Một số thiên tai chủ yếu và biện pháp phòng chống ● Bão

Một phần của tài liệu Địa lý kinh tế xã hội VN (Phần 1) (Trang 42 - 44)

● Bão

Hoạt động của bão ở Việt Nam: Trên toàn quốc, mùa bão từ tháng 6 - 11, đôi khi có bão

sớm từ tháng 5 và muộn sang tháng 12 (nhưng cường độ yếu), bão dịch dần từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều nhất vào 3 tháng (8, 9 và 10); 3 tháng này chiếm 70% số cơn bão toàn mùa – nhiều nhất là vào tháng 9. Vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là dải đồng bằng ven biển miền Trung. Trung bình mỗi năm có 3 – 4 cơn bão đổ bộ vào vùng bờ biển nước ta (có năm 8 – 10 cơn bão). Nếu tính số cơn bão có ảnh hưởng đến thời tiết nước ta thì còn nhiều hơn; trung bình trong 45 năm trở lại đây, mỗi năm có gần 8,8 cơn bão.

Hậu quả của bão: Ở vùng tâm bão có gió mạnh kèm theo mưa lớn (lượng mưa do 1 trận

bão gây ra ~ 300 – 400mm, có khi đến > 500 – 600mm). Bão đổ bộ vào bbồng bằng Bắc Bộ có diện mưa bão rộng nhất. Vùng ven biển miền Trung có diện mưa hẹp hơn, nhưng lượng mưa bão rất lớn (chiếm 1/3 lượng mưa cả năm của vùng). Trên biển, bão gây ra sóng to dâng cao 9 – 10m có thể lật úp tàu thuyền. Gió bão làm mực nước biển dâng cao (1,5 – 2,0m) gây ngập mặn vùng đồng bằng ven biển. Nước dâng tràn đê kết hợp nước lũ do mưa lớn trên nguồn dồn về làm ngập trên diện rộng. Bão lớn, gió giật mạnh đổi chiều tàn phá cả những công trình vững chắc như nhà cửa, công sở, cầu cống, cột điện cao thế… bão là một thiên tai gây tác hại rất lớn cho sản xuất và đời sống nhân dân (nhất là vùng ven biển).

Phòng chống: Ngày nay, nhờ vào các thiết bị vệ tinh khí tượng, chúng ta đã dự báo được

khá chính xác về quá trình hình thành và hướng di chuyển của bão. Việc phòng tránh là hết sức quan trọng. Để tránh thiệt hại do bão gây ra, khi đi trên biển các tàu thuyền phải gấp rút tránh xa vùng trung tâm bão, trở về đất liền. Vùng ven biển cần củng cố công trình đê biển. Nếu có báo cần khẩn trương sơ tán dân. Chống bão phải luôn kết hợp với chống lụt, úng ở đồng bằng và chống lũ, chống xói mòn ở miền núi

● Ngập lụt

Ở nước ta, vùng chịu ngập lụt nghiêm trọng nhất là Đồng bằng sông Hồng, khi có mưa bão lũ lớn do mặt đất thấp, xung quanh có đê sông, đê biển bao bọc; mức độ đô thị hóa cao cũng làm cho ngập lụt nghiêm trọng hơn. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngập lụt không chỉ do mưa lớn gây ra mà còn do triều cường; vì vậy, khi tiến hành tiêu nước chống ngập lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long cần tính đến các công trình thoát lũ và ngăn thuỷ triều. Ngập lụt gây hậu quả nghiêm trọng ở 2 đồng bằng này trong vụ hè thu. Ở Trung Bộ, nhiều vùng trũng Bắc Trung Bộ và đồng bằng hạ lưu các con sông lớn Nam Trung Bộ cũng bị ngập lụt mạnh vào các tháng IX – X do mưa bão, nước biển dâng, lũ nguồn.

● Lũ quét

Lũ quét là thiên tai bất thường và gây hậu quả rất nghiêm trọng. Lũ quét thường xảy ra ở những lưu vực sông suối miền núi, nơi có địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn hơn, mất lớp phủ thực vật, bề mặt đất dễ bị bóc mòn khi có mưa lớn. Mưa gây ra lũ quét có cường độ rất lớn, lượng mưa tới 100 – 200mm trong vài giờ. Kết quả nghiên cứu của Viện Khí tượng - Thuỷ văn cho thấy, từ năm 1950 trở lại đây, nước ta năm nào cũng có lũ quét mà xu hướng ngày càng tăng. Ở miền Bắc lũ quét thường xảy ra vào các tháng VI – X (tập trung vào vùng núi). Ở miền Trung, vào các tháng X – XII (xảy ra tại nhiều nơi từ Hà Tĩnh tới Nam Trung Bộ). Biện pháp khắc phục: Để giảm thiệt hại do lũ quét gây ra, cần qui hoạch phát triển các điểm dân cư tránh các vùng lũ quét nguy hiểm và sử dụng đất đai hợp lí; đồng thời thực hiện các biện pháp kĩ thuật thuỷ lợi, trồng rừng, kĩ thuật nông nghiệp trên đất dốc nhằm hạn chế dòng chảy mặt và chống xói mòn đất.

● Hạn hán

Khô hạn kéo dài và tình trạng hạn hán trong mùa khô diễn ra ở nhiều nơi. Ở miền Bắc: tại các thung lũng khuất gió (Yên Châu, Sông Mã (Sơn La), Lục Ngạn (Bắc Giang) mùa khô kéo dài 3 – 4 tháng. Ở miền Nam, mùa khô khắc nghiệt hơn: ở đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên (mùa khô kéo dài 4 – 5 tháng). Ở vùng ven biển Nam Trung Bộ (mùa khô kéo dài 6 – 7 tháng). Hàng năm, hạn hán đe doạ hàng vạn ha cây trồng hoa màu và thiêu huỷ hàng ngàn ha rừng. Nếu tổ chức phòng chống tốt, có thể hạn chế bớt thiệt hại do hạn hán gây ra. Phòng chống khô hạn lâu dài phải giải quyết bằng những công trình thuỷ lợi hợp lí.

● Các thiên tai khác

Động đất diễn ra mạnh tại các đứt gãy sâu. Nơi có hoạt động động đất mạnh nhất là khu vực Tây Bắc rồi đến Đông Bắc. Khu vực miền Trung ít hơn; còn ở Nam Bộ động đất biểu hiện rất yếu. Tại vùng biển: động đất tập trung ở ven bờ biển Nam Trung Bộ. Việc dự báo trước thời gian động đất là rất khó, vì vậy động đất vẫn là thiên tai bất thường, khó phòng tránh. Các loại thiên tai khác như lốc, mưa đá, sương muối tuy mang tính cục bộ địa phương nhưng xảy ra thường xuyên ở nước ta và cũng gây hại lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Trình bày các đới cảnh quan (đất liền) ở nước ta.

2. Lấy ví dụ chứng minh phần đất liền ở nước ta có sự phân hóa thành 3 miền cảnh quan. 3. Biểu hiện của sự suy giảm đa dạng sinh vật, các biện pháp đã được thực hiện để bảo vệ đa dạng sinh vật của nước ta.

4. Dựa vào kiến thức đã học, hãy giải thích tại sao tài nguyên thiên nhiên được coi là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội. Trình bày các loại tài nguyên thiên nhiên chủ yếu ở nước ta.

6. Tại sao nói: “Vấn đề sử dụng hợp lý song song với bảo vệ và tái tạo tài nguyên thiên nhiên là điều kiện tốt nhất để phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội và môi trường của nước ta? Chiến lược quốc gia về bảo vệ tài nguyên và môi trường ở nước ta.

7. Hiện trạng sử dụng đất và các biện pháp bảo vệ đất ở vùng đồi núi và đồng bằng để tránh làm thoái hóa đất

Một phần của tài liệu Địa lý kinh tế xã hội VN (Phần 1) (Trang 42 - 44)