà tham ô, gian trá, bóc lột, kiếm tiền phi pháp, như vậy thì không thể lấy gánh nặng gia đình, hoặc lấy việc tế tự, việc từ thiện.. làm lý do giảm nhẹ tội.

Hai là bảo vệ giữ gìn đầy đủ. Đó là giữ gìn của cải một cách cẩn thận, không để mất mát. Đến cách sử dụng tiền của do theo những nghề nghiệp trên mà kiếm được lại càng phải chú ý. Cách sử dụng ấy, theo Phật, chủ yếu không ngoài việc thu và chi, điểm đặc biệt thú vị là Phật chia thành bốn phần. Kinh Thiện Sinh, bản Hán dịch nói:“Chia làm bốn phần: một phần để ăn uống hàng ngày, một phần để cày cấy, một phần tích trữ để đề phòng những bất trắc có thể xảy ra bất thường, còn một phần cho vay để sinh lợi tức”. Ðây là nguyên tắc kinh tế gia đình mà Phật thường chỉ dạy cho tín chúng.

Ba là thiện tri thức đầy đủ. Đó là sự kết giao với bạn tốt, không thể đi lại với bọn bịp bợm, côn đồ, phóng đãng. Vì đây là một trong những nguyên nhân làm hư hao của cải. “Kinh Thiện sinh”nói: việc hao tổn của cải chỉ có sáu loại nguyên nhân. Đó là: say sưa rượu chè, chơi bời phóng đãng, ham mê ca kỹ, mê cờ bạc, giao du với bạn xấu và lười biếng.

Bốn là chính mệnh đầy đủ, tức là tùy thu nhập mà chi tiêu, tránh lãng phí và bủn xỉn. Phí phạm, vô luận dùng vào việc gì cũng không thể đem lại kết quả tốt. Không biết chi dùng hợp lý cho mình, không biết cung cấp cho quyến thuộc, không biết cúng dàng bố thí làm phúc, chỉ biết một mực dè xẻn bủn xỉn thì không những vô ích cho đời sau mà gia đình và xã hội hiện tại cũng không thể an lạc [43, tr.210-212].

Thuyết nhân quả, nghiệp báo của Phật giáo chỉ ra rằng khi con người có các hành động tạo nghiệp thì chắc chắn sẽ nhận được quả báo. Trong đó quả báo luôn luôn mang cùng một bản chất với nghiệp làm phát sinh ra nó. Chính vì vậy, trong mối quan hệ kinh tế, đạo Phật khuyên răn con người phải mưu sinh liêm chính. Chính đạo là một yếu tố trong Bát chính đạo, nó đòi hỏi rằng phương tiện mưu sinh của con người không được gian xảo hay bằng cách gây đau khổ cho người khác nếu không sẽ rơi vào nghiệp xấu. Mưu sinh bất chính thường được thấy trong những cách sống dựa trên lừa đảo và tham lam. Khiến

cho cuộc sống bản thân sung túc hơn là một việc tốt, nhưng nếu bỏ qua yếu tố đạo đức mà mù quáng làm giàu bằng các thủ đoạn lừa đảo, mánh khóe và gian dối, chạy theo danh vọng thế gian, thì đều tạo nghiệp xấu và chắc chắn phải gánh chịu hậu quả cho những việc làm của mình.

Có thể thấy, dựa trên tinh thần của triết lý nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, đạo Phật đã đề cao và nhấn mạnh đến tính tích cực, chủ động, lương tâm, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong các hoạt động kinh tế, để từ đó xây dựng nên một nền đạo đức kinh tế nhân văn và tốt đẹp. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế nhưng không có nghĩa là xem nhẹ vai trò của đạo đức. Lúc này, đạo đức kinh tế phát huy được vai trò của nó trong việc khẳng định tính quyết định, tích cực, chủ động của nhân tố con người: hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát huy sáng kiến kỹ thuật, làm việc có chất lượng và hiệu quả cao.

Mặt khác, đạo đức trong kinh tế còn góp phần điều tiết các quan hệ lợi ích của các thành phần kinh tế trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chuẩn mực đạo đức này sẽ duy trì trật tự chung trong các lĩnh vực sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng, điều hòa quan hệ lợi ích giữa những người làm chủ và những người làm thuê.

Trong quan hệ giữa nhà sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng, yêu cầu đạo đức đặt ra trước hết là phải phải tuân thủ chính sách và pháp luật của Nhà nước. Hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, hợp quy cách, đúng mẫu mã. Chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về hàng hóa mình bán ra, bảo đảm “hàng thực, giá đúng”. Ngoài ra những chủ thể kinh tế còn phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề lương tâm, trách nhiệm của mình khi sản xuất kinh doanh hàng hóa. Không sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Như vậy, trong mối quan hệ giữa con người với nhau khi tiến hành các hoạt động kinh tế, đạo đức có

vai trò hết sức quan trọng. Nó chính là yếu tố bên trong của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2.4.2. Đạo đức trong một số lĩnh vực xã hội

Đạo Phật chỉ ra rằng: để xã hội có thể duy trì được trật tự hợp lý thì mối quan hệ giữa người với người phải hòa lạc và mọi người phải làm tròn nghĩa vụ của mình trong mối quan hệ đó. Đức Phật từng nói về luân lý của Lục phương lễ. Đó là lấy mình làm trung tâm, phương Đông là cha mẹ, phương Nam là sư trưởng, phương Tây là vợ, phương Bắc là bạn, phía dưới là nô bộc, phía trên là vị thầy tôn giáo. Lục phương cùng với mình là quan hệ cha con, thầy trò, vợ chồng, bạn hữu, chủ tớ, tín đồ và vị thầy tôn giáo. Giữa người này với người kia có nghĩa vụ phải làm tròn, không phải là phiến diện Như kinh Thiện sinh của “Trường A hàm”, “Trung A hàm” đã nói rất tỉ mỉ [43, tr.212].

Trước hết là quan hệ trong gia đình. Lòng thương yêu bắt đầu từ tình thương yêu giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con. Nó được coi là nền tảng cho đạo lý tất cả chúng sinh phải thương yêu nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, đôi khi giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em thường không được hòa mục, ái kính, vì thế việc giữ đạo đức trong gia đình là vô cùng quan trọng và cần thiết. Nền đạo đức gia đình mà Phật hướng tới khuyên răn các thành viên trong gia đình phải thấu hiểu và thương yêu nhau, chung thủy với nhau, tin tưởng lẫn nhau và cùng nhau làm điều thiện. Để xây dựng nên nền đạo đức gia đình, Phật đã căn cứ địa vị và nghĩa vụ riêng của mỗi người và đăc biệt chú trọng đến “mẫu từ, tử hiếu”. Theo đó, cha mẹ là phương đông phải lấy năm điều đối đãi với con cái. Thứ nhất, cấm con không được làm việc ác. Thứ hai, dạy con làm thiện. Thứ ba, cho con đi học hành. Thứ tư, hỏi vợ gả chồng cho con. Thứ năm, khi nào đến lúc thì trao quyền làm chủ gia đình cho con.

Ngược lại, “làm con phải lấy năm điều đối với cha mẹ là phương đông. Thứ nhất, gìn giữ lấy tài sản của cha mẹ: thứ hai, thừa kế gia nghiệp; thứ ba,

phải lập phổ hệ của cha mẹ, thứ tư, sinh sản con cháu; thứ năm, truy tiến tổ tiên. Như vậy phương đông an ổn không lo. Đó chính là nền tảng của đạo hiếu. Vấn đề “hiếu đạo” đã được nói đến trong rất nhiều trong kinh tạng của Phật giáo:

“Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật” (Kinh Đại tập) “Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sinh lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân này nhận thân khác, sinh đi sinh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng ta đã uống còn nhiều hơn nước trong bốn biển” (Kinh Tương Ưng)

“Nếu có người vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đến ngàn muôn năm, cha mẹ ăn uống, ngồi nằm, bệnh hoạn, cho đến đại tiểu tiện trên vai, người ấy vẫn không đền được ơn cha mẹ. Phải biết ơn nặng của cha mẹ: Cưu mang, sinh sản, bồng ẵm, nuôi nấng, dạy dỗ, tùy thời săn sóc, không sái thời tiết, không kể tháng ngày. Vì thế ơn cha mẹ rất khó đền đáp” (Kinh Tăng nhất A-hàm)…

