UBND tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2015 (phần quốc phòng - an ninh, giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội
Đề nghị UBND tỉnh báo cáo về tình hình tội phạm, kết quả công tác khởi tố, điều tra, xử lý hình sự đối với các loại tội phạm, chất lượng điều
tra vụ án, bị can trộm cắp tài sản, khởi tố bị can nhưng không chứng minh được người phạm tội phải đình chỉ điều tra bị can (nếu có) để Đại biểu HĐND tỉnh biết
Nội dung này, UBND tỉnh báo cáo bổ sung như sau: Năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 643 vụ phạm pháp hình sự (Trong đó có 96 vụ xảy ra từ năm trước, đến nay mới xác định là tội phạm), làm chết 15 người, bị thương 128 người, tài sản thiệt hại khoảng 18.117 triệu đồng. So với năm 2013 tăng 26 vụ, giảm 8 người chết, giảm 8 người bị thương, tài sản thiệt hại tăng 5.367 triệu đồng. trong đó cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ 555 vụ (đạt tỉ lệ 86,31%); khởi tố điều tra 574 vụ, 768 bị can, thu lại tài sản trị giá 1.700 triệu đồng.
Kết thúc điều tra đề nghị truy tố 601 vụ, 911 bị can (tội phạm kinh tế - chức vụ 11 vụ, 17 bị can; ma túy 44 vụ, 49 bị can; trật tự xã hội 484 vụ, 750 bị can; trật tự an toàn giao thông 91 vụ, 94 bị can; tội phạm công nghệ cao 1 vụ, 2 bị can). Quyết định không khởi tố 284 vụ việc; đình chỉ điều tra 30 vụ, 11 bị can; tạm đình chỉ điều tra 94 vụ, 11 bị can; phục hồi điều tra 25 vụ, 19 bị can theo đúng quy định của pháp luật. Án toàn tỉnh đang thụ lý: 127 vụ, 170 bị can; trong đó: tạm giam 84, cấm đi khỏi nơi cư trú 69, truy nã 3, bảo lĩnh 1, chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn 13.
Ngoài ra, trong năm qua, Công an tỉnh đã bắt, vận động đầu thú 40 đối tượng truy nã (đạt 181,81% chỉ tiêu đề ra); hiện còn 32 đối tượng (trong đó, đối tượng đặc biệt nguy hiểm: 9, nguy hiểm: 7 và đối tượng bình thường: 16).
Trong năm 2014, lực lượng chức năng phát hiện 285 vụ trộm cắp tài sản; trong đó đã làm rõ 225 vụ, 331 đối tượng; khởi tố điều tra 249 vụ, 290 bị can. Trong đó: số vụ trộm cắp tài sản khởi tố trong năm (kể cả các vụ phát hiện từ năm trước) là 286 vụ, 319 bị can. Đình chỉ điều tra 15 vụ, 0 bị can; do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Không có trường hợp khởi tố bị can nhưng không chứng minh được số bị can thực hiện hành vi phạm tội. Tạm đình chỉ điều tra 55 vụ, 3 bị can; lý do: hết hạn điều tra nhưng chưa xác định được đối tượng gây án (52 vụ), chưa bắt được bị can (3 vụ, 3 bị can).
2. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đề nghị UBND tỉnh thông tin thêm về kết quả xử lý đối với người gây ra tai nạn giao thông, cụ thể như: số vụ khởi tố hình sự, số vụ xử lý hành chính và số vụ xử lý khác,... để đại biểu HĐND tỉnh biết
Năm 2014, tình hình tại nạn giao thông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, toàn tỉnh xảy ra 437 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 206 người, bị thương 436 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 706 triệu đồng; so với năm 2013 tăng 78 vụ, tăng 62 người chết, tăng 44 người bị thương và tài sản thiệt hại giảm 43,9 triệu đồng. Trong đó, tai nạn giao thông dẫn đến chết người xảy ra 193 vụ, chết 206 người, bị thương nặng 71 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 469 triệu đồng, so với năm 2013 tăng 52 vụ, tăng 62 người chết và tăng 12 người bị thương.
Ngành chức năng đã xác định nguyên nhân được 175/193 vụ tai nạn giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả chết người (đạt tỉ lệ 90,67%), có 76 vụ có liên quan đến rượu, bia (chiếm tỉ lệ 43,43%). Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn: Đi không đúng phần đường 66 vụ; không làm chủ tay lái 35 vụ; thiếu quan sát 27 vụ; tránh, vượt không đúng quy định 21 vụ; chuyển hướng không đúng quy định 10 vụ; không giữ khoảng cách an toàn 4 vụ; người đi bộ qua đường không đúng quy định 6 vụ; vi phạm về tốc độ phương tiện 2 vụ; đi ngược đường 1 chiều 1 vụ; chở người trên xe thùng trái quy định 1 vụ; chở người không đảm bảo an toàn 1 vụ; đi xe ban đêm không đèn chiếu sáng 1 vụ; còn 18 vụ đang xác định nguyên nhân.
