*Thị trường tiêu thụ bước đầu được mở rộng nhưng chưa ổn định, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp
Mặc dù thị trường xuất khẩu hàng thêu ren An Hòa đã được mở rộng ra nhiều nước trên thế giới, nhưng sản lượng xuất khẩu hàng hóa còn thấp chưa xứng với tiềm năng, thị phần xuất khẩu còn nhỏ bé, hầu hết là thông qua các khâu trung gian, cho nên sức cạnh tranh còn thấp.
Thị trường tiêu thụ chủ yếu là thị trường truyền thống, hình thức tiêu thụ sản phẩm thêu ren chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là làm gia công hoặc
bán thẳng cho các doanh nghiệp bao tiêu hoặc các hộ tự tiêu thụ. Việc tiêu thụ sản phẩm còn thụ động, phụ thuộc vào các công ty thu gom xuất nhập khẩu. Sản phẩm thêu ren được xuất khẩu ra thị trường chủ yếu bằng hình thức ủy thác hoặc qua con đường tiểu ngạch (bán cho các doanh nghiệp hoặc các nhà buôn). Đây là khó khăn lớn cho các hộ sản xuất, dễ bị ép giá làm giảm hiệu quả sản xuất cũng như thu nhập của người lao động. Ở làng An Hòa chưa có doanh nghiệp đầu mối nào trực tiếp thu gom hàng để xuất khẩu, không tạo được thị trường nên phải chấp nhận làm gia công cho các doanh nghiệp của huyện, tỉnh khác. Điều này cũng gây khó khăn đối với sự phát triển của nghề, vì trong sản xuất sản phẩm nếu hoàn toàn theo yêu cầu của người đặt hàng thì sản phẩm của làng nghề mất tính văn hoá truyền thống, mất nét đặc trưng. Vì vậy, các nghệ nhân trong làng nghề đang phải tìm tòi đưa ra những sản phẩm vừa mang bản sắc văn hoá mà vẫn được thị trường chấp nhận để tiến tới có thể chiếm lĩnh được thị trường, giảm dần hình thức gia công như hiện nay.
Một trong những vấn đề nổi bật đó là việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chưa được thực hiện. Hiện tại có rất nhiều sản phẩm thêu ren do người dân làng An Hòa làm ra nhưng lại bị gắn thương hiệu của nước ngoài trước khi đưa ra thị trường như Seferra (Italia), Lingerie (Pháp). Nguyên nhân là do việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ở An Hòa chưa được chú ý, là một khó khăn rất lớn trong cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, vấn đề đăng ký thương hiệu cho sản phẩm hàng thêu ren ở An Hòa còn khá mới mẻ, bởi hầu hết các cơ sở sản xuất đều thiếu vốn nên các chủ cơ sở sản xuất với tâm lý “sợ tốn tiền” mà chưa chú trọng đến việc đăng ký thương hiệu.
Bên cạnh đó, sản phẩm của làng nghề còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại được sản xuất theo các phương pháp và chất liệu khác trên thị trường như sản phẩm thêu Quất Động, XQ Đà Lạt... Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trong làng nghề còn yếu là do chất lượng sản phẩm còn thấp, không đồng đều, giá thành cao. Cộng với thiết bị công nghệ sản xuất trong các làng nghề chủ yếu là thủ công, nửa cơ khí, thiếu nhiều điều kiện để đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị nên ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Mẫu mã hàng hoá chậm được đổi mới, cải tiến nên khả năng cạnh tranh thấp. Một số hộ gia đình còn làm hàng chợ chất lượng sản phẩm kém, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp.
* Công tác đào tạo nghề mang tính đơn lẻ, thiếu tính khoa học và mất nhiều thời gian
Do đặc thù của nghề thêu ren là nghề thủ công có từ lâu đời, bí quyết làm nghề được giữ bí mật và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nên thường mất nhiều thời gian, mang tính đơn lẻ, cá biệt và thiếu khoa học. Do đó, dẫn đến thực trạng thiếu các lao động giỏi, các lao động lành nghề.
Phương pháp dạy nghề thêu ren ở An Hòa chủ yếu là truyền nghề với ưu điểm là nghề truyền thống luôn được bảo tồn và trở thành bí quyết của mỗi gia đình. Nhưng hạn chế của phương pháp này là nghề không phát triển mạnh thành khu công nghiệp tập trung được mà chủ yếu phát triển trong phạm vi gia đình, dòng họ.
