ThS. Trương Thị Thuý Vân
Tóm Tắt
Thị trường bán lẻ trên thế giới hiện nay đang bị thống trị bởi những tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Mỹ. Các tập đoàn này rất quan tâm đến việc mở rộng thị trường sang các nước phát triển tại khu vực Châu Á. Trong khi đó, thị trường bán lẻ Việt Nam lại được coi là một trong những thị trường bán lẻ có sức sinh lời hấp dẫn nhất hiện nay, chính vì vậy không chỉ các doanh nghiệp Mỹ mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác cũng đang mong muốn được chia phần trong “miếng bánh” béo bở này, bởi họ biết rằng, hiện nay hệ thống bán lẻ Việt Nam còn tồn tại nhiều điểm yếu cơ bản. Có thể thấy trong tương lai gần, việc các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam bị chi phối và mất dần thị phần về tay các nhà bán lẻ nước ngoài là điều khó tránh khỏi. Bản thân các doanh nghiệp trong nước phải có ý thức nỗ lực để tìm cách xây dựng tốt vị trí ở thị trường nội địa bằng cách chuyên nghiệp các hình thức phân phối như: nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo các vấn đề về giá, chủ động nguồn hàng và ngày càng đa dạng các mặt hàng, thực hiện tốt chế độ khuyến mãi, hậu mãi…Dù với phương án nào thì cũng cần phải nhanh chóng khắc phục những điểm yếu của mình.
Theo báo cáo mới công bố của CBRE, Việt Nam xếp hạng thứ hai trong 10 nước hấp dẫn nhất với các nhà bán lẻ châu Á trong năm 2014, xếp thứ 3 thế giới về sự hấp dẫn (đứng trên cả Trung Quốc) và được coi là một trong những thị trường bán lẻ có sức sinh lời nhất hiện nay. Một khảo sát khác cũng cho thấy, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 10 thành phố được lựa chọn để mở cửa hàng mới trong năm 2015 này. Chính vì vậy, không chỉ các doanh nghiệp Mỹ mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác cũng đang mong muốn được chia phần trong “miếng bánh” béo bở này. Dù thị trường bán lẻ có diễn biến ra sao, trước mắt hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp Việt Nam đã bộc lộ nhiều điểm yếu rất cơ bản mà nếu khắc phục được mới có thể tính đến chuyện cạnh tranh.
Trong quý 2/2014 vừa qua, chuỗi cửa hàng kem lớn nhất thế giới Baskin Robbins đã mở cửa hàng đầu tiên tại thị trường Hà Nội sau khi đã mở 20 cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cửa hàng mới này nằm trên một trong những con đường chính tại trung tâm Hà Nội, nơi được coi là có giá thuê cao nhưng vị trí đẹp, thu hút và tiện lợi cho khách hàng. Trong thời gian sắp tới, thị trường bán lẻ được dự báo sẽ nhộn nhịp hơn và sẽ có thêm các nhà bán lẻ tham gia thị trường Việt Nam nói chung và các Thành phố lớn nói riêng. Về khía cạnh pháp lý, Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ vào tháng 1/2015 theo quy định của WTO. Bên cạnh đó, theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN,
Việt Nam đã cho giảm mức thuế nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN xuống còn 0% cho 10.000 hàng hóa chịu thuế. Mặc dù đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các nhà bán lẻ quốc tế và hàng hóa gia nhập thị trường Việt Nam, nhưng đồng thời cũng sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh lên các nhà bán lẻ trong nước.
Cơ sở hạ tầng phát triển khá mạnh trong những năm qua với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên nhanh chóng. Trong thời kỳ hậu WTO, Việt Nam phải mở rộng cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài trong các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, viễn thông, năng lượng, chuyển phát nhanh, xây dựng... đặc biệt, trong lĩnh vực dịch vụ phân phối, Việt Nam sẽ tự do hóa lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và nhượng quyền kinh doanh. Điều này rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là với các đại gia bán lẻ nổi tiếng là năng động và tiềm lực mạnh về phân phối, bởi lẽ nếu nhà phân phối không mua hàng, họ sẽ không có chỗ để tiêu thụ hàng và rơi vào nợ nần chồng chất. Như vậy, khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã chiếm lĩnh được thị trường phân phối Việt Nam, họ sẽ gây sức ép không nhỏ lên các nhà sản xuất nội địa. Các nhà sản xuất trong nước sẽ rơi vào thế bị động và buộc phải phụ thuộc vào các nhà phân phối nước ngoài để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó là sự đổ bộ của các tập đoàn nước ngoài mạnh về tài chính, dạn dày về kinh nghiệm quản lý vào thị trường Việt Nam. Các tập đoàn nước ngoài không chỉ “mạnh về gạo, bạo về tiền” với mức vốn đăng ký không chỉ là hàng chục triệu USD mà rất nhiều dự án lên tới hàng trăm triệu USD. Điển hình như Metro và Bourbon đều có mức vốn là 120 triệu USD. Trong khi đó, hầu hết các nhà kinh doanh bán lẻ trong nước đều thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn, trình độ chuyên môn và thương hiệu. Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có nhiều tập đoàn phân phối quốc tế đã xây dựng kế hoạch để xâm nhập thị trường Việt Nam, trong đó có ba tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới là Wal - Mart (Mỹ), Carefour (Pháp) và Tesco (Anh), cùng nhiều tập đoàn châu Á như Dairy Farm (Hồng Kông) và South Investment (Singapore)…
Không những bộc lộ những hạn chế về mặt tài chính mà về phương diện hậu cần, tính chuyên nghiệp, vấn đề nguồn nhân lực…cũng lộ rõ các yếu điểm.
