Dưới thời phong kiến, đặc biệt pháp luật thời Lê, Nguyễn, chế độ thừa kế được xây dựng dựa trên ba quy tắc chủ yếu, đó là: tín ngưỡng, việc thờ cúng tổ tiên; chế độ gia đình phụ quyền và chữ hiếu. Trong quan hệ gia đình thì quan hệ huyết thống được coi trọng còn quan hệ hôn nhân bị xem nhẹ, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ảnh hưởng sâu sắc đến chế định thừa kế. Mặc dù vậy, pháp luật thừa kế của nhà Lê, đặc biệt là bộ Quốc triều Hình luật đã thể hiện rõ sự tiến bộ, đó là con trai và con gái có quyền thừa kế ngang nhau trong di sản thường, đối với di sản thờ cúng thì có sự phân biệt giữa con trai và con gái.
Diện thừa kế theo pháp luật thời Lê bao gồm: con, cháu, cha mẹ, vợ chồng. Nếu người để lại di sản không có con cháu thì di sản mới được chia cho cha mẹ. Ngoài ra, pháp luật còn phân biệt con vợ cả, con vợ lẽ, con nàng hầu, những người này không được coi là dòng dõi chính thức của người để lại di sản, vì vậy sẽ được hưởng phần di sản kém hơn con vợ chính (Điều 388 Quốc triều Hình luật).
Theo quy định của pháp luật nhà Lê, về nguyên tắc vợ, chồng không phải là người thừa kế của nhau, do quan hệ hôn nhân không được coi trọng so với quan hệ huyết thống. Nếu không có con cháu thì chia cho cha mẹ. Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống của người vợ góa, chồng góa, pháp luật cho phép người vợ góa, chồng góa được hưởng một phần điền sản của người chồng hoặc người vợ. Nếu một trong hai người cải giá thì phải trả lại điền sản đó cho họ hàng người chồng hoặc người vợ (Điều 376 Quốc triều Hình luật).
Với những quy định như vậy, ta thấy rõ bản chất của chế độ phong kiến là coi trọng quan hệ huyết thống trong việc dịch chuyển tài sản để đảm bảo và duy trì sự phát triển của dòng họ. Ngoài ra, trong Quốc triều Hình luật và Bộ luật Gia Long cũng quy định con nuôi được quyền hưởng di sản của người nhận nuôi, nhưng mối liên hệ giữa người con nuôi với cha mẹ đẻ còn
tùy thuộc vào từng trường hợp quy định của pháp luật mà người con nuôi đó có quyền được hưởng thừa kế của cha mẹ ruột hay không.
Theo quy định của Dân luật Bắc Kỳ và Dân luật Trung Kỳ thì diện thừa kế theo pháp luật bao gồm: các con đẻ, con nuôi, các cháu, cha mẹ, ông bà nội, các cụ nội, anh, chị, em ruột của người để lại di sản. Nguyên tắc không phân biệt giới tính trong quan hệ thừa kế giữa cha mẹ và con cái được chính thức công nhận (Điều 332 Dân luật Trung Kỳ, Điều 337 Dân luật Bắc Kỳ). Việc di chuyển tài sản thôngqua thừa kế là biện pháp bảo đảm cơ sở kinh tế cho sự tồn tại lâu dài của gia đình và dòng họ. Do vậy, nếu không có thân thuộc bên họ nội thì di sản sẽ thuộc về những người thân thuộc bên họ ngoại của người để lại di sản và chia tương ứng như bên họ nội được hưởng (Điều 336 Dân luật Trung Kỳ).
Theo pháp luật của chế độ thực dân phong kiến thì diện thừa kế còn bao gồm con ngoại hôn của người để lại di sản được khai nhận hợp lệ. Những người con được sinh ra khi cha hay mẹ còn độc thân có quyền thừa kế như con ngoại hôn. Nhưng con không thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người mẹ đẻ đã tái giá qua đời. Trong quan hệ hôn nhân, người vợ chính được hưởng toàn bộ di sản của chồng nếu không còn ai thân thuộc bên chồng. Ngược lại, vợ thứ không thuộc diện thừa kế của chồng.
Tóm lại, diện thừa kế thời phong kiến theo nguyên tắc ưu tiên bảo vệ quyền thừa kế của những người thuộc họ nội của người để lại di sản. Tất cả đều xuất phát từ tư tưởng "trọng nam khinh nữ", vai trò của người vợ bao giờ cũng bị đẩy xuống hàng thứ yếu và quan hệ huyết thống ngoại tộc chỉ được xét đến khi không còn người thân thuộc trong quan hệ huyết thống nội tộc.