KẾT HÔN TRÁI PHÁP LUẬT VÀ XỬ LÝ VIỆC KẾT HÔN TRÁI PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM
Qua nghiên cứu chế định kết hôn trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, cụ thể là quan hệ kết hôn trái pháp luật và việc xử lý những trường hợp vi phạm đó cho thấy pháp luật Việt Nam đã có sự quan tâm sát saođến vấn đề này với những quy định cụ thể và hướng dẫn áp dụng chi tiết. Tuy nhiên, do Luật
Hôn nhân và gia đình hiện hành là Luật được ban hành từ năm 2000, trải qua
mười một năm với những sự đổi thay rất lớn của xã hội, của con người Việt Nam,
do đó, một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 đã có xu hướng không còn phù hợp. Sau đây, tác giả luận văn xin đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật cũng như quá trình áp dụng pháp luật về kết hôn trái pháp luật.
3.2.1. Các giải pháp lập pháp
Thứ nhất: Đó là việc quy định độ tuổi kết hôn là điều kiện của nam và nữ. Với quy định nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên đã tồn tại từ những Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 cho đến tận Luật Hôn nhân và
gia đình năm 2000 và cho đến nay đã là 52 năm. Trong 52 năm đó, rất nhiều yếu tố đã thay đổi, từ chính trị, văn hóa, xã hội đến cả con người. Có thể nói, ngày nay sự phát triển của con người nói chung và người Việt Nam nói riêng
đã khác rất nhiều những thế hệ trước. Có thể một phần là do điều kiện kinh tế đầy đủ, song yếu tố xã hội còn tác động nhiều hơn đến quá trình phát triển về tâm sinh lý của con người. Trẻ vị thành niên phát triển rất sớm và có những biểu hiện già giặn. Đứng trước xu thế chung như vậy, việc có nên điều chỉnh về độ tuổi kết hôn của nam và nữ cũng là một vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét để có những điều chỉnh cho phù hợp với xã hội, không chỉ phù hợp với bây giờ mà còn có thể áp dụng cho tương lai.
Thứ hai: Liên quan đến quy định cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; Giữa cha,
mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng quy định tại khoản 3 khoản 4 Điều 10 Luật Hôn nhân
và gia đình năm 2000. Cần bổ sung thêm những quy định về "kết hôn giữa con riêng của chồng và con riêng của vợ, giữa những người con nuôi hoặc giữa con đẻ với con nuôi trong một gia đình" [40]. Mặc dù về huyết thống không có ảnh hưởng tiêu cực cho nòi giống. Nhưng về mặt đạo đức chúng ta không thể hoặc khó chấp nhận con riêng của vợ với con riêng của chồng, các người con nuôi của cùng cha mẹ nuôi hoặc con đẻ với con nuôi kết hôn với nhau. Khi hai người kết hôn thuộc diện các đương sự trên yêu cầu chính quyền cho đăng ký kết hôn thì cán bộ hộ tịch không tìm ra quy định pháp luật để giải quyết. Do đó, cần có những quy định cụ thể về vẫn đề này.
Thứ ba: đó là quy định của pháp luật liên quan đến việc hủy kết hôn trái pháp luật và hậu quả pháp lý của nó. Cụ thể là cần sửa đổi bổ sung quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 theo hướng quy định việc pháp luật không công nhận quan hệ vợ chồng của những cặp vợ chồng kết hôn bất trái pháp luật kể từ khi họ có quan hệ trái pháp luật đó, chứ không phải kể từ khi có quyết định của Tòa án. Bởi như vậy mới làm rõ được bản chất của việc hủy kết hôn trái pháp luật. Trong trường hợp này có thể liên tưởng đến trường hợp vô hiệu của hợp đồng, "khi hôn nhân bị tòa án tuyên hủy thì nó cũng như một hợp đồng bị vô hiệu, vô hiệu ngay từ khi bắt đầu" [3].
Thứ tư: Trong pháp luật về hôn nhân và gia đình nói chung và chế định kết hôn nói riêng cần được điều chỉnh và thay đổi trong xu hướng chung với các ngành luật khác, để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ. Cụ thể là trong những quy định về xử phạt hành chính khi có những vi phạm về kết hôn trái pháp luật. Theo Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2011 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cũng đã quy định rõ:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cưỡng ép người khác
kết hôn; Cản trở người khác kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác [7].
Trong tình hình xã hội hiện nay, nền kinh tế thay đổi từng ngày, từng giờ, các mức chế tài của các ngành Luật khác đều đã và đang được thay đổi cho phù hợp. Chế tài của Luật Hôn nhân và gia đình cũng cần thiết phải được điều chỉnh cho tương xứng. Cụ thể là mức phạt cần phải tăng lên. Ngoài ra cần quy định thêm những trường hợp xử phạt và xử phạt nặng để quy định
pháp luật mang tính răn đe, trừng trị.
