Do các chủ thể cạnh tranh có thể khác nhau, nên việc phân biệt về khái niệm NLCT cũng cần được phân chia thành bốn cấp độ, đó là NLCT ở cấp quốc gia, cấp ngành, cấp DN và cấp sản phẩm. Các cấp độ này tuy về mức độ và tiêu thức đánh giá có phần khác nhau song lại có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Khi xem xét đánh giá và phân tích đưa ra giải pháp cho việc nâng cao NLCT của ngành cần xét mối liên quan giữa bốn cấp độ này.
NLCT cấp độ sản phẩm là khả năng sản phẩm tiêu thụ được nhanh trong khi có nhiều người cùng bán loại sản phẩm đó trên thị trường. Nói một cách khác NLCT cấp độ sản phẩm phụ thuộc vào chất lượng, giá cả, tốc độ cung ứng, dịch vụ đi kèm, uy tín của người bán, thương hiệu, quảng cáo…
NLCT của một loại sản phẩm hay dịch vụ nào đó trên thị trường là sự thể hiện ưu thế tương đối của nó cả về định tính và định lượng so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại khác. Mỗi sản phẩm do từng nhà sản xuất đưa ra thị trường sẽ được người tiêu dùng đón nhận với các mức độ cao thấp khác nhau, thể hiện qua việc mua hay không mua sản phẩm đó, là biểu hiện cuối cùng về NLCT của sản phẩm đó. Để được người tiêu dùng thừa nhận và đánh giá cao, mỗi sản phẩm hoặc dịch vụ cần có lợi thế cạnh tranh khác nhau. Các lợi thế này có thể là ưu thế về giá hoặc ưu thế về giá trị cho khách hàng (sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ).
Đánh giá NLCT cấp độ sản phẩm [46] bằng cách: đánh giá trực tiếp từ thị trường (tăng trưởng doanh thu, thị phần,...); đánh giá trực tiếp trên sản phẩm (tính năng, chất lượng, giá cả, tiện ích, mẫu mã,…); đánh giá từ ý kiến của khách hàng (mức độ thoả mãn nhu cầu, mức độ nhận biết sản phẩm, mức độ trung thành với nhãn hiệu,…). Đánh giá NLCT cấp độ sản phẩm hàng hóa thì thường xét đến các yếu tố: thị phần và tăng trưởng thị phần, quản trị hệ thống phân phối, giá cả, chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, thương hiệu.
2.1.2.2 Năng lực cạnh tranh cấp độ doanh nghiệp
NLCT cấp độ DN là khả năng duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, thu hút và sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất nhằm đạt lợi ích kinh tế cao và phát triển bền vững.
NLCT của một DN thể hiện khả năng nổi trội của nó so với các DN khác mang tính lâu bền. Một DN có NLCT tốt khi nó đạt được các kết quả cạnh tranh thuộc nhóm dẫn đầu thị trường hoặc nhóm có ưu thế nổi trội nhất trên thị trường. Như vậy, NLCT cấp độ DN là khả năng hay năng lực cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hiệu quả hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Trong lĩnh vực thương mại [56], NLCT của DN là sự duy trì thành công trên thị trường quốc tế mà không có bảo hộ hoặc trợ cấp. Mặc dù chi phí vận chuyển cho phép các DN cạnh tranh tốt hơn tại thị trường trong nước, nhưng NLCT
thường được tính nhiều hơn thông qua lợi thế có được nhờ năng suất cao hơn. Trong lĩnh vực phi thương mại, NLCT là khả năng theo kịp hoặc vượt qua DN tốt nhất trên thị trường về mặt chi phí và chất lượng của sản phẩm hay dịch vụ.
NLCT của một DN được đánh giá thông qua khả năng cạnh tranh về giá và ngoài giá (thị phần, chất lượng sản phẩm, năng suất,…). Đánh giá NLCT cấp độ DN thì thường xét đến các yếu tố: năng lực về tài chính, quản trị nhân lực, chiến lược kinh doanh, quản trị công nghệ, trình độ tổ chức hoạt động quản trị.