Hiện nay chỉ có hai nhà phân phối bán lẻ được xem là thành công tại thị trường Việt Nam là Metro Group và Saigon Co.op. Các siêu thị và trung tâm thương mại tạo được dấu ấn trên thị trường có thể kể đến như: Coop Mart, Fivimart, Intimex… cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần đông các siêu thị, trung tâm thương mại còn lại vẫn đang loay hoay và bế tắc trong kinh doanh. Điều này cho thấy tính chuyên nghiệp của hệ thống phân phối hàng hóa Việt Nam còn yếu. Trong khi đó, ở các siêu thị của Việt Nam, các giám đốc điều hành vẫn còn tranh cãi với nhau về việc trung tâm phân phối hoặc nhà cung cấp không giao đủ hàng bán trong những dịp lễ, tết mà đến nay cũng chưa có biện pháp nào để khắc phục rốt ráo được tình trạng này. Việc điều phối các phương
tiện giao hàng đúng loại, đúng nơi, đúng thời điểm vẫn còn được điều hành, quản lý khá đơn giản, lỏng lẻo. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mà còn làm tăng chi phí lao động cũng như quản lý.
Lượng hàng bán qua hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi… ở Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng hơn 10%, trong khi đó của Trung Quốc là 30 - 40%, Thái lan là 60%. Mặt khác, các nhà phân phối trong nước chưa xây dựng được kênh phân phối trực tiếp mà phải qua quá nhiều tầng nấc (trường hợp của các mặt hàng như thép, phân bón,…là biểu hiện rõ nhất cho những hạn chế này) nên không tạo được giá cạnh tranh. Các siêu thị của ta vẫn chưa chú trọng đến quy mô, đến chất lượng dịch vụ, các chính sách chăm sóc khách hàng đồng thời cũng không mấy quan tâm đến thương hiệu và sản phẩm của mình.
Kinh doanh bán lẻ hiện đại đòi hỏi các nhà quản lý cần có những công cụ hỗ trợ đắc lực để đưa ra các quyết định và con người chính là điều quan trọng nhất. Đối với một hệ thống siêu thị, bộ phận mua hàng đóng vai trò khá quan trọng. Chuyên viên mua hàng chuyên nghiệp có thể thương lượng với nhà cung cấp trên tất cả các phương diện từ giá cả, số lượng, thời gian giao nhận hàng cho đến các chương trình tiếp thị, quảng cáo, khuyến mại, ngay cả quy cách đóng gói, hình thức bao bì sản phẩm,…Thậm chí họ có thể tư vấn lại cho nhà cung cấp về việc nên sản xuất như thế nào, tiếp thị ra sao... Tuy nhiên ở khâu này, dường như các chuyên viên mua hàng của các nhà bán lẻ nước ngoài lại tỏ ra rất chuyên nghiệp và có phần lấn lướt hơn.
Các doanh nghiệp bán lẻ nội địa đang vướng mắc một vần đề không nhỏ trong nội tại bản thân doanh nghiệp đó là đội ngũ nhân lực của ngành vừa thiếu về số lượng vừa yếu về trình độ. Trong đội ngũ nhân lực, chỉ có khoảng 4-5% được đào tạo bài bản, hơn 50% nhân lực chưa qua đào tạo, tâm lý bán hàng còn mang nặng tính ban phát, trình độ ngoại ngữ yếu. Ở bậc sơ cấp, điều dễ nhận thấy là đội ngũ bán hàng ít có tính ổn định khi mà người lao động vẫn coi bán hàng là một công việc không lâu dài, nguyên nhân chính bởi mức lương chưa hấp dẫn. Trong khi đó, nhân viên quản lý bậc trung và cao cấp lại thiếu trầm trọng, mà doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam rất khó khăn trong việc tuyển và giữ vì nguồn cung hạn hẹp, mức lương không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp nội địa lại phát huy điểm mạnh duy nhất của mình là am hiểu văn hoá của người Việt Nam nên có cách ứng xử gần gũi, tạo sự thân thiện trong việc quản lý nhân sự, giữ người tài.
Từ những điểm còn hạn chế của hệ thống bán lẻ Việt Nam, có thể thấy trong tương lai gần, việc các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam bị chi phối và mất dần thị phần về tay các nhà bán lẻ nước ngoài là điều khó tránh khỏi. Bản thân các doanh nghiệp trong nước phải có ý thức nỗ lực để tìm cách xây dựng tốt vị trí ở thị trường nội địa bằng cách chuyên nghiệp các hình thức phân phối như:
nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo các vấn đề về giá, chủ động nguồn hàng và ngày càng đa dạng các mặt hàng, thực hiện tốt chế độ khuyến mãi, hậu mãi… Đầu tư khôn ngoan với tiềm lực tài chính dồi dào không bao giờ nhìn thị trường ngắn hạn mà phái tính đến việc gặt hái ở những năm sau đó. Dù với phương án nào thì cũng cần phải nhanh chóng khắc phục những điểm yếu của mình. Có thể nói, còn rất ít thời gian để các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và tổ chức lại hệ thống phân phối hiện đại đủ sức cạnh tranh. Nếu không có một chiến lược phát triển thị trường nội địa đúng đắn, không nỗ lực phấn đấu hình thành mạng lưới bán buôn, bán lẻ hiện đại, mang tính chuyên nghiệp cao thì chúng ta khó có thể cạnh tranh được.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. http://finance.tvsi.com.vn 2. http://qlg.mof.gov.vn 3. http://thuongxachohan.com.vn 4. http://www.baothuongmai.com.vn 5. http://www.co-opmart.com.vn 6. http://www.ncseif.gov.vn