Thứ năm: Trong trường hợp xác định lại giới tính để đảm bảo quyền được kết hôn theo đúng căn cứ pháp luật của họ. Khi giới tính đã được trả về cho họ về mặt y học, các văn phản pháp luật về hộ tịch cũng cần tạo điều kiện để họ được cải chính giới tính về mặt pháp lý. Cũng có những trường hợp vì những lý do khác nhau như lý do kinh tế, lý do sức khỏe mà một người dù biết là có sự nhầm lẫn về giới tính nhưng không thể tiến hành phẫu thuật để lấy lại giới tính cho mình thì pháp luật cũng cần có những quy định cụ thể công nhận hay không công nhận giới tính mới của họ để họ có cơ sở được hưởng các quyền pháp lý của mình. Đối với những trường hợp này, cần khuyến khích họ đi phẫu thuật để trở về giới tính đúng của mình về mặt y học, sau đó sẽ công nhận họ về mặt pháp lý. Trong trường hợp mà họ không thế thay đổi về mặt sinh học thì căn cứ pháp lý cũng nên thừa nhận họ.
Thứ sáu: Về những vấn đề còn gây nhiều tranh cãi và quan điểm như vấn đề: Kết hôn đồng giới; Về việc cấm kết hôn trong phạm vi huyết thống bao nhiêu đời thì phù hợp… Tất nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã có quan điểm rõ ràng, cụ thể hóa thành những quy định trong điều Luật. Tuy nhiên, để có thể giải đáp những thắc mắc, những quan điểm trái chiều, cần có một sự giải thích cụ thể để có một cách hiểu thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật.
3.2.2. Giải pháp trong việc áp dụng pháp luật
Thứ nhất: Về phương thức quản lý của Nhà nước ta hiện nay đó là quản lý theo cấp "hộ", quản lý theo hộ tịch, hộ khẩu của hộ gia đình chứ không quản lý theo cá nhân, theo Chứng minh nhân dân của từng cá nhân riêng lẻ. Do đó sự quản lý về tình trạng hôn nhân của mỗi cá nhân sẽ có phần bị hạn chế. Lợi dụng điều này, một số cá nhân đã không thành thực về tình trạng hôn nhân của mình khi đăng ký kết hôn. Do đó, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kết hôn trái pháp luật do vi phạm chế độ một vợ một chồng. Để khắc phục tình trạng này, đòihỏi pháp luật cần đưa ra những quy định để có thể thay đổi phương thức quản lý, giúp các cơ quan chức năng có thể nắm rõ được tình trạng hôn nhân của mỗi cá nhân trong xã hội.
Thứ hai: Về thủ tục và trình tự tự đăng ký kết hôn, mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng như hệ thống các văn bản hướng dẫn cũng đã quy định khá chi tiết, tuy nhiên trên thực tế thì việc áp dụng những quy định trên để thành một thủ tục đăng ký kết hôn thì lại hết sức rườm rà. Các cán bộ tại cơ quan có thẩm quyền trong việc đăng ký kết hôn đôi khi do thiếu trình
độ chuyên môn, đôi khi còn thiếu trách nhiệm trong công việc nên đã gây rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền đăng ký kết hôn của các chủ thể. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan ban ngành cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa để thủ tục đăng ký không còn phức tạp, khuyến khích các chủ thể thực hiện tốt được quyền kết hôn của mình. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng hơn nữa trong việc xử lý nghiêm khắc các trường hợp kết hôn trái pháp luật do vi phạm điều kiện về đăng ký kết hôn. Như định nghĩa về kết hôn trái pháp luật tại khoản 3 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định; Như vậy, để xác định là kết hôn trái pháp luật thì sẽ phải có hành vi đăng ký kết hôn của các cơ quan thực hiện chức năng đăng ký kết hôn tại cơ sở. Vậy trong việc vi phạm dẫn đến kết hôn trái luật, lỗi do các bên chủ thể là một phần, nhưng cũng không thể không tính
đến trách nhiệm của cán bộ các cơ quan đăng ký kết hôn. Vậy khi xác định được bản chất của những cuộc hôn nhân đó là hôn nhân trái pháp luật thì sẽ xử lý như thế nào đối với các cơ quan này. Thiết nghĩ, pháp luật cần đặt ra chế tài cụ thể, nghiêm khắc hơn nữa nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiến hành đăng ký kết hôn tại cơ sở.
