Văn hóa đô thị Việt Nam trong quan hệ với nông thôn

Một phần của tài liệu Giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam (Nghề Công tác xã hội) (Trang 72 - 76)

- Diệt đế là chân lí về cảnh giới diệt khổ

2.3.2. Văn hóa đô thị Việt Nam trong quan hệ với nông thôn

Văn hoá đô thị có mối quan hệ mật thiết với văn hoá nông thôn, nó được hình thành trên cơ sở văn hoá nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập và phát triển.

Ở nông thôn quan hệ cư trú kết cấu phức tạp hơn, theo kiểu: gia đình – dòng họ- làng xóm, láng giềng - xã hội. Bới vậy văn hoá nông thôn thường in đậm nét truyền thống văn hoá dân tộc còn văn hoá đô thị lại in đậm yếu tố hiện đại của nền văn hoá dân tộc.

Một đặc điểm bao trùm chi phối các đô thị Việt Nam là tính chất nông thôn nông nghiệp, nông dân với tất cả những ưu điểm và hạn chế đã tác động, chi phối rất mạnh.

Ưu điểm là con người tình nghĩa, các phong tục, tín ngưỡng, ẩm thực… bình dị của thôn quê được nuôi dưỡng nơi đô thị.

Nhược điểm là lối sống tuỳ tiện, theo lệ làng để lại hậu quả không nhỏ trong vấn đề vệ sinh môi trường, giao thông công cộng, kiến trúc nhà ở.

Ngày hôm nay, vấn đề đặt ra bức thiết là phải xây dựng một mô hình công dân đô thị hiện đại như thế nào để góp phần từng bước đưa các đô thị trở nên văn minh, hiện đại mà vẫn dân tộc.

Do chỗ sức mạnh của truyền thống văn hóa nông nghiệp đã không cho phép nông thôn tự chuyển thành đô thị cho nên ở Việt Nam, có những làng xã nông thôn thực hiện chức năng kinh tế của đô thị - đó là các làng công thương. Làng Bát Tràng (Gia Lâm) làm đồ gốm, là Đại Bái (Bắc Ninh) đúc đồng, làng Bưởi (Từ Liêm) làm giấy, làng Nhị Khê (Hà Tây) làm nghề tiện; làng Phù Lưu, Đa Ngưu (Hải Dương) buôn thuốc bắc, làng Báo Đáp buôn vải... Nếu ở phương Tây thì những làng như vậy sẽ phát triển dần lên, mở rộng dần ra và tự phát chuyển thành đô thị. Nhưng ở Việt Nam thì chúng không trở thành đô thị được, mọi sinh hoạt vẫn giống một làng nông nghiệp thông thường.

Sở dĩ như vậy là vì do tính cộng đồng, cả làng làm cùng một nghề (sản xuất cùng một sản phẩm, buôn cùng một mặt hàng), mà như vậy thì bán cho ai? Không có trao đổi hàng hoá nội bộ, không thể trở thành đô thị được. Mặt khác, do

tính tự trị, dân cư sống tự cấp tự túc, khép kín, không có nhu cầu buôn bán, giao lưu - đó là lí do thứ hai khiến cho các làng công thương không thể trở thành đô thị được.

Nông thôn Việt Nam không chỉ kìm giữ, không cho làng xã phát triển thành đô thị mà còn chi phối cả đô thị, khiến đô thị chịu ảnh hưởng của nông thôn và mang đặc tính nông thôn rất đậm nét.

Tổ chức hành chính của đô thị Việt Nam được sao phỏng theo tổ chức nông thôn. Đô thị truyền thống cũng chia thành các phủ, huyện, tổng, thôn. Đời Gia Long, huyên Thọ Xương ở Hà Nội (quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng bây giờ) chia làm 8 tổng. Cho đến tận năm 1940, các làng quanh hồ Hoàn Kiếm vẫn còn chức tiên chỉ, thứ chỉ.

Bên cạnh những đơn vị như phủ, huyện, tổng, thôn, ở đô thị Việt Nam đã xuất hiện từ rất sớm một loại đơn vị đặc biệt bắt nguồn từ nông thôn mà đến nay đã trở thành đơn vị hành chính cơ sở đô thị - đó là PHƯỜNG. Phường vốn là cộng đồng của những người làm cùng một nghề của một làng quê ; vì những lí do khác nhau, họ đã tách ra một bộ phận vào thành phố làm ăn, dựng nhà trên cùng một dãy phố, phía trong sản xuất, phía ngoài bán hàng.