2.1.2.3 Năng lực cạnh tranh cấp độ ngành
Theo Franziska Blunck (2006) [52], NLCT đối với một ngành là khả năng đạt được những thành tích bền vững của các DN trong ngành (của quốc gia này) so với các đối thủ là các DN nước ngoài (của quốc gia khác), mà không nhờ sự bảo hộ hoặc trợ cấp của quốc gia.
Theo Liên Hợp Quốc (United nation) [64], NLCT của một ngành được đánh giá thông qua khả năng sinh lời của các DN trong ngành, cán cân ngoại thương của ngành, cán cân đầu tư nước ngoài (đầu tư ra nước ngoài và đầu tư từ nước ngoài vào), và những thước đo trực tiếp về chi phí và chất lượng ở cấp ngành.
NLCT của các ngành tham gia thương mại quốc tế [50] có thể trở thành một đòn bẩy quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Điều này đặc biệt đúng với các quốc gia nhỏ, khi mà NLCT tốt cho phép họ vượt qua được những hạn chế về quy mô thị trường trong nước để khai thác hết những tiềm năng của ngành.
NLCT cấp độ ngành thường được xem xét qua các tiêu chí định lượng. Một ngành có NLCT nếu có năng lực duy trì được lợi nhuận, thị phần trên các thị trường trong và ngoài nước.
NLCT cấp ngành xét trên một ngành hay một lĩnh vực của một quốc gia thường được đánh giá cho nền kinh tế đối với ngành hay một lĩnh vực của quốc gia đó hơn là NLCT của tổng các DN riêng lẻ. Sự thành công trong cạnh tranh của một DN không thể là đại diện cho một quốc gia đó do những yếu tố đặc thù của riêng DN mà không phổ biến với các DN khác. Ngược lại, sự thành công trong cạnh tranh của một nhóm các DN trong một ngành sẽ được nhân rộng cho các DN trong ngành và mang những yếu tố đặc thù của quốc gia. Do đó, NLCT
ngành không phải là tổng cộng các NLCT của các DN riêng lẻ mà là tổng hợp sức mạnh nổi trội của các DN trong ngành của một quốc gia.
2.1.2.4 Năng lực cạnh tranh cấp độ quốc gia
Đối với một quốc gia, NLCT là khả năng sản xuất sản phẩm và dịch vụ, trong điều kiện một thị trường tự do và bình đẳng, phù hợp với yêu cầu của thị trường quốc tế đồng thời nâng cao thu nhập thực sự cho công dân quốc gia đó, nghĩa là khả năng đạt được các tiêu chuẩn sống cao hơn của người dân.
NLCT cấp quốc gia [25] thể hiện bằng mức độ và sự gia tăng của: mức sống, năng suất tổng thể và khả năng xâm chiếm thị trường nước khác của quốc gia đó. Mức độ và sự gia tăng mức sống của một quốc gia phụ thuộc vào NLCT của các DN trong nước, vào khả năng DN tận dụng được các lợi thế quốc gia để cạnh tranh và xâm nhập thị trường thế giới, nhất là trong điều kiện quốc tế hóa đang diễn ra nhanh như hiện nay.
NLCT quốc gia dựa trên sức mạnh của các DN trong nước, một quốc gia mạnh khi có các DN trong nước mạnh, có đủ khả năng cạnh tranh với các DN của các quốc gia khác. Khả năng cạnh tranh của các DN tạo ra sức ép rất lớn đến các chính sách Nhà nước, các nhà quản lý, đến lực lượng lao động của quốc gia.
Theo diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum) [80], NLCT cấp độ quốc gia được đánh giá theo 9 yếu tố, bao gồm: thể chế, kết cấu hạ tầng, hiệu quả thị trường, kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục cơ bản, đào tạo và giáo dục bậc cao, trình độ kinh doanh, mức độ sẵn sàng về công nghệ, đổi mới và sáng tạo.