Bơ đậu phộng hay bơ lạc là một dạng bơ thực vật được chế biến từ thành phần chính là đậu phộng và đường với một ít dầu.
Bơ đậu phộng (peanut butter) được sản xuất đầu tiên bởi bác sỹ Saint Louis để cung cấp cho những bệnh nhân bị bệnh về răng do sản phẩm này thường dễ nhai nuốt. Loại bơ này chứa nhiều protein, nguồn chất béo không bão hòa nên cung cấp một phần thiết yếu chất dinh dưỡng hữu ích cho cơ thể.
Bơ đậu phộng truyền thống được sản xuất từ đậu phộng rang và muối. Ngày nay, để tăng giá trị dinh dưỡng và tính ổn định, các sản phẩm bơ đậu phộng được bổ sung thêm một số thành phần khác như chế phẩm protein, chất béo hydrogen hóa, chất ổn định, chất bảo quản.
Bơ đậu phộng có thể bảo quản trong tủ lạnh đến 6 tháng khi đã mở ra.
Bơ đậu phộng là thức ăn phổ biến ở Bắc Mỹ, Hà Lan, Anh và một phần châu Á, thông dụng như ở Philippin, Indonesia và Việt Nam. Nó được dùng giống như một loại bơ thông thường, thường thức theo khẩu vị của từng người. Có thể cho bơ đậu phộng vào vài lát táo hoặc lê hoặc làm gia vị cho món xốt, nước xốt và ăn kèm với các loại thức ăn ưa thích. Ngoài ưu điểm là một trong những thành phần của các món ăn nhanh, bơ đậu phộng còn được dùng để kết hợp trong rất nhiều món chính, người ta có thể dùng bơ đậu phộng để thêm vào những món ăn chơi như salad, bánh mỳ nướng hoặc pizza, làm nước chấm, làm kẹo chocolate đậu phộng…
Ở Việt Nam, bơ đậu phộng được dùng để quết vào bánh mỳ để ăn bữa sáng khá phổ biến. Theo FDA (Food and Drugs Administration), sản phẩm bơ đậu phộng sản xuất ở quy mô công nghiệp phải có chứa ít nhất 90% đậu phộng trong công thức chế biến và chứa tối đa 55% chất béo trong các thành phần hóa học.