2.3.1. Kết quả thực hiện công tác quản lý vốn ngân sách
Trong những năm qua, công tác quản lý NSNN đầu tư cho xây dựng nông thôn mới của huyện Hiệp Đức đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Việc lập dự toán cho xây dựng nông thôn mới trong kế hoạch hằng năm đã thực hiện theo phương pháp từ trên xuống và từ cơ sở lên; trên cơ sở đó so sánh sự chênh lệch dự toán để tiến hành thẩm tra, phê duyệt nguồn vốn ngân sách phù hợp cho từng địa phương, dựa trên các tiêu chí đã đạt được và những tiêu chí chưa đạt được nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực tránh tình trạng lãng phí ngân sách Nhà nước.
Việc bố trí vốn NSNN cho đầu tư xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc và định hướng của Ban chỉ đạo. Vốn được bố trí ưu tiên cho các xã đăng ký về đích, ưu tiên bố trí vốn để thanh toán các dự án còn nợ đọng, không phân bổ vốn ngân sách dàn trãi vượt quá khả năng cân đối ngân sách dẫn đến dự án kém hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện dự toán, các đơn vị thực hiện xây dựng nông thôn mới đã tuyệt đối chấp hành dự toán đã được duyệt, tiến hành thực hiện thi công các dự án theo đúng kế hoạch.
Công tác quản lý vốn ngân sách đầu tư xây dựng nông thôn mới phát huy được hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần vào việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Nhiều dự án quy hoạch và công trình mới được triển khai, như quy hoạch cụm công nghiệp thị trấn Tân An; quy hoạch nông nghiệp, thuỷ lợi...Ðể thực hiện được các dự án, công trình đã phân bổ vốn, Hiệp Đức đang tập trung giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, thu tiền đấu giá đất kịp thời; triển khai các biện pháp về tận thu ngân sách và dành 50% tăng thu (trừ tiền sử dụng đất) cho đầu tư phát triển; tích cực
huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển, như vốn tài trợ, hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, vốn nhân dân đóng góp bằng tiền và ngày công lao động.
Hoàn thiện thể chế quản lý vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới, siết chặt kỷ luật đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư nhằm ngăn chặn tình trạng phê duyệt quyết định đầu tư công dàn trải, gây thất thoát và lãng phí nguồn lực đầu tư; việc bố trí vốn đầu tư được bố trí tập trung, hiệu quả hơn trước, góp phần khẳng định vai trò chủ đạo của vốn NSNN như nguồn vốn mồi thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác.
Đạt được kết quả trên là do có sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác quản lý ngân sách đầu tư cho xây dựng nông thôn mới tại huyện Hiệp Đức, nhất là vai trò của người đứng đầu trong việc bám sát quan điểm, mục tiêu và giải pháp để xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn nguồn vốn đầu tư; phát huy tính tự lực, chủ động của cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy tiềm năng, lợi thể sẵn có tại địa phương trong khu vực để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.
2.3.2. Hạn chế
Nhìn chung, công tác lập và phân bổ dự toán NSNN của huyện Hiệp Đức đã thực hiện đúng thời gian quy định, đúng quy trình và giao dự toán của Luật NSNN. Tuy nhiên, chất lượng của công tác lập dự toán đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Hiệp Đức chưa cao, số liệu dự toán chủ yếu do các đơn vị ước số thực hiện năm trước và tăng thêm một tỷ lệ nhất định cho năm kế hoạch để lập dự toán cho năm sau trong thời kỳ ổn định ngân sách.
Tình trạng lập và giao dự toán đầu tư còn chậm; giao chưa đúng đối tượng hoặc vượt tỷ lệ; phân bổ vốn chưa sát thực tế dẫn đến giải ngân thấp;
bố trí vốn khi chưa đủ điều kiện, không có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, không tuân thủ thứ tự ưu tiên.
Việc lập dự toán ngân sách là khâu quan trọng của chu trình ngân sách, đánh giá được tổng thể kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các đơn vị thực hiện lập dự toán cho đầu tư xây dựng nông thôn mới còn chưa đồng điệu, người lập dự toán còn ỷ lại vào NSNN, trình độ chuyên môn chưa cao, lập dự toán NSNN chưa sát với thực tế.
Về chấp hành dự toán chi NSNN, các sai sót trong chấp hành trình tự đầu tư đã được thanh tra huyện phát hiện và kiến nghị trong những năm vừa qua vẫn xảy ra tại không ít các dự án được thanh tra; việc cơ cấu lại chi NSNN gắn với đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ còn chậm; chi chuyển nguồn tăng cao nhất trong 3 năm gần đây.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, định mức, tiêu chuẩn, chế độ đầu tư xây dựng nông thôn mới chưa được hoàn thiện thiếu đồng bộ, nhiều tiêu chuẩn, chế độ, định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa theo kịp yêu cầu thực tế. Việc thực hiện công khai, minh bạch chưa đi vào nề nếp, làm hạn chế hiệu quả giám sát của các tổ chức, đoàn thể quần chúng và nhân dân. Công tác hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các đơn vị chưa được thường xuyên.