Thứ ba: Qua nghiên cứu về vấn đề kết hôn vi phạm những điều kiện kết hôn, cho thấy một thực tế đó là sự nhận thức pháp luật của người dân trong xã hội, đặc biệt là dân cư tại các vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh còn
rất hạn chế. Một nguyên nhân xuyên suốt các hành vi vi phạm cũng như việc xử lý những hành vi đó chưa có kết quả đó chính là xuất phát từ nguyên nhân về nhận thức của người dân. Họ không biết đến những quy định của pháp luật cho mình những quyền lợi như vậy, cũng có thể không biết cách vận dụng để bảo vệ quyền lợi cho mình, đó là một thiệt thòi lớn. Do đó, công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân là một công tác cần được đặc biệt quan tâm. Hàng năm, Chính phủ mặc dù đã triển khai rất nhiều những chương trình, những dự án nhằm đưa ánh sáng của pháp luật đến với đời sống nhân dân, nhất là tại các địa phương xa xôi, hẻo lánh. Hàng năm, hàng trăm trường Đại học, Cao đẳng của thủ đô Hà Nội đã cử các đoàn tình nguyện về tuyên truyền pháp luật đến cho người dân. Những kết quả thu được từ những chương trình đó là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vẫn cần phải đẩy mạnh hơn nữa cả về chất lượng và cách thức tuyên truyền, sao cho hiệu quả của công tác này được tốt hơn.
Trên đây là một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ kết hôn trái pháp luật và một số giải pháp đảm bảo hoạt động có hiệu quả của các thiết chế trong việc thi hành pháp luật về vấn đề liên quan. Để có
thể hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng kết hôn trái pháp luật, đảm bảo nguyên tắc hôn nhân tiến bộ, vì hạnh phúc của mỗi cá nhân và gia đình, đòi hỏi các cơ quan chuyên ngành, các chủ thể có liên quan cần có biện pháp cải tiến một cách đồng bộ để xây dựng được hệ thống pháp luật tiến bộ, phản ánh được bản chất của các quan hệ xã hội.
KẾT LUẬN
Kết hôn trái pháp luật là những trường hợp kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn hoặc rơi vào những trường hợp cấm kết hôn như trong quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Kết hôn trái
pháp luật không chỉ xâm phạm tới những quyền, lợi ích hợp pháp của những chủ thể trong xã hội như những trường hợp kết hôn do vi phạm sự tự nguyện, kết hôn do vi phạm độ tuổi… mà còn đi ngược lại với những truyền thống, bản sắc dân tộc như những trường hợp kết hôn với những người đã có vợ, có chồng… Kết hôn trái pháp luật không phải là một hiện tượng mới mẻ trong xã hội Việt Nam,
từ xưa đến nay, những hình thức vi phạm vẫn luôn tồn tại và đều được dự liệu trong các hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh. Trong tình hình xã hội Việt
Namhiện nay, dưới sự tác động của rất nhiều những yếu tố khác nhau: như kinh tế, chính trị, xã hội, hội nhập quốc tế, khoa học kỹ thuật… đã hình thành nên
những cách suy nghĩ, những phong cách sống khác nhau, giá trị của gia đình đôikhi đã bị coi nhẹ, những điều kiện kết hôn không được chấp hành nghiêm chỉnh gây ra những bức xúc trong đời sống nhân dân. Có thể nhận thấy trong những năm trở lại đây kết hôn trái pháp luật ngày một phổ biến với những dạng vi phạm phong phú hơn, trở thành một nỗi nhức nhối của gia đình, xã hội.
Qua những nghiên cứu của luận văn, chúng ta có thể đánh giá được những vấn đề lý luận về kết hôn trái pháp luật trên các góc độ khác nhau, qua đó nhận thấy đây là một vấn đề vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội, cần được quan tâm đúng mực. Bên cạnh đó, luận văn cũng đưa ra từng trường hợp vi phạm cụ thể để góp phần giải thích, làm rõ sự vi phạm, đánh giá những nguyên nhân cũng như quá trình áp dụng pháp luật trong việc giải quyết những vi phạm đó. Từ những vấn đề lý luận, soi vào pháp luật thực định và thực tiễn áp dụng mới thấy hết được những điểm mạnh cũng như những hạn chế của pháp luật hiện hành khi quy định về vấn đề này. Nhận thức được tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, luận văn cũng đã chi ra những nhu cầu khách quan, những phương hướng hoàn thiện cũng như một số kiến nghị, giải pháp cơ bản góp phần hoàn thiện hơn nữa một hệ thống pháp luật Hôn nhân và gia đình tiến bộ, bảo vệ quyền con người, vì con người.