Các tham số cơ bản cấu thành hệ thống vận gạo xuất khẩu

Một phần của tài liệu Luan an tien si NCS. Lien (Trang 46 - 48)

7. Kết cấu của đề tài luận án

1.4.4.Các tham số cơ bản cấu thành hệ thống vận gạo xuất khẩu

Hệ thống vận tải hàng hóa nói chung, hàng gạo nói riêng, phụ thuộc vào nhiều tham số. Hơn nữa, bản thân các tham số có thể thay đổi, có mối quan hệ, tùy theo không gian, thời gian, địa điểm, tập quán, môi trường,...

Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài và xuất phát từ khái niệm hệ thống vận tải gạo xuất khẩu trong mục 1.2.1, kết hợp với bài toán nhiều chặng theo công thức (1.8). Nghiên cứu sinh đã lựa chọn và đưa ra các tham số cơ bản cấu thành hệ thống vận tải gạo xuất khẩu của Việt Nam, đây chính là các yếu tố đầu vào của hệ thống. Các tham số này bao gồm:

-Khối lượng vận tải gạo xuất khẩu;

-Quốc gia nhập khẩu gạo;

-Phương thức và phương tiện vận tải gạo xuất khẩu;

-Tuyến luồng vận tải gạo xuất khẩu;

-Hệ thống cảng biển và cảng nội thủy trong nước và quốc tế;

-Cước phí vận tải 1 tấn gạo xuất khẩu nội địa và quốc tế.

Mặt khác, giữa các tham số có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng lẫn nhau, nghĩa là có sự tác động hỗ trợ lẫn nhau. Như vậy, kết quả hoạt động của hệ thống đạt được, theo quan điểm người sử dụng, phù hợp hay thỏa mãn điều kiện thực tiễn, điều quan trọng nhất là quan tâm và xử lý tốt tham số đầu vào.

Cụ thể phân tích mối quan hệ giữa các tham số này như sau:

- Để hình thành hệ thống vận tải gạo xuất khẩu, yếu tố quan trọng và tiên quyết là phải có khối lượng gạo xuất khẩu, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: Mùa vụ, thời tiết, thổ nhưỡng, diện tích canh tác, giống lúa,... Trong giới hạn của đề tài, không nghiên cứu ảnh hưởng trực tiếp của các yếu tố này, mà thực hiện nghiên cứu tổng hợp, thống kê và đánh giá chi tiết khối lượng gạo xuất khẩu trong các giai đoạn của khu vực. Hơn nữa, để đảm bảo hệ thống xuất khẩu gạo ổn định, bền vững, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, đặc biệt, trong xu thế hội nhập và có nhiều quốc gia cùng xuất khẩu gạo và nhập khẩu gạo hiện nay. Vì vậy, một trong yếu tố có tính chất nền tảng là lựa chọn thị trường và quốc gia nhập khẩu gạo của Việt Nam.

- Sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam, chủ yếu tại đồng bằng sông Cửu Long, với đặc điểm tự nhiên của khu vực, chủ yếu là hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Do đó hệ thống giao thông đường thủy rất phát triển,đặc biệt là các tuyến luồng vận tải. Trên cơ sở này, một mặt, kéo theo các phương tiện vận tải hàng hóa nói chung và vận tải hàng gạo xuất khẩu nói riêng, chủ yếu là sà lan, tàu sông, tàu biển pha sông, để phù hợp với các tuyến vận tải. Mặt khác, là quy hoạch hệ thống cảng nội thủy của khu vực, đảm bảo tính kế thừa và phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu quả trong quá trình khai thác.

Rõ ràng, việc phân tích, đánh giá và lựa chọn các tham số phương tiện và phương thức vận tải, tuyến luồng vận tải, hệ thống cảng, có ý nghĩa quan trọng và bắt buộc để xây dựng tối ưu hệ thống vận tải gạo xuất khẩu.

- Một trong những tham số có tính tổng hợp và tính cạnh tranh rất cao, đó là cước phí vận tải 1 tấn gạo xuất khẩu trong nước và quốc tế. Bởi vì, cước phí vận tải thường xuyên thay đổi, là đại lượng khả biến, phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đặc biệt là nhạy cảm với sự biến động của thị trường thương mại thế giới. Vì vậy, việc dự đoán cước phí vận tải hàng hóa, trong đó có hàng gạo xuất khẩu, tương đối khó và có những sai số nhất định.

Xuất phát từ các tham số đầu vào này, nghiên cứu sinh thực hiện xây dựng mô hình toán, để tính toán tìm phương án tối ưu của hệ thống vận tải gạo xuất khẩu của Việt Nam, đảm bảo mục tiêu tổng chi phí vận tải là nhỏ nhất, đây chính là tham số đầu ra của hệ thống.

Tóm lại: Để thực hiện xây dựng hệ thống vận tải gạo xuất khẩu tối ưu của Việt Nam, theo đúng mục đích và phạm vi của đề tài nghiên cứu đặt ra, thì việc phân tích, đánh giá và lựa chọn chi tiết các tham số cơ bản là yêu cầu bắt buộc. Trong chương 2 của đề tài luận án sẽ thực hiện việc phân tích, đánh giá và lựa chọn các tham số này.

Một phần của tài liệu Luan an tien si NCS. Lien (Trang 46 - 48)