Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm xây dựng tiêu chuẩn đánh giá kết quả đầu ra cho các trường. Giảm bớt sự can thiệp của cơ quan quản lý. Đổi mới phương thức quản lý theo “đầu vào” bằng phương thức quản lý theo kết quả “đầu ra”. Thay đổi phương thức quản lý theo đầu vào thông qua việc kiểm định chất lượng đào tạo đầu ra. Các Bộ, ngành cần nhận thức được rằng việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là để các trường nâng cao chất lượng GD-ĐT. Việc ôm đồm và can thiệp quá nhiều của các cấp, bộ ngành vào hoạt động các trường là một trong những nguyên nhân làm giảm tính tự chủ của các trường. Vì vậy việc để cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động của Trường là rất cần thiết và các Bộ chỉ nên đóng vai trò là người kiểm tra chất lượng đầu ra của các Trường. Vấn đề giám sát không chỉ thuộc về các Bộ mà người học và xã hội cũng có quyền kiểm tra giám sát đối với các trường không phân biệt là trường công lập hay tư thục. Để thực hiện tốt vấn đề này yêu cầu các trường phải thực hiện cơ chế 3 công khai: Công khai chất lượng đào tạo, công khai nguồn nhân lực đào tạo và công khai chi tiêu tài chính.
Chiến lược GD-ĐT cần có sự định hướng lâu dài. Đào tạo theo nhu cầu của người học và phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế là một điều cần thiết. Chính điều đó mới thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hoá nước ta. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho phép các cơ sở đào tạo được đa dạng hoá các loại hình đào tạo, các ngành nghề đào tạo, mở rộng liên kết với các trường trong và ngoài nước, các trường tự tổ chức thi tuyển và xét tuyển theo nhu cầu cảu SV, nhu cầu của xã hội và khả năng đáp ứng thực tế của từng trường không nên khống chế số lượng và chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường như hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm đào tạo của các trường cụ thể hơn và thực hiện công khai các tiêu chuẩn đánh giá đó. Định kỳ kiểm tra việc thực hiện kiểm định chất lượng đối với các trường một cách khách quan, kết quả của việc kiểm định yêu cầu cũng được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng làm cơ sở cho các đối tượng là học sinh, SV, người sử dụng nguồn nhân lực đánh giá và so sánh về chất lượng đào tạo giữa các trường. Vấn đề này sẽ quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các trường, thúc đẩy các trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.