Những quy định về kết hôn trái pháp luật trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 32 - 35)

năm 1945 đến năm 1975

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - một nhà nước độc lập đã chính thức được ra đời. Tuy nhiên, trên thực tế hòa bình mới chỉ được lập lại ở miền Bắc Việt Nam, miền Nam vẫn chịu sự áp bức, bóc lột của đế quốc Mĩ, Việt Nam vẫn chia cắt hai miền.

Ở miền Bắc, Nhà nước đã ban hành Hiến pháp năm 1946 -Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là văn bản có giá trị pháp lý

cao nhất ghi nhận những nguyên tắc tự do, bình đẳng nam nữ, ghi nhận những nguyên tắc về hôn nhân tiến bộ, dần xóa bỏ đi chế độ hôn nhân phong kiến, lạc hậu. Cùng với đó là sự ra đời của các Sắc lệnh số 90 - SL cho phép áp dụng những quy định trong pháp luật cũ một cách có chọn lọc, Sắc lệnh số 97 -SL ngày 22/05/1950 đã sửa đổi một số quy định trong dân luật theo hướng tiến bộ. Như về yếu tố tự nguyện trong kết hôn cũng đã được ghi nhận một cách mạnh mẽ hơn, người con đã thành niênkhông bắt buộc phải có sự đồng ý của cha mẹ mới được kết hôn. Sắc lệnh còn xóa bỏ một số những quy định nhằm xóa bỏ việc cấm kết hôn trong thời kỳ tang chế hay cấm kết hôn do không có sự đồng ý của gia đình. Quan niệm về hôn nhân trái pháp luật đã bắt đầu có sự chuyển biến. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đạt được, Sắc lệnh số 97 -SL vẫn còn bộc lộ một số những thiếu sót như không quy định về độ tuổi kết hôn, những quy định còn đơn giản, sơ sài chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội giai đoạn đó. Chính vì vậy, năm 1959 Luật Hôn nhân và gia đình đầu tiên của nước Việt Nam đã ra đời. Luật gồm 6 chương, 35 điều. Những quy định về kết hôn đã được tập trung lại thành một chế định và quy định tại chương 2 gồm 8 điều, từ Điều 4 đến Điều 11. Như vậy, có thể nói so với những văn bản pháp luật trước đó quy định về hôn nhân, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 đã có một bước tiến khá rõ rệt. Trước hết là việc tập trung lại những quy định vào một nhóm, quy định thành những chế định cụ thể, chính thức. Mặt khác Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 còn bãi bỏ một số quy định lạc hậu trước đó như: cấm kết hôn khi để tang, cấm người đàn bà góa tái giá trong một thời gian nhất định… Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 đã khẳng định việc để tang không cản trở việc kết hôn và đàn bà góa có quyền tái giá. Luật cũng quy định rõ ràng về hình thức kết hôn, vượt ra khỏi nghi thức trong xã hội cũ. Từ những điểm mới và tiến bộ như vậy, có thể thấy rằng sự ra đời của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 đã đáp ứng được những nhu cầu của xã hội mới, giải phóng phụ nữ, xóa bỏ hôn nhân phong kiến, hủ tục, xác lập hôn nhân trên cơ sở tiến bộ. Thể hiện rõ quan điểm của

Nhà nước ta về kết hôn đó là phải dựa trên các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hôn nhân một vợ một chồng. Việc kết hôn phải tuân thủ những thủ tục pháp lý nhất định mới được coi là hôn nhân hợp pháp. Những quy định đó đã thể hiện được bản chất của hôn nhân trong chế độ mới. Tuân thủ những nguyên tắc này chính là đả bảo cho việc xác lập hôn nhân tiến bộ, dân chủ. Qua đó, việc quy định về kết hôn trái pháp luật cũng đã phần nào được đầy đủ và chính xác hơn.

Ở miền Nam, dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn và sự xâm lược của đế quốc Mỹ, quan hệ hôn nhân và gia đình cụ thể là quan hệ kết hôn được điều chỉnh trực tiếp bới các văn bản pháp lý sau: Luật Gia đình ngày 02/01/1959 (Luật 1- 59); Sắc luật 15/64 ngày 23/07/1964 (Sắc luật 15/64); Bộ Dân luật ngày 20/12/1072 của chính quyền ngụy quyền Sài Gòn (Bộ Dân luật năm 1972). Trong đó, những quy định về kết hôn trái pháp luật cũng được ghi nhận gián tiếp thông qua những điều kiện cũng như thủ tục kết hôn tại một số Điều luật cụ thể như: Về độ tuổi kết hôn, tại Điều 10 Sắc luật 15/64, Điều 104 Bộ dân luật 72 đều quy định con gái tròn 16 tuổi, con trai tròn 18 tuổi, có đủ sức khỏe thì được phép kết hôn. Yếu tố về sự tự nguyện được thể hiện bằng quy định hôn nhân sẽ không có giá trị nếu không có sự ưng thuận của đôi bên nam nữ, bên cạnh đó vẫn phải có sự đồng ý của các tôn thuộc nếu người định kết hôn là người chưa thành niên (Điều 9 Luật 1-59, Điều 1 Sắc luật số 15/64, Điều 105 Bộ dân luật 72). Ngoài ra, ba văn bản luật cũng quy định về hình thức kết hôn, đó cũng được coi là những điều kiện về hình thức để hôn nhân có giá trị pháp lý. Hình thức hôn nhân bao gồm: thể thức trước khi cử hành hôn lễ và thể thức khi cử hành hôn lễ. Đặc biệt, thời kỳ này, việc đăng ký và niêm yết tại cơ quan có thẩm quyền đã trở thành một điều kiện bắt buộc và phải được niêm yết công khai. Đây cũng có thể coi là một điểm tiến bộ trong pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam ngày càng chặt chẽ và có tính pháp lý cao. Việc kết hôn giữa hai bên nam nữ không chỉ là sự ghi nhận của gia đình, họ hàng, dòng tộc mà hơn hết phải được các cơ quan nhà nước

có thẩm quyền ghi nhận và được công khai tại nơi cư trú sở tại. Tuy nhiên, do đây cũng chỉ là những quy định rời rạc, chưa có hệ thống và còn chịu sự ảnh hưởng rất lớn của hoàn cảnh xã hội bấy giờ do đó vẫn không tránh khỏi những quy định bất bình đẳng giữa vợ và chồng, vẫn bảo vệ quyền gia trưởng của người đàn ông trong gia đình.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kết hôn trái pháp luật trong tình hình xã hội hiện nay (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)