Hiếu thảo không chỉ là mến yêu, cung kính, vâng lời, phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống và thờ phụng, tưởng nhớ khi cha mẹ đã qua đời, mà còn là việc hướng cha mẹ theo con đường thiện, giúp cha mẹ gieo trồng những nhân duyên lành cho đời này và đời sau, chăm lo vun bồi công đức phước báo chính là việc làm thiết thực để đáp đền công ơn cha mẹ. Theo thuyết nhân quả luân hồi của nhà Phật, con người không chỉ có kiếp sống hiện tại mà còn có kiếp sống vị lai, do đó người con hiếu thảo cần phải chăm lo cho cha mẹ cả đời sống sau khi từ giã cõi đời này. Đối với đạo Phật, những việc làm xuất phát từ lòng hiếu thảo mang lại lợi ích thiết thực cho cha mẹ trong hiện tại và tương lai mới chính là hiếu.

Theo Phật giáo, bất hiếu là tội nặng nhất trong “Ngũ nghịch đại tội”: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì hơn bất hiếu” (Kinh Nhẫn nhục)

Đức Phật đã chỉ rõ quả báo của hành vi bất hiếu khiến người con mất đi nhân phẩm, đạo đức và bị tổn giảm phước báo, tùy mức độ bất hiếu mà tổn giảm phước báo nhiều hay ít, thậm chí tạo thành nghiệp cực ác dẫn đến đọa xuống địa ngục vô tận. Hiếu thảo và bất hiếu đều không nằm ngoài phạm vi nhân quả.

Đạo Phật có nhiều lời dạy về những mối quan hệ nhất là tình cảm gia đình. Một trong số đó là bài dạy của Đức Phật về cách giữ gìn hạnh phúc vợ chồng qua kinh Bảy loại vợ:

Một là, người vợ nào có tâm địa hiểm độc, hai lòng không chung thủy trong hôn nhân, bỏ rơi chồng mình, quan hệ bất chính với các đàn ông khác chỉ vì choáng ngộp trước sự giàu có hay vẻ bề ngoài của họ, khinh bỉ chồng và tính tình hiếu sát. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ sát nhân.

Hai là, người vợ nào không chung lo kinh tế gia đình, trái lại còn tiêu xài hoang phí tài sản hợp pháp của chồng tạo ra. Người vợ như vậy Như Lai gọi là loại vợ trộm cướp.

Ba là, người vợ nào sống ỷ lại, lười biếng, không có lời từ ái, nhu hòa với chồng mà chỉ biết phát ngôn thô tháo, lấn lướt chồng. Người vợ như vậy Như Lai gọi là vợ chủ nhân.

Bốn là, người vợ nào biết thương yêu chăm sóc, giúp đỡ chồng, biết cách giữ gìn và làm giàu tài sản của chồng như một người mẹ lo lắng chu tất cho con cái. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như mẹ.

Năm là, người vợ nào thùy mỵ, đoan trang, khiêm tốn, biết chiều chuộng và thuận phục chồng mình như đối với một người anh trong gia đình. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như em.

Sáu là, người vợ nào luôn luôn niềm nở, vui vẻ, hòa thuận với chồng như thể khi hội ngộ một người bạn thân từ lâu mới gặp lại. Luôn giữ tiết hạnh và thủy chung với chồng. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như bạn.

Bảy là, người vợ nào luôn mềm mỏng, không nóng tánh, không sân hận, giận dỗi. Dù bị chồng đối xử không đẹp nhưng vẫn nhường nhịn, không tỏ thái độ lỗ mãng, lớn tiếng. Trái lại còn biết tùy thuận để khuyên răn và chinh phục chồng mình. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như người hầu.

Một phần của tài liệu Ths triet hoc triết lý nhân quả trong phật giáo và ảnh hưởng đối với việc giáo dục đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 55 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w