Phương pháp đánh giá chất lượng báo cáo

Một phần của tài liệu LA 2017 Tran Thi Lan Anh (Trang 26 - 28)

Một hệ thống báo cáo ADR tự nguyện hoạt động có hiệu quả phải đảm bảo được cả 2 yếu tố: số lượng và chất lượng báo cáo. Hiện tượng số lượng và chất lượng báo cáo thấp hơn so với thực tế (under-reporting) vốn là một thách

thức lớn của hệ thống báo cáo ADR tự nguyện ở nhiều quốc gia trên thế giới [63] [76] [79]. Một số công cụ đã được xây dựng để đánh giá chất lượng các báo cáo tự nguyện về phản ứng có hại của thuốc. Trong đó, các phương pháp được đề xuất bởi Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm giám sát UMC (Uppsala Monitoring Center) được sử dụng rộng rãi nhất với các phiên bản được đề xuất vào các năm 1996, 2012 [111] [112] và phiên bản năm 2013 [39]. Ngoài ra, mỗi quốc gia đều có cách thức thẩm định, xây dựng cũng như lựa chọn các phương pháp đánh giá chất lượng báo cáo tự nguyện riêng phù hợp với cơ cấu, quy mô của trung tâm Cảnh giác Dược và phù hợp với mô hình, đặc điểm ADR của từng quốc gia [41] [86] [100].

Trong các phương pháp đã áp dụng trên đây, phương pháp đánh giá chất lượng báo cáo ADR theo khuyến cáo năm 2013 của Trung tâm WHO-UMC [39] có tính toàn diện cao, đơn giản trong việc thực hiện và tương đối phù hợp với đặc thù cơ sở dữ liệu ADR của Việt Nam. Trong phương pháp này, sự đầy đủ và phù hợp của thông tin trong báo cáo vẫn đóng vai trò quan trọng như phương pháp đánh giá được đề xuất bởi trung tâm này năm 2012 nhưng có sự mở rộng số lượng tiêu chí. Thuật toán được sử dụng để tính điểm báo cáo bằng cách gán trọng số với trường dữ liệu cụ thể trong báo cáo. Điểm xuất phát cho mỗi trường dữ liệu trong báo cáo là 1, căn cứ theo mức độ đầy đủ và phù hợp của thông tin trong trường dữ liệu này, điểm số sẽ được giảm đi tương ứng với trọng số.

Phương pháp có ưu điểm là đã bổ sung được một trường thông tin quan trọng liên quan đến liều sử dụng của thuốc nghi ngờ và cách tính điểm đơn giản hơn so với phương pháp đánh giá công bố năm 2012. Tuy nhiên phương pháp này vẫn chưa bao hàm được các trường thông tin quan trọng như thông tin về các thuốc sử dụng đồng thời, bệnh mắc kèm của bệnh nhân và tiền sử - các trường thông tin này không có mặt trong hệ thống VigiBase và theo tác giả, các trọng số cho từng trường thông tin vẫn cần tiếp tục được hiệu chỉnh dựa trên phản hồi của các nhân viên y tế về mức độ quan trọng của các trường thông tin này [39].

Một phần của tài liệu LA 2017 Tran Thi Lan Anh (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(197 trang)
w