8. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
1.4.1. Nhóm nhân tố bên trong ngân hàng
a. Nguồn vốn ngân hàng
Vốn là điều kiện tiền đề, điều kiện đầu tiên để một ngân hàng thực hiện hoạt động kinh doanh của mình. Nguồn vốn phản ánh tiềm năng và sức mạnh của ngân hàng, do đó nếu không xét đến ảnh hưởng của các yếu tố khác thì một ngân hàng càng thu hút được nguồn vốn dồi dào thì cơ hội kinh doanh càng lớn.
Hoạt động tín dụng của ngân hàng phụ thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng, ngân hàng huy động được nhiều vốn có ưu thế cạnh tranh hơn các ngân hàng ít vốn. Nguồn vốn này có tính ổn định nên ngân hàng có nguồn lực vững chắc để tăng trưởng tín dụng, có điều kiện đẩy mạnh việc đầu tư các dự án quy mô lớn, mở rộng tín dụng trên nhiều lĩnh vực. Như vậy nguồn vốn huy động tạo thêm nguồn để cho vay và quyết định quy mô cho vay.
b. Chính sách tín dụng
Chính sách tín dụng của ngân hàng là một hệ thống các biện pháp liên quan đến việc mở rộng hoặc hạn chế quy mô tín dụng để đạt được mục tiêu đã hoạch định và hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn trong kinh doanh tín dụng của ngân hàng.
Hoạt động tín dụng mang tính chất sống còn đối với NHTM, hơn thế nữa chức năng huy động và cho vay quyết định quy mô, chất lượng, sản phẩm ngân hàng tạo nên bộ mặt ngân hàng trước công chúng. Chính sách tín dụng đóng vai trò then chốt điều tiết các mặt hoạt động như: huy động vốn và cho vay, lãi suất, sản phẩm tín dụng, kỹ thuật quản lý rủi ro tín dụng và thu hút khách hàng...nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược đề ra trong kinh doanh.
Vì vậy, trong từng thời kỳ nhất định, các NHTM phải định hướng xây dựng mục tiêu phấn đấu cụ thể để định hướng tích cực đến việc điều chỉnh mọi mặt hoạt động NHTM. Một chính sách tín dụng hợp lý sẽ tạo điều kiện cho NHTM sử dụng tối ưu hoá nguồn vốn của mình khi cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô tín dụng, đồng thời đảm bảo an toàn trong kinh doanh là điều kiện tiền đề quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng của NHTM.
c. Quy mô hoạt động của ngân hàng
NHTM có quy mô lớn, địa bàn hoạt động rộng, có thương hiệu và uy tín cao trên thương trường, một mặt giúp cho việc huy động vốn được dễ dàng và thuận lợi hơn, qua đó gia tăng được quy mô nguồn vốn huy động, tạo điều kiện mở rộng quy mô cho vay, mặt khác giúp cho khách hàng có nhu cầu vay vốn dễ dàng tiếp cận và đặt niềm tin vào ngân hàng nhiều hơn, góp phần mở rộng quy mô cho vay của ngân hàng.
d. Chất lượng nhân sự và cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ của ngân hàng.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của ngân hàng là yếu tố đầu tiên tác động vào tâm lý khách hàng khi có quan hệ giao dịch với ngân hàng. Từ đó có thể giữ được khách hàng truyền thống và thiết lập được một lượng khách hàng mới cho ngân hàng.
Ngân hàng sử dụng công nghệ hiện đại được trang bị các phương tiện kỹ thuật chất lượng cao sẽ tạo điều kiện đơn giản hoá các thủ tục, rút ngắn thời gian giao dịch, đem lại sự tiện lợi tối đa cho khách hàng vay vốn. Đó là tiền đề để ngân hàng thu hút thêm khách hàng, mở rộng quy mô cho vay. Sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại còn giúp cho việc thu thập thông tin nhanh chóng, chính xác, công tác phân tích tín dụng, lập kể hoạch, xây dựng chính sách tín dụng cũng có hiệu quả hơn.
Trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, bên cạnh những máy móc thiết bị tiên tiến, con người có đóng góp rất lớn đến thành công của ngân hàng. Hoạt động cho vay doanh nghiệp đòi hỏi cán bộ phải có trình độ tổng quát, có cái nhìn biện chứng cho mọi vấn đề, có khả năng phát hiện và phân tích vấn đề một cách khéo léo. Đối với cán bộ tín dụng, khi làm việc phải có sự nhạy bén, linh hoạt xử lý mọi vấn đề, không áp dụng nguyên tắc một cách máy móc, cứng nhắc để có thể vừa thu hút được khách hàng vừa đảm bảo an toàn và khả năng cạnh tranh cho ngân hàng. Đây không chỉ đơn thuần là một nghiệp vụ mà nói đúng hơn nó là một nghệ thuật trong kinh doanh.
e. Quy trình cho vay
Quy trình cho vay doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động cho vay doanh nghiệp của ngân hàng, một quy trình cho vay hợp lý sẽ góp phần nâng cao chất lượng và giảm thiểu rủi ro trong cho vay. Bên cạnh đó, quy trình cho vay làm cơ sở cho việc phân định trách nhiệm và quyền hạn từng bộ phận liên quan trong hoạt động cho vay, tạo cơ sở đối với việc kiểm soát quá trình cho vay, trên cơ sở đó sẽ xác định khâu yếu kém cần điều chỉnh trong quá trình thực hiện và đề xuất các biện pháp hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng cho vay, nâng cao khả năng cạnh tranh trong hoạt động cấp tín dụng.
f. Lãi suất (bao gồm lãi suất huy động và lãi suất cho vay)
Lãi suất là giá cả của quyền sử dụng một đơn vị vốn vay trong một đơn vị thời gian nhất định (ngày, tuần, tháng, năm).
Với vai trò là người đi vay, thông qua công cụ lãi suất, NHTM có thể tăng hay giảm quy mô nguồn vốn huy động của mình, để đáp ứng nhu cầu mở rộng hay thu hẹp quy mô tín dụng. Trong trường hợp này (giả định trong điều kiện bình thường), việc tăng lãi suất huy động sẽ giúp NHTM tăng được quy mô nguồn vốn huy động, từ đó có thể mở rộng được quy mô cho vay doanh
nghiệp, ngược lại giảm lãi suất huy động sẽ làm giảm quy mô nguồn vốn huy động có thể dẫn đến thu hẹp quy mô cho vay doanh nghiệp.
Với vay trò là người cho vay, NHTM cũng có thể thông qua công cụ lãi suất để điều chỉnh quy mô cho vay doanh nghiệp. Trường hợp này (cũng trong điều kiện bình thường), tăng lãi suất cho vay sẽ làm làm giảm quy mô cho vay doanh nghiệp và ngược lại.
Như vậy, lãi suất cũng là một trong những nhân tố quyết định đến việc phát triển cho vay doanh nghiệp của các NHTM.
g. Hoạt động Marketing ngân hàng
Marketing ngân hàng là một tập hợp các hoạt động của ngân hàng, từ việc phân khúc thị trường, phân khúc khách hàng, tìm kiếm cơ hội và nhu cầu của khách hàng, chọn lọc khách hàng, khách hàng tiềm năng...và thoả mãn nhu cầu của họ nhằm đạt mục tiêu, lợi nhuận đề ra... Hoạt động marketing được hỗ trợ tốt sẽ hỗ trợ đáng kể không chỉ cho việc mở rộng quy mô cho vay doanh nghiệp mà còn giúp nâng cao được chất lượng cho vay doanh nghiệp.