Trong đó, cơ quan có thẩm quyền đã kết luận xử lý xong 125 vụ, gồm: Quyết định không khởi tố 73 vụ (do không có sự việc phạm tội xảy ra, người gây ra tai nạn tử vong, nạn nhân tự té chết…); khởi tố điều tra 51 vụ; chuyển giao Cơ quan Điều tra Quân sự khu vực I - Quân khu 9 thụ lý theo thẩm quyền 1 vụ có liên quan đến quân nhân.
3. Công tác cải cách hành chính, chế độ công vụ
Qua giám sát được biết: việc sử dụng biên chế thuộc sự nghiệp giáo dục và đào tạo chưa đúng quy định (số lượng người lao động thuộc biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo được phân bổ cho các trường học trên địa bàn tỉnh hiện đang làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo là 02 người, làm việc tại Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố là 61 người) và đã kiến nghị Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo khắc phục. Ngày 04 tháng 11 năm 2014, Sở Nội vụ ban hành công văn số 2243/SNV-TTCC về việc chấn chỉnh việc sử dụng viên chức không đúng quy định, theo đó đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố không sử dụng biên chế của trường để làm việc tại Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo việc sử dụng viên chức đúng quy định của pháp luật… Đề nghị UBND tỉnh báo cáo kết quả chấn chỉnh việc sử dụng biên chế viên chức không đúng quy định nói trên cho đại biểu HĐND tỉnh biết.
Vấn đề này, ngày 04/11/2014, Sở Nội vụ có Công văn số 2243/SNV- TCCC gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện thành phố về việc chấn chỉnh vấn đề sử dụng viên chức không đúng quy định. Theo đó, Sở Nội vụ đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố không sử dụng biên chế của các trường trực thuộc để bố trí nhân sự làm việc tại Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Thực hiện yêu cầu của Sở Nội vụ, ngành giáo dục và đào tạo cùng các huyện, thành phố đã tiến hành chấn chỉnh lại vấn đề sử dụng viên chức không đúng quy định, đến nay số lượng giáo viên được trưng dụng của ngành giáo dục và đào tạo đã giảm từ 61 người xuống còn 53 người (giảm 08 người), cụ thể như sau:
- Sở Giáo dục &Đào tạo còn trưng dụng 02 giáo viên;
- Phòng GD&ĐT thành phố Bến Tre còn trưng dụng07 giáo viên (đã giảm 04 người);
- Phòng Giáo dục &Đào tạo huyện Ba Tri còn trưng dụng 04 giáo viên (đã giảm 02 người);
- Phòng Giáo dục &Đào tạo huyện Châu Thành còn trưng dụng 07 giáo viên;
- Phòng Giáo dục &Đào tạo huyện Chợ Lách còn trưng dụng 05 giáo viên;
- Phòng Giáo dục &Đào tạo huyện Bình Đại còn trưng dụng 05 giáo viên (đã giảm 01 người);
- Phòng Giáo dục &Đào tạo huyện Giồng Trôm còn trưng dụng 08 giáo viên;
- Phòng Giáo dục &Đào tạo huyện Thạnh Phú còn trưng dụng 03 giáo viên;
- Phòng Giáo dục &Đào tạo huyện Mỏ Cày Nam còn trưng dụng 08 giáo viên (đã giảm 01 người);
- Phòng Giáo dục &Đào tạo huyện Mỏ Cày Bắc còn trưng dụng 06 giáo viên.
Việc ngành giáo dục và đào tạo cùng các địa phương chưa thể giải quyết triệt để vấn đề trưng dụng giáo viên là do yêu cầu nhiệm vụ về quản lý nhà nước đối với ngành giáo dục và đào tạo là rất nhiều nhưng biên chế nhân sự được bố trí thấp. Nếu không trưng dụng thêm nguồn giáo viên hỗ trợ để thực hiện các công việc của ngành thì ngành giáo dục và đào tạo sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Hiện tại, Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng Đề án vị trí việc làm, trong đó có xác định số lượng biên chế cần bổ sung để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành. Trong khi chờ Đề án vị trí việc làm được Bộ Nội vụ phê duyệt, UBND tỉnh đề nghị tạm thời để cho ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh tiếp tục được sử dụng số lượng giáo viên đang trưng dụng nêu trên, tiếp tục hổ trợ công việc chuyên môn cho Sở và các Phòng Gíao dục và Đào tạo, nhằm giải quyết khó khăn hiện nay tại các đơn vị này. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của mình, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục sắp xếp, bố trí lại nhân sự để từng bước giảm bớt số lượng giáo viên trưng dụng hiện nay cho phù hợp với quy định của pháp luật.