Phản hồi cảm xúc (phản hồi tâm tình)

Một phần của tài liệu Tài liệu hướng dẫn thực hành Tham vấn căn bản (Dành cho cán bộ xã hội cấp cơ sở) (Trang 32 - 33)

Thân chủ trong khi bày tỏ câu chuyện của mình thường bắt đầu bằng các cảm xúc hay cảm giác và chính sự phản hồi cảm xúc của Người tham vấn giúp giải mã vấn đề này. Đôi khi, cảm xúc của Thân chủ không được trình bày rõ ràng trong câu chuyện của mình. Thậm chí Thân chủ cũng không ý thức hết được cảm xúc của mình. Vì vậy, khi phản hồi cảm xúc người tham vấn cần phải phiên dịch lại những cảm xúc này, hoặc phải nói tới những gì nhìn thấy, nghe thấy, đưa ra những kết luận hoặc giả thuyết từ một cảm xúc, một tình huống do thân chủ bộc lộ.

Ví dụ, người tham vấn có thể nói: “Tôi thấy mặt anh thừ ra mỗi lần nhắc đến tên cháu”. Hoặc: “Điều đó đã để lại trong anh một nỗi buồn”. Hoặc: “Anh cảm thấy bối rối khi biết sự thật về câu chuyện này”.

THAM VẤN CĂN BẢN

Tuy nhiên, người tham vấn cũng có thể phản hồi lại một cảm giác ngầm ẩn mà người tham vấn cảm nhận thông qua những dấu hiệu như: Sự lựa chọn từ, một tiếng thở dài, một sự ngập ngừng, một thoáng nổi giận trong cái nhìn, một giọng nói yếu đi... Để làm được điều này đòi hỏi người tham vấn phải quan sát những hành vi phi ngôn ngữ của thân chủ.

Ví dụ, thân chủ nói: Mẹ cháu không hiểu cháu, mẹ la mắng cháu suốt mấy ngày nay và chẳng chịu nghe cháu nói. Mẹ cháu chẳng quan tâm tới cháu.

Người tham vấn: Có vẻ như cháu đang cảm thấy đau khổ và giận dữ. Dường như người mà cháu rất tin tưởng đã làm cháu thất vọng.

Thường thân chủ sẽ cố tránh khám phá những cảm nghĩ vì họ muốn tránh sự đau đớn đi kèm với cảm xúc mạnh như buồn bã, thất vọng, giận dữ, lo âu. Tuy nhiên, đối mặt với ý nghĩ ấy còn có nghĩa là tiến tới cảm thấy dễ chịu hơn về cảm xúc, để rồi có thể chọn những quyết định khôn ngoan. Tuy nhiên, người tham vấn vẫn tránh nhắc lại chính xác đến mức thô thiển những từ nói về cảm xúc của thân chủ, vì có thể nó gây ra cảm giác “đau đớn”, thiếu chân thật hoặc “nhại lại”.

Khi người tham vấn phản ánh những cảm xúc ngầm ẩn bên dưới câu nói của thân chủ, sẽ cho phép thân chủ ý thức hơn về cảm xúc thực mình đang trải nghiệm và có thể cảm thấy dễ chịu hơn do nhận biết cảm xúc nào thật sự ngự trị trong lòng họ, dù đó là cảm xúc không chờ đợi. Ví dụ:

- Người phụ nữ nói: Tôi không thể chịu đựng nổi nó nữa, mỗi lần nói chuyện thi cử của nó tôi cứ như phát điên lên, nó cứ khăng khăng không thi đại học. Tôi không làm sao để giải thích cho nó hiểu nỗi lòng cha mẹ

- Người tham vấn: Có vẻ như chị là người mẹ hết lòng vì con, chị mong cháu vào đại học nhưng cháu không đáp ứng mong muốn này của chị là phải thi đại học. Vì vậy, chị giận cháu và tự trách mình.

Thông thường một người có cảm giác buồn rầu và rối loạn khi cảm thấy bị bỏ rơi. Còn khi anh ta bỏ rơi ai đó thì dễ có cảm giác tội lỗi. Khi có việc gì đó bất ổn anh ta sẽ cảm thấy lo lắng trong người. Nghĩa là người tham vấn phải đặt tên cho loại xúc cảm, tình cảm đó và phản hồi lại điều đó theo cách làm cho thân chủ cảm thấy dễ chịu, phù hợp với sự diễn tả của thân chủ.

Đôi khi người tham vấn có thể thấy được nỗi buồn sâu sắc hay sự tức giận của thân chủ và phản ánh lại cho thân chủ. Tuy nhiên, nếu thân chủ chưa sẵn sàng để chấp nhận cảm xúc này thì câu phản hồi cảm xúc đưa ra quá sớm là không thành công và đôi khi còn thất bại do thân chủ đề kháng, chống đối.

Một phần của tài liệu Tài liệu hướng dẫn thực hành Tham vấn căn bản (Dành cho cán bộ xã hội cấp cơ sở) (Trang 32 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(61 trang)