Trình độ văn hóa của người lao động còn thấp nên khả năng tiếp thu kỹ thuật, quản lý, điều hành sản xuất cũng như việc áp dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất chưa cao. Hơn nữa, tay nghề của người lao động chưa qua đào tạo là phổ biến, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn hạn chế. Mặt khác, sự chênh lệch về mức thu nhập, giá trị công lao động
nghề thêu thấp hơn so với các nghề khác (nghề dệt, nghề may, làm đồ chơi trẻ em… ở các khu công nghiệp trong và ngoài huyện) nên không thu hút được lao động trẻ, có trình độ; Việc tổ chức liên kết, hợp tác trong đào tạo nghề thêu ren giữa chính quyền địa phương với các cơ sở đào tạo nghề chưa chặt chẽ và thường xuyên. Bên cạnh đó, các chủ hộ, chủ cơ sở sản xuất ở An Hòa hầu như chưa được trang bị kiến thức quản trị doanh nghiệp cũng như môi trường pháp lý và các chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
* Khó khăn về vốn
Vốn cho sản xuất với bất cứ hộ hay cơ sở sản xuất nào ở An Hòa cũng đang là vấn đề nổi cộm. Đây là một trong những vấn đề cần xem xét để thúc đẩy nghề thêu ren truyền thống phát triển. Nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất nghề thêu ren rất lớn (mua máy móc hiện đại, trả lương công nhân, xây dựng nhà xưởng...) nhưng hiện nguồn vốn chủ yếu là vốn tự có. Mặc dù các cơ sở sản xuất làm nghề đã huy động được nguồn vốn từ nhiều hình thức khác nhau (vay của bạn bè, họ hàng, vay của ngân hàng…) nhưng vẫn còn thiếu nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất.
Việc vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn, phải có tài sản thế chấp, trong khi đó nguồn tài sản thế chấp để vay vốn của các hộ sản xuất là rất hạn chế. Do thiếu tài sản thế chấp nên chỉ giải quyết cho vay đối với loại hình tổ hợp, hợp tác xã hoặc cơ sở sản xuất mang tính đặc thù với mức vay thấp. Vốn đi vay không ổn định, nguồn vốn vay từ ngân hàng số lượng ít mà lãi suất lại cao, thủ tục vay phức tạp, rườm rà chẳng hạn như: đối với nguồn Quỹ khuyến công của tỉnh, thủ tục để được hưởng vay vốn hỗ trợ lãi suất trải qua rất nhiều bước từ lập dự án, lãnh đạo xã ký xác nhận, ngân hàng thẩm định (có khế ước của ngân hàng) sau đó đưa lên Sở Công nghiệp duyệt, ban chỉ đạo Quỹ
khuyến công thẩm định rồi mới trình lên UBND tỉnh. Hơn nữa không phải lúc nào cũng trình dự án lên được, thường thì theo đợt, một năm hai lần do nguồn quỹ tiền vay vốn ưu đãi có hạn.
