Về cơ sở vật chất, trang thiết bị:
Ở tuyến huyện: Tổ chức hoạt động TT-GDSK chưa hoàn chỉnh, phòng TT-GDSK lồng ghép với các phòng khác [36],[37], chưa có quy định về trang thiết bị thực hiện công tác TT-GDSK nên trang thiết bị phục vụ công tác truyền thông còn thiếu thốn và nghèo nàn, thiếu các trang thiết bị thiết yếu như projector, máy ảnh, loa truyền thông lưu động [37],[38]. Ở tuyến xã: các trạm y tế đều có góc truyền thông song chưa đạt tiêu chuẩn [39], trang thiết bị
cho công tác truyền thông chưa được chú ý, đa phần dựa vào hệ thống truyền thanh của xã.
Về kinh phí:
Nguồn kinh phí dành cho hoạt động truyền thông tại các tỉnh, thành phố còn quá thấp, chưa đạt được mức 1,5% - 2% tổng chi cho sự nghiệp y tế, không đáp ứng được yêu cầu thực tế, vì vậy mà nhiều trung tâm còn gặp khó khăn [40]. Kinh phí cho hoạt động truyền thông ở tuyến huyện chủ yếu lấy từ các chương trình mục tiêu y tế quốc gia [38]. Hoạt động truyền thông của các chương trình y tế mục tiêu còn chưa thống nhất, chưa phát huy được nguồn lực tổng hợp, tạo gánh nặng cho y tế cơ sở [35].
Về nhân lực:
Nhân lực thực hiện các hoạt động TT-GDSK ở các nước thường đa dạng, gồm cán bộ thuộc các chuyên ngành khác nhau như bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ đa khoa, các nhà tâm lý học, y tá, bác sĩ gia đình, các nhà dịch tễ học, các nhà quản lý, v.v... Các cán bộ này tùy theo vị trí của mình mà tham gia vào các hoạt động TT-GDSK ở các mức độ khác nhau, từ việc thực hiện tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân đến việc tổ chức các chương trình truyền thông, thiết kế phương tiện truyền thông và lập kế hoạch chiến lược cho các hoạt động TT-GDSK [31],[32],[41].
Ở Việt Nam nhiều địa phương nhân lực làm TT-GDSK từ tuyến huyện đến tuyến xã vẫn chỉ là kiêm nhiệm nên rất khó khăn trong chỉ đạo tuyến về chuyên môn dẫn đến việc thống kê báo cáo các hoạt động TT-GDSK chưa được thường xuyên. Việc triển khai chương trình hành động đã góp phần tạo đà nâng cao năng lực hệ thống truyền thông, kiện toàn công tác tổ chức. Các tỉnh/thành phố hiện đều có mạng lưới cộng tác viên TT-GDSK. Nhìn chung số cán bộ chuyên trách ít, đa số là cán bộ kiêm nhiệm nên khó hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao [35],[42].
Phòng/tổ truyền thông tại các Trung tâm Y tế Quận/huyện: 617/755 các
phòng/tổ truyền thông được thành lập tại tuyến Quận/huyện, với 1.741 cán bộ, trong đó 575 cán bộ chuyên trách, 1.166 cán bộ kiêm nhiệm [35].
Phòng/tổ truyền thông tại các Bệnh viện Đa khoa tuyến Quận/huyện:
353/605 các phòng/tổ truyền thông được thành lập tại Bệnh viện Đa khoa tuyến Quận/ huyện, với 707 cán bộ, trong đó có 107 chuyên trách, 600 cán bộ kiêm nhiệm [35].
Đối với các tỉnh có cán bộ làm công tác TT-GDSK thì cơ cấu cán bộ chưa đáp ứng được nhu cầu của hoạt động truyền thông, tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học phù hợp chuyên ngành còn thấp. Hầu hết cán bộ tại các tổ truyền thông tuyến huyện làm việc kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động hạn chế, đặc biệt trong việc phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tại địa phương. Đội ngũ cán bộ truyền thông không ổn định, thường xuyên thay đổi. Mặc dù được quan tâm đào tạo nâng cao năng lực, nhưng do biến động, thay đổi về nhân lực nên chất lượng mạng lưới cán bộ truyền thông vẫn còn hạn chế [43],[44].
Cán bộ làm công tác truyền thông được tham gia các khóa đào tạo về lập kế hoạch, theo dõi, giám sát, đánh giá chưa cao (46,2%), cán bộ được đào tạo về kỹ năng TT-GDSK (61,5%), phát triển tài liệu truyền thông không cao (32,5%), các phương tiện, tài liệu truyền thông còn ít [45]. Hoạt động TT- GDSK ở tuyến y tế cơ sở chưa được quan tâm, cán bộ còn yếu về năng lực và tổ chức hoạt động, thiếu quản lý, giám sát và hiệu quả chưa cao [46].