Lối tổ chức đô thị theo phường làm cho đô thị Việt Nam có một bộ mặt đặc biệt, khiến người châu Âu luôn ngỡ ngàng: Năm 1884, Julien viết: “Mỗi loại hàng hóa đều có một phố riêng. Ở phố Bát Sứ - tất cả đều xanh. Tiếp đến phố Bát Đàn - tất cả đều đỏ. Rồi đến phố Hàng Đồng lấp lánh ánh kim vàng chói. Phố Hàng Thêu và phố Hàng Tranh, màu sắc tươi vui sặc sỡ. Năm 1889, Yann nhận xét: “Tôi đã trông thấy nhiều phố. Điều đặc biệt là những phố này do những nhà công nghệ hoạt động trong cùng một nghề cư trú… Điều đó thoạt nhìn hình như có vẻ vô lí về phương diện thương mại”.

Ngay bây giờ, khi nền kinh tế thị trường đã ngự trị, điều “hình như vô lí” đó vẫn tiếp tục tồn tại: các đô thị Việt Nam vẫn tiếp tụ tự phát tổ chức theo lối phường. Chẳng hạn như ở thành phố Hố Chí Minh có đường Ngô Gia Tự bán đồ gỗ, đường Tô Hiến Thành bán vật liệu xây dựng, đường Lí Thái Tổ làm dịch vụ in ấn, đường Huỳnh Thúc Kháng bán đồ điện tử cao cấp, đường Lê Lợi bán đồ văn phòng phẩm,…. Ta còn có thể thường xuyên gặp hiện tượng tái phường hoá: Một

dãy phố trước đây bán mặt hàng này, nay cả phố chuyên sang kinh doanh mặt hàng khác.

Nguyên nhân nào giải thích hiện tượng này? Vẫn là tính cộng đồng và tính tự trị: Trước hết, do tính cộng đồng mà cách tổ chức theo phường tỏ ra có lợi cho người bán: họ có điều kiện tương trợ giúp đỡ nhau trong việc định giá.,giữ giá, vay mượn hang, giới thiệu khách hàng cho nhau... Không phải ngẫu nhiên mà tục ngữ có câu: “Buôn có bạn, bán có phường”. Mặt khác, do tính tự trị dẫn đến nếp sống tự cấp tự túc, dân không có nhu cầu mua bán, cho nên người buôn bán phải gian lận để kiếm sống - truyền thống gian dối đó đến nay vẫn còn rất nặng; bởi vậy mà, về mặt này, cách tổ chức theo phường tỏ ra có lợi cho người mua: tuy mất công đi xa để mua hang, nhưng bù vào đó, người mua có điều kiện khảo giá (không bị mua đắt), và vì nhiều hàng tiền ít có nguy cơ mua phải hàng giả.

Hiển nhiên, đã kinh doanh thì phải có lời, nhưng trong khi ở phương Tây thương nhân kiếm lời bằng cách cố gắng chiếm và giữ lòng tin của khách hàng (liên kết với khách hàng) đồng thời tính toán đi chèn ép nhau (quy luật cạnh tranh - sản phẩm của ý thức cá nhân) thì truyền thống thương nghiệp Việt Nam là thương nhân liên kết với nhau (sản phẩm của tính cộng đồng) để chèn ép khách hàng.

Chất nông thôn của đô thị Việt Nam còn bộc lộ ở tính cộng đồng (tập thể) của nó. Cho đến tận những năm 80, ở các đô thị Việt Nam vẫn rất phổ biến lối kiến trúc khu tập thể, (miền Nam gọi là “chung cư”) - ở đó tất cả đều tập thể, cộng đồng y như trong một làng: bể nước tập thể, bếp tập thế, thùng rác tập thể, và cả nhà vệ sinh cũng tập thể; hành lang thì dài dằng dặc chung cho tất thảy mọi nhà. Mọi nhà trong chung cư (ít nhất là trong cùng một hành lang, cùng là một cầu thang) đều quen biết nhau, sống cộng đồng với nhau (trông nhà giúp nhau, cho quà nhau, thăm nom nhau,…) như bao đời nay vẫn sống ờ nông thôn. Chất nông thôn của đô thị Việt Nam cũng bộc lộ cả tính tự trị nữa. Các đô thị đều có cổng như cổng làng, các phố nhỏ bên trong cũng vậy.

