- Diệt đế là chân lí về cảnh giới diệt khổ
2.2.5. Làng và ấp Nam bộ
Đến thời Nguyễn, việc khai phá đồng bằng Nam Bộ đã đem lại thêm một khuôn mặt mới cho làng xã Việt Nam. Nông thôn Nam bộ cũng tổ chia thành làng, nhưng nếu như làng xã Bắc Bộ cổ truyền tự trị khép kín thì nét đặc trưng chung của thôn ấp Nam bộ là tính mở: Làng Nam Bộ không có lũy tre dày đặc bao quanh với cái cổng làng sớm mở tối đóng như làng Bắc Bộ. Ở vùng đất cao (gọi là miệt giồng), bờ tre chỉ còn là một biểu tượng đánh dấu ranh giới các ấp thôn; ở vùng sông nước (miệt sông), thôn ấp trải dài dọc theo các kênh rạch. Thành phần dân cư của làng Nam Bộ thường hay biến động, người dân không bị gắn chặt với quê hương như ở làng Bắc Bộ. Tính cách người nông dân Nam Bộ do vậy cũng trở nên phóng khoáng hơn: Làm bao nhiêu ăn nhậu bấy nhiêu, được đến đâu hay đến đó.
Mọi sự đổi thay đều có lí do của nó. Thành phần cư dân hay biến động vì nơi đây còn nhiều miền đất chưa khai phá, người dân có thể rời làng tìm đến chỗ dễ làm ăn hơn. Việc tổ chức thôn ấp theo các dòng kênh, các trục giao thông thuận tiện là sản phẩm của thời đại, khi kinh tế hàng hóa đã bắt đầu phát triển. Tính cách phóng khoáng là do thiên nhiên Nam bộ ưu đãi khí hậu ổn định, hầu như ít gặp thiên tai bắt thương. Vì làng Nam Bộ có cấu trúc mở, tính cách người Nam Bộ phóng khoáng, nên vùng này dễ tiếp nhận hơn những ảnh hưởng từ bên ngoài của văn hóa phương Tây (kể cả những ảnh hưởng tiêu cực thời Pháp, Mĩ).
Tuy nhiên, dù hay biến động, người Nam Bộ vẫn sống thành làng với thấp thoáng bóng tre, mỗi làng vẫn có một ngôi đình với tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng (dù chỉ là “Thành Hoàng” chung chung), hàng năm cư dân vẫn tụ họp nhau ở các lễ hội. Dù làm ăn dễ dãi, người Nam Bộ vẫn giữ nếp cần cù. Dù kinh tế hàng hóa có phát triển, họ vẫn coi trọng tính cộng đồng, yếu tố hàng xóm vẫn đứng thứ hai trong thang bậc ưu tiên khi chọn nơi cư trú: Nhất cận thị, nhi cận lân, tam cận giang, tứ cận lộ, ngũ cận điền. Bức tranh đó của làng Nam Bộ đã góp phần làm nên tính thống nhất của dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam.