Cùng với sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp và qui mô vốn đầu tư, doanh thu thuần của các doanh nghiệp Hà Nội cũng tăng mạnh mẽ. Năm 2012, tổng doanh thu thuần đạt 2.182 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2008.
Đơn vị: Tỷ đồng
Biểu đồ 2.6: Tăng doanh thu thuần của các doanh nghiệp đang hoạt động từ năm 2008 - 2012
So với mức tăng trưởng doanh thu bình quân từ 2008 - 2012 của các doanh nghiệp Hà Nội là 3 lần thì một số lĩnh vực kinh tế có mức doanh thu tăng trưởng vượt bậc, đó là: công nghiệp khai thác mỏ (doanh thu tăng 38 lần), sản xuất và phân phối điện, nước, khí đốt (tăng 6 lần), tài chính tín dụng (tăng 4,2 lần), các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn (tăng 7 lần).
Hiệu quả:
- Lợi nhuận trên vốn: Nhìn chung, biến động về tỷ suất lợi nhuận trên vốn qua các năm từ 2008 - 2012 có sự biến động lớn, năm 2008 là năm có tỷ suất lợi nhuận thấp nhất là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dẫn tới tỷ suất lợi nhuận giảm 50% so với năm 2007, chỉ đạt 1.84% [8, tr189]. Tuy nhiên, năm 2009 nhờ các chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp lại được phục hồi trở lại với mức tương đương năm 2007 là 3.65% đến năm 2012 chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận lại giảm sút cũng đã được các chuyên gia kinh tế phân tích, mà nguyên nhân trực tiếp là việc doanh nghiệp sử dụng vốn không hiệu quả, đầu tư sai mục đích, đồng thời một phần do các doanh nghiệp đến kỳ phải hoàn trả các khoản vay lãi suất kích cầu cho Chính phủ.
- Lợi nhuận trên doanh thu: Chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cũng là chỉ tiêu quan trọng đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nó cho thấy cứ mỗi một đồng doanh thu mang về sẽ đem lại được bao nhiêu đồng tiền lãi cho doanh nghiệp. Cũng như chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn, các doanh nghiệp Nhà nước dẫn đầu về tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, đạt 8,6%, riêng năm 2009 đạt xấp xỉ 11%, vượt xa các khu vực kinh tế khác là do các doanh nghiệp này được hưởng nhiều ưu đãi trong gói kích cầu mà Chính phủ đưa ra mà phần lớn đều tập trung cho các doanh nghiệp Nhà nước.
Doanh nghiệp ngoài Nhà nước kém ưu thế về vốn, về lao động, công nghệ nên tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu kém hơn, chỉ đạt 2,72% so với mức bình quân chung là 5,06% và mức 7% của khu vực vốn đầu tư nước ngoài. Những ngành kinh tế quan trọng đều có tỷ suất lợi nhuận tăng đáng kể như: ngành công nghiệp khai khoáng vẫn là ngành có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cao nhất với 55,17%, hoạt động tài chính ngân hàng đạt 22.44%, hoạt động dịch vụ khác 20.39%, công nghiệp chế biến chế tạo đạt 4.67%, thương mại đạt 1.13%, thấp nhất là ngành thông tin truyền thông -1.54% [8, tr190].
Với kết quả sản xuất, kinh doanh khá tốt trong giai đoạn 2008 - 2013, các doanh nghiệp Hà Nội ngày càng có những đóng góp quan trọng vào ngân sách Nhà nước nói chung và ngân sách thành phố nói riêng. Đây là nguồn thu chủ yếu và lâu bền vào ngân sách của Thành phố, thể hiện vai trò đặc biệt của doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Năm 2013, tổng thu nội địa của Hà Nội thực hiện là 141.784 tỷ đồng, trong đó, thu từ doanh nghiệp Nhà nước là 41,1%; thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài Nhà nước là 9,1% [2, tr67]. Năm 2014, tổng thu nội địa ước thực hiện 112.100 tỷ đồng, đạt khoảng 101,7% dự toán thành phố giao.