nước tới 2025
Giai đoạn từ nay đến 2025 là giai đoạn Việt Nam tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 và tiếp theo sẽ thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030. Đây cũng là thời kỳ dự báo có những thay đổi lớn về kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, ảnh hưởng tới phát triển đội ngũ CBQL kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Trên bình diện quốc tế, mặc dù có những biến động chính trị ở một số nước phát triển với sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ, nhưng xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa kinh tế sẽ vẫn tiếp tục. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo sẽ tạo ra những đột phá mới về khoa học công nghệ và nhờ đó, kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn thập kỷ vừa qua với những động lực tăng trưởng mới do công nghệ tạo ra.
Ở trong nước tình hình kinh tế - xã hội từ nay tới 2020 dự báo sẽ chưa có nhiều thay đổi. Tăng trưởng khó đạt tốc độ tăng cao trên 7%/năm nhưng sẽ vẫn có khả năng duy trì ở mức từ 6-6,9%/năm. Về cơ bản tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào vốn, lao động và tài nguyên thiên nhiên. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế dự kiến sẽ diễn ra nhanh hơn giai đoạn 2015-2018 nhưng những thay đổi, nếu có, chỉ có thể phát huy tác dụng sau năm 2020.
Trong bối cảnh đó, dự báo kinh tế tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt với mức tăng trưởng GDP bình quân tới năm 2020 khoảng 12%/năm. Năng lực sản xuất của nhiều ngành kinh tế có chuyển biến tích cực hơn, chính trị xã hội ổn định, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Giáo dục, y tế sẽ tiếp tục được đầu tư, nâng cao khả năng đáp ứng về số lượng và chất lượng. Sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm tới sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức đối với xây dựng, phát triển đội ngũ CBQL kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Cơ hội:
- Các chủ trương, chính sách của cấp uỷ, lãnh đạo tỉnh đã tạo bước chuyển rõ nét về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, trọng tâm là phát triển đội ngũ CBQL kinh tế, qua đó tạo thêm nhiều việc làm mới và chuyển dịch cơ cấu lao động. Các nguồn lực nhà nước tập trung cho chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục thực hiện có hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm và theo hướng bền vững; đời sống công nhân ở các khu kinh tế, khu công nghiệp được chăm lo... Các yếu tố trên là nền tảng để cấp uỷ, lãnh đạo tỉnh tin tưởng vào những quyết sách đúng đắn khi xây dựng, phát triển đội ngũ CBQL kinh tế.
- Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đang được cải thiện đáng kể. Kết cấu hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh mẽ, tạo sự liên kết, kết nối giữa Quảng Nam với các trung tâm phát triển thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và liên vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, góp phần thu hút nhà đầu tư, nhà quản lý kinh tế và các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
- Bộ, ngành Trung ương thống nhất và tạo điều kiện về các nguồn lực để thực hiện các chủ trương phát triển tỉnh Quảng Nam tầm nhìn đến 2025: Tạo mối liên kết nông thôn - thành thị và hội nhập vùng vì sự phát triển công
bằng; Quản lý phúc lợi xã hội tập trung vào chất lượng khi phân chia cho nhiều đối tượng vùng phía Tây và nông thôn; Ưu tiên phát triển hạ tầng để liên kết 2 miền Đông Tây của tỉnh, rút ngắn khoảng cách về đầu tư và tạo điều kiện hơn trong việc tiếp cận thị trường…; qua đó đã định hướng việc tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL kinh tế theo từng lĩnh vực, đơn vị cụ thể.
- Thành công của Trường Hải và khu kinh tế mở Chu Lai và một số doanh nghiệp khác sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp, đồng thời cũng làm tăng niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, các nhà quản lý kinh tế, các chuyên gia đầu ngành phục vụ cho tỉnh Quảng Nam vì họ hoàn toàn có thể thành công.
Thách thức:
- Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung vẫn là khu vực có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn trong phát triển nên việc thu hút đầu tư, các nhà quản lý kinh tế, chuyên gia giỏi vẫn hạn chế hơn một số địa phương khác.
- Mặc dù Bộ, ngành Trung ương có cam kết hỗ trợ phát triển đối với tỉnh, đặc biệt là công tác phát triển cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng trong xu thế xã hội hoá, chuyển dịch lao động mạnh mẽ, tỉnh Quảng Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt trong thu hút các nguồn lực để phát triển đội ngũ CBQL kinh tế.
- Các trường trung học, cao đẳng và đại học ở Quảng Nam còn chậm đổi mới giáo dục theo hướng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực. Nền kinh tế của Việt Nam hiện nay đang lạc hậu về công nghệ so với trình độ trung bình của thế giới đến ba thế hệ, tỉnh Quảng Nam cũng vậy. Các cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ mới chưa được quan tâm đúng mức, tạo
điều kiện để nâng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế, đảm bảo thành công cho sự phát triển.