Hậu quả sự chi phối của nông thôn đối với đô thị là trong lòng các đô thị, cho tới gần đây, thậm chí tận bây giờ, vẫn còn sót lại những ốc đảo làng quê có lũy tre xanh, có tiếng gà kêu, chó sủa. Ở Hà Nội, ngay cạnh quảng trường Ba Đình vẫn còn làng hoa Ngọc Hà, ngay gần công viên Lê nin có làng Kim Liên, chếch phía Tây thì có làng Láng nổi tiếng vôi nghề trống rau hung. Ở Tp. Hồ Chí Minh,

rẽ khỏi những đường phố lớn đi vào ngõ hẻm, ta vẫn có thể thấy những cánh đồng nhỏ trống rau. Ở Huế, cho đến tân bây giờ không chỉ có những thôn Vĩ Dạ thơ mộng, làng Phú Cam làm nón,… mà cả thành phố vẫn còn nguyên đó chất nông thôn: Người Huế tự hào khoe với du khách rằng đây là một “Thành phố nhà-vườn” - mỗi ngôi nhà được bao bọc bởi một khu vườn xanh tươi với những hàng cây cắt xén tươm tất - một hình ảnh rất điển hình của gia đình nông thôn. Đô thị Việt Nam mang đậm tính cách nông thôn đến mức trong các ghi chép của A. de Rhodes và các giáo sĩ phương Tây vẫn còn lưu lại tên gọi dân dã của kinh đô Thăng Long là Kẻ Chợ (kẻ = làng), và muộn hơn, kinh đô Huế là Kẻ Huế.

- Sự chi phối mạnh của nông thôn đối với đô thị khiến cho đô thị Việt Nam truyền thống luôn có nguy cơ bị “nông thôn hóa”. Trong lịch sử, các đô thị khi không còn được thực hiện chức năng trung tâm hành chính nữa thì thường bị thu hẹp, tàn tạ dần để rồi hiện nguyên hình trở lại là nông thôn. Hàng loạt đô thị cổ như Văn Lang, Cổ Loa, Hoa Lư, Tây Đô, Lam Kinh... hay mới như Hưng Hóa đến nay cũng chỉ còn lại một vài dấu tích chứng tỏ rằng nó đã từng có thời là đô thị. Sự suy tàn rõ rệt cũng diễn ra, chẳng hạn như với thị xã Sa Đéc sau khi tỉnh lị tỉnh Đồng Tháp chuyển về Cao Lãnh năm 1992.

Từ trong huyết quản, dân thành thị vẫn mang bản chất và tính cách của người nông thôn - chúng luôn bộc lộ ra mỗi khi có điều kiện. Cách đây chỉ vài năm, trước thời kì phát triển kinh tế thị trường, trong thành phố Việt Nam, hễ có mảnh đất nào trống là người ta cuốc lên để trồng rau. Trên các tầng lầu, nhiều gia đình thu hẹp khu vệ sinh, bếp núc lại để nuôi gà, nuôi lợn. Thực là một cuộc "nông thôn hóa đô thị" triệt để.

Người Việt Nam truyền thống vốn gắn bó với sự ổn định làng xã, vốn coi thường dân ngụ cư nên thời xưa, người dân không coi trọng đô thị; dưới con mắt họ, đô thị là nơi hội tụ của dân "tứ chiếng giang hồ". Tâm lí "trọng nông (nông thôn) ức thương (thành thị)" này thể hiện khắp mọi nơi. Hiện tượng coi thường đô thị và "nông thôn hóa đô thị" này trái hẳn với tình hình ở phương Tây, nơi mà đô thị luôn được nông thôn ngưỡng mộ và có sức mạnh đô thị hóa nông thôn.

Đến tận ngày nay, ảnh hưởng của nông thôn vẫn còn gây khó khăn rất nhiều cho việc quản lí đô thị. Trong Hội nghị Đô thị toàn quốc lần thứ II (tổ

chức tại Tp. Hồ Chí Minh tháng 7-1995), Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận xét: “Mô hình tổ chức của bộ máy nhà nước hiện nay ở các đô thị không khác gì tổ chức bộ máy ở các huyện, xã. Về cung cách quản lí, nhiều nơi, nhiều cán bộ đang quản lí hành chính ở đô thị không khác gì lề lối quản lí ở các làng xã” và khẳng định: "Không thể tiếp tục tình trạng đó. Chúng ta thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng nếu chúng ta không chính quy hóa quản lí đô thị thì các mục tiêu trên không thể đạt được"

Một phần của tài liệu Giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam (Nghề Công tác xã hội) (Trang 72 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)