nước trên địa bàn huyện Hiệp Đức
2.3.1. Thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến quản lý thu ngân sách Nhà nước
Mức độ phù hợp với thực tế của Luật và các qui định trong chính sách của Nhà nước, của chính quyền địa phương liên quan đến công tác quản lý thu ngân sách có tác động lớn đến kết quả và hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách ở địa phương. Nếu Luật và cơ chế chính sách về quản lý thu NSNN phù hợp, linh hoạt thì sẽ khuyến khích nộp thuế và phí, tạo điều kiện tăng nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu, tránh được tình trạng tận thu. Những quy định của chính quyền địa phương nhằm cụ thể hóa những quy định trong Luật và chính sách của Trung ương nếu không rõ ràng, nếu không sát với thực tế, nếu không chỉnh sửa, cập nhật liên tục sẽ gây khó khăn cho đội ngũ triển khai, quản lý, dễ đưa đến tình trạng xin - cho, nhũng nhiễu, tham nhũng.
2.3.2. Bộ máy tổ chức, quản lý và con người
Bộ máy tổ chức, quản lý đối với công tác thu NSNN là một trong những nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả công tác quản lý thu NSNN. Bộ máy được tổ chức, bố trí hợp lý, gọn nhẹ, được trang bị kỹ thuật hiện đại sẽ giúp theo dõi, quản lý tốt tới từng đối tượng thực hiện thu NSNN. Sự phối hợp giữa các cơ quan
liên quan trong quản lý thu NSNN, giữa chính quyền các cấp với các cơ quan chức năng cũng hết sức quan trọng trong việc tổ chức, triển khai, theo dõi, giám sát công tác thu NSNN tại từng đơn vị, công trình, đối tượng. Bên cạnh đó, năng lực của cán bộ làm công tác quản lý thu NSNN có ý nghĩa quyết định đến sự thành công hay không thành công, đến kết quả và hiệu quả quản lý thu NSNN tùy theo vị trí công tác của cán bộ trong hệ thống. Cán bộ với nhận thức, ý thức, nhiệt tình, bản lĩnh chính trị cao, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, thông thạo sử dụng các công cụ hiện đại sẽ giúp triển khai, quản lý tốt thu NSNN. Ngược lại, cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ yếu sẽ dễ dẫn đến thất thu, bội chi ảnh hưởng lớn đến khả năng tự cân đối NSNN tại địa phương.
2.3.3. Trình độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương
Trình độ phát triển KT-XH của địa phương là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến kết quả thu NSNN ở địa phương. Địa phương có hạ tầng tốt, có vị trí địa chiến lược thuận lợi cho phát triển kinh tế và thông thương hàng hóa, có cơ chế chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân làm ăn kinh doanh sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo nên nguồn thu từ thuế cho NSNN của địa phương. Doanh nghiệp càng làm ăn thuận lợi, càng phát triển thì địa phương càng có cơ hội tăng thu ngân sách từ thuế. Trình độ phát triển KT-XH cũng ảnh hưởng đến nhận thức, tư duy của đối tượng nộp thuế. Những quy định công khai, minh bạch của chính quyền địa phương, cùng với nhận thức đúng đắn của đối tượng nộp thuế, phí sẽ là điều kiện tăng nguồn thu ngân sách. Mặt khác, trình độ phát triển KT-XH kém, hạ tầng thấp kém sẽ không thu hút được các nhà đầu tư, địa phương sẽ phải dành khoản ngân sách lớn hơn cho chi phát triển, dễ dẫn đến mất cân đối thu, chi NSNN.