Để nền công nghiệp trên địa bàn huyện Hiệp Đức phát triển đúng với mục tiêu đề ra thì công tác quản lý nhà nước trong thời gian tới phải thực hiện những định hướng sau:
Thứ nhất: tiếp tục xác định phát triển công nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện. Công nghiệp là ngành mũi nhọn, đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành của huyện Hiệp Đức theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Thứ hai: phát triển công nghiệp bền vững, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo với hàm lượng khoa học công nghệ trong giá trị sản phẩm ngày càng cao; tăng tỷ lệ nội địa hóa; nâng cao năng suất lao động công nghiệp và giá trị gia tăng công nghiệp tạo nhiều sản phẩm chuỗi giá trị có thương hiệu cạnh tranh trên thị trường thế giới và trong nước.
Thứ ba: hình thành các cụm công nghiệp theo vùng gắn với lợi thế và nguồn lực của từng vùng để ưu tiên phát triển. Đối với các vùng đông của huyện, tập trung thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghiệp có sử dụng lao động cao như dệt may, giày da, gỗ mỹ nghệ…. một số ngành công nghiệp hỗ trợ
nhằm giải quyết việc làm, thúc đẩy ngành dịch vụ, tạo động lực phát triển kinh tế của toàn huyện. Đối với vùng tây của huyện, tận dụng lợi thế đất đai, nguồn nguyên liệu để phát triển các lĩnh vực chế biến lâm sản, dược liệu, hạn chế xuất thô, tăng giá trị kinh tế của rừng trồng và cây thảo dược. Kết hợp hệ sinh thái khu vực miền núi, đặc trưng văn hóa vùng cao của huyện và các huyện lân cận để phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm mỹ nghệ gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái. Phát triển công nghiệp năng lượng hợp lý gắn với bảo vệ môi trường.
Thứ tư: huy động vốn từ nhiều nguồn đầu tư vào phát triển công nghiệp và các cụm công nghiệp, các khu dân cư, khu đô thị vệ tinh cho công nghiệp. Tích cực triển khai công nghệ, đào tạo thu hút nguồn nhân lực. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo lao động các cấp đảm bảo trình độ chuyên môn kỹ thuật và quản lý trong phát triển sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ xây dựng và quảng bá các thương hiệu mạnh về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Thứ năm: ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ cao. Phối hợp đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của huyện; tổ chức xúc tiến đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, hạn chế việc xây dựng các cơ sở sản xuất ngoài cụm nhằm thuận lợi hơn trong việc cung cấp kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu quả sản xuất và kiểm soát môi trường. Hỗ trợ trong việc đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cao cho công cuộc phát triển công nghiệp.
Thứ sáu: gắn định hướng phát triển công nghiệp với các ngành khác, xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu từ nông nghiệp nhằm đảm bảo nguyên liệu đầu vào như sắn, dứa, gỗ, cao su, keo... nhằm bảo đảm công nghiệp chế biến. Phát triển các ngành dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và hàng tiêu dùng. Mở rộng đào tạo
nghề đáp ứng nhu cầu cung cấp nhân lực có chất lượng cho phát triển công nghiệp. Thúc đẩy chuyển dịch nhanh, hiệu quả cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động công nghiệp.