Việc chấp hành chế độ chính sách về quản lý nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng nông thôn mới ở một số xã trên địa bàn huyện, của một số chủ tài khoản, kế toán chưa được triển khai thực hiện nghiêm túc. Trình độ cán bộ làm công tác kế toán của một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhận thức của một số chủ tài khoản trong công tác quản lý vốn chương trình mục tiêu quốc gia còn chưa thay đổi. Một số đơn vị được giao làm chủ đầu tư,
cán bộ giám sát công trình còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
2.3.3. Nguyên nhân của hạn chế
Do điều kiện tự nhiên, Hiệp Đức là một huyện miền núi, địa hình hiểm trở nên công tác giải phóng mặt bằng ở các dự án chậm, vị trí các xã được trãi dài phân bổ không tập trung, khí hậu mưa kéo dài nên dẫn đến tình trạng chậm tiến độ thi công, tình trạng chủ đầu tư và nhà thầu đề nghị quyết toán cao hơn giá trị đã phê duyệt, công trình hoàn thành như chưa được quyết toán, quyết toán chậm đang là phổ biến hiện nay.
Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân còn hạn chế, nhất là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư từ NSNN; vai trò chủ thể, tính tự lực, tự cường trong nhân dân chưa phát huy đúng mức.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền một số nơi chưa quan tâm đầu tư đúng mức đến các tiêu chí “Mềm”, còn nặng về nguồn lực đầu tư. Một số nơi chưa làm hết trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động xây dựng NTM, cũng như huy động các nguồn lực xã hội cho xây dựng NTM.
Một số địa phương chưa nghiên cứu kĩ quy trình, thủ tục về đầu tư theo cơ chế đặc thù tại Quyết định 1549/QĐ-UBND ngày 3/5/2017 của UBND tỉnh nên khi triển khai thực hiện còn lúng túng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn.
Việc luân chuyển cán bộ trên địa bàn huyện đang là vấn đề được quan tâm, nên việc phê duyệt các dự án hoàn thành còn gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi dự án từ khâu lập dự toán đến quyết toán.
Trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã, nhất là công chức chuyên môn có nơi chưa đáp ứng yêu cầu, nên kết quả tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, nhất là công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản
có nơi còn lỏng lẻo; tình hình thanh quyết toán nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới các công trình giai đoạn 2016-2018 còn chậm, chưa giải ngân hết nguồn vốn nông thôn mới được giao; việc theo dõi, tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình, phát hiện vấn đề, đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề phát sinh từ thực tiễn chưa kịp thời.
Trình độ của cán bộ cán bộ chuyên môn nông thôn mới cấp xã còn bất cập (vừa học vừa làm, hầu như chưa có nghiệp vụ chuyên môn về xây dựng…). Một số thành viên BCĐ chưa thực sự phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong quá trình chỉ đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra; thiếu sâu sát trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở. Chưa nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong quá trình triển khai thực hiện.
Không chỉ riêng huyện Hiệp Đức mà trên toàn lãnh thổ Việt Nam quản lý vốn ngân sách đầu tư cho chương trình trọng điểm này vẫn vướng mắc cần giải quyết; thất thoát, lãng phí vẫn còn gia tăng… Để có thể giải quyết các tồn tại, hạn chế trong việc quản lý nguồn vốn này cần thẳng thắn và nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc các nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế đang là vấn đề cấp thiết cần được tập trung, đôn đốc và chỉ đạo quán triệt trong thời gian tới.
Có nhiều nguyên nhân về khách quan cũng như chủ quan đã tạo ra những tồn tại và hạn chế như trên. Đó là xuất phát thấp của nền kinh tế; tư tưởng sản xuất nhỏ; thủ tục hành chính phiền hà trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; nguồn vốn đối ứng hạn chế; thiếu những giải pháp cụ thể, tích cực để phát huy và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nguyên nhân khác là: trình độ của người dân chưa đồng đều; chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng vận động cộng đồng của một số cán bộ, công chức còn những mặt hạn chế. Đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi nguồn lực rất lớn của nhà nước cũng như toàn xã hội, bởi lĩnh vực nông
nghiệp và địa bàn nông thôn rộng lớn, địa hình phức tạp, nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, sản xuất chưa phát triển, thu nhập của người dân còn thấp, đời sống khó khăn,...
Tiểu kết chương 2
Trên cơ sở những nội dung chương 1, chương 2 của luận văn sau khi giới thiệu về điều kiện tự nhiên, nêu rõ thực trạng và tình hình đầu tư cho xây dựng nông thôn mới của huyện, tiếp đó, luận văn đã tập trung phân tích rõ thực trạng quản lý vốn ngân sách đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên các nội dung: Lập dự toán, chấp hành dự toán và công tác quyết toán vốn từ nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời, luận văn đã tiến hành đánh giá nêu lên những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân trong quản lý vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới từ nguồn NSNN của huyện Hiệp Đức là cơ sở cho việc xây dựng định hướng và giải pháp trong chương 3.
53
CHƯƠNG 3
ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VỐN NGÂN SÁCH ĐẦU TƯ CHO XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
TẠI HUYỆN HIỆP ĐỨC