*Công nghệ và thiết bị kỹ thuật chắp vá, lạc hậu, khả năng tự đổi mới công nghệ kỹ thuật còn hạn chế
Nhìn chung công cụ và thiết bị sản xuất trong làng nghề thêu ren An Hòa vẫn còn lạc hậu, chủ yếu là sử dụng các thiết bị thủ công, bán cơ khí hoặc đã được cải tiến một phần, đa số được mua lại từ các cơ sở công nghiệp, các thiết bị này đã cũ, không đồng bộ, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, hiệu quả sản xuất và điều kiện làm việc cho người lao động. Theo kết quả điều tra hiện trạng thiết bị và công nghệ của Sở Công thương và Sở Khoa học Công nghệ Hà Nam tại làng nghề thêu ren xã Thanh Hà năm 2007 cho thấy thiết bị và công nghệ thủ công chiếm tới 92%, bán cơ khí 8%, tự động 0%. Trong khi đó, với những loại máy móc, trang thiết bị được đầu tư mới thì hiệu quả sử dụng của các cơ sở sản xuất chưa cao, hầu như các cơ sở sản xuất chỉ sử dụng 60- 70% công suất, thậm chí có cơ sở chỉ sử dụng 40 - 50% công suất của máy móc, thiết bị. Tốc độ cải tiến công nghệ còn chậm, chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công vì mức độ đầu tư cho cải tiến công nghệ và kỹ thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: khả năng tài chính của từng hộ gia đình và cơ sở sản xuất, nhận thức và trình độ quản lý của người chủ đầu tư sản xuất…
*Môi trường làng nghề bị ô nhiễm
Quy trình sản xuất hàng thêu ren gây ô nhiễm môi trường từ công đoạn thêu cho đến khâu hoàn thiện sản phẩm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân làng nghề. Ở công đoạn thêu ảnh hưởng chủ yếu đến môi trường làm việc của người lao động. Trong các cơ sở thêu lượng bụi thường lớn hơn
tiêu chuẩn môi trường từ 1,3 - 1, 73 lần (TCVN 5937 - 1995, trung bình 1h), trong khi đó người lao động lại thường không sử dụng khẩu trang khi làm việc. Tư thế làm việc không được thay đổi, luôn luôn phải tập trung cao độ vào đường chỉ mũi kim nên dễ bị mắc phải một số bệnh nghề nghiệp như viêm phế quản, viêm phổi, thoái hoá cột sống, giảm thị lực ... .
Ở công đoạn hoàn tất sản phẩm, một số hoá chất đã được sử dụng để tẩy trắng sản phẩm như ôxy già, sôđa, javel, ngoài ra còn sử dụng tinh bột sắn để hồ cứng sản phẩm. Do chân, tay thường xuyên phải tiếp xúc với nước và cũng không được trang bị phòng hộ lao động nên hay bị mắc các bệnh về da như nước ăn chân, tay ... . Trong công đoạn là phẳng sản phẩm có tình trạng ô nhiễm do nhiệt, đặc biệt trong những ngày nắng nóng do xưởng sản xuất chật hẹp, không được thông gió tốt.
Các cơ sở sản xuất giặt là nằm ngay trong khu dân cư, mật độ dân cư tại làng An Hoà tương đối cao, lên đến 2064 người /km2. Nước thải có lẫn hoá chất, chất hữu cơ không được xử lý trước khi chảy ra mương tiêu nước làm ô nhiễm môi trường nước.
Theo đánh giá của sở công nghệ và môi trường Hà Nam năm 2008, để tẩy trắng sản phẩm, lượng hoá chất dùng để sản xuất cho 100m vải cần khoảng 0,25 kg Javen, 0,2 kg silicat, 0,2 kg H2O2. Nguồn nước thải của nghề ngoài có thành phần thông thường như: các chất hữu cơ, NH3, NO2-, PO3-, còn có một lượng lớn các hoá chất là thành phần thuốc nhuộm (trong đó có một số hợp chất rất độc với con người và môi trường sinh thái như các hợp chất diazô), các chất màu làm cho nước nhiễm màu. Lượng thuốc nhuộm đi cùng nước thải thường chiếm tới 25%. Trong làng xuất hiện một số bệnh phổ biến như viêm da, đau mắt, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh phụ khoa ở phụ nữ…
Môi trường không khí cũng bị ô nhiễm do sử dụng than và các loại khí sinh ra khi luộc sản phẩm, phân huỷ chất thải. Qua điều tra của Sở y tế tỉnh Hà Nam và Phòng Y tế huyện Thanh Liêm (năm 2006) tại các làng nghề thêu ren trên địa bàn xã Thanh Hà cho thấy: Tình trạng ô nhiễm môi trường trong làng nghề và các cơ sở sản xuất đang ngày càng gia tăng. Do hạn chế về vốn và kỹ thuật, nên địa phương chưa đặt vấn đề thu gom, xử lý chất thải, khói bụi độc hại phát sinh từ hoạt động sản xuất nghề thêu ren. Hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề chỉ chú trọng sản xuất, kinh doanh mà không chăm lo đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, kết quả là một số nơi đã vượt quá mức chịu đựng của môi trường.
Để nghề thêu ren An Hòa phát triển hơn nữa, xứng với tiềm năng và vai trò của nó việc quan trọng cần làm trước tiên là giải quyết triệt để những khó khăn còn tồn tại trong hoạt động sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.