0
Tải bản đầy đủ (.docx) (79 trang)

Đánh giá chung

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ KINH TẾ TỈNH QUẢNG NAM. (Trang 50 -58 )

2.4.1. Ưu điểm

Giai đoạn 2015- 2018, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh nói chung và xây dựng đội ngũ CBQL kinh tế cấp tỉnh nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đội ngũ CBQL kinh tế đã có bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng; đã nỗ lực phấn đấu và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo sự chuyển

biến mạnh mẽ, toàn diện, đồng đều trên các lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh. Trong công tác xây dựng đội ngũ CBQL kinh tế, các cấp đã thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; nguyên tắc tập thể có thẩm quyền quyết định về cán bộ theo phân cấp quản lý; phát huy được vai trò của tổ chức và người đứng đầu đối với công tác cán bộ. Công tác cán bộ đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ CBQL kinh tế có phẩm chất, năng lực, đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ.

Công tác, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, luân chuyển cán bộ được cấp uỷ các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện, cơ bản tránh được tình trạng hẫng hụt, tạo được sự kế thừa giữa các thế hệ cán bộ. Trong đánh giá, bố trí, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đã đảm bảo được dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc, đúng quy trình và theo phân cấp quản lý. Số cán bộ được luân chuyển nhìn chung tiếp cận nhanh và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở các chính sách của trung ương, tỉnh Quảng Nam đã vận dụng để ban hành và tổ chức thực hiện một số cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế, có tác dụng tốt đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, góp phần động viên, phòng ngừa và giáo dục cán bộ. Quy trình tuyển dụng cán bộ đã được cải tiến một bước, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ; chất lượng cán bộ được tuyển dụng ngày càng tốt hơn. Công tác kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ ngày càng coi trọng và đẩy mạnh hơn, những sai sót trong công tác cán bộ được kiểm tra, xử lý theo quy định.

Công tác cán bộ trẻ, nữ, NDTTS luôn được các cấp quan tâm, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các đơn vị. Hầu hết các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của cán bộ trẻ, nữ, NDTTS; quan tâm hơn

đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số; góp phần từng bước nâng cao tỷ lệ đội ngũ cán bộ này tham gia lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

2.4.2. Những tồn tại, hạn chế

2.4.2.1. Quy hoạch đội ngũ cán bộ:

- Công tác quy hoạch CBQL kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có triển vọng phát triển tốt để đưa vào quy hoạch các chức danh CBQL kinh tế; việc Trung ương quy định quy hoạch chức vụ cao hơn, không quy hoạch tái cử, tái bổ nhiệm nhưng đồng thời cũng quy định số lượng nguồn quy hoạch phải đảm bảo 1,5 - 2 lần so với số lượng đương nhiệm gây khó khăn trong việc tìm nguồn cán bộ để đưa vào quy hoạch, dẫn đến tính khả thi không cao.

- Số lượng nguồn đưa vào quy hoạch tại một số cơ quan, đơn vị chưa hợp lý, có hiện tượng vừa thừa, vừa thiếu; việc xây dựng quy hoạch của một số đơn vị chưa có tính đột phá, tính khả thi không cao nên khi tiến hành bổ nhiệm còn gặp khó khăn.

Quy trình, cách làm quy hoạch cũng còn lúng túng, chưa thực sự đồng bộ. Chất lượng nhận xét, đánh giá trước khi đưa vào quy hoạch, trong một số trường hợp, chưa thật phản ánh thực tế. Công tác thẩm tra, kết luận về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống đối với nhân sự đưa vào quy hoạch các chức danh CBQL kinh tế còn thực hiện chưa kịp thời.

- Một số đơn vị chưa quan tâm phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ mới, trẻ để đưa vào quy hoạch. Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch có nơi chưa được đề cao, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

- Chưa có biện pháp hiệu quả trong việc tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, bố trí cán bộ nữ, cán bộ NDTTS. Nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động về cán bộ nữ, cán bộ NDTTS tham gia QLNN về kinh tế chưa phong phú, đa dạng.

2.4.2.2. Tổ chức tuyển dụng, bố trí sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ:

- Công tác tuyển dụng cán bộ đôi lúc chưa tính toán đầy đủ đến quy hoạch, còn xảy ra hiện tượng tiêu cực trong quá trình tuyển dụng, một số nơi thực hiện tuyển dụng còn tuỳ tiện nên không tuyển được cán bộ có đủ tiêu chuẩn và năng lực nhất là đối với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư,... Mặt khác vẫn còn tình trạng tuyển dụng cán bộ còn ưu tiên người nhà, người cùng địa phương. Một số chủ trương trong tuyển dụng CBQL kinh tế chưa thực hiện hiệu quả như chủ trương tăng thêm (ngoài số lượng theo quy định) 01 phó giám đốc sở và tương đương là cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi), ưu tiên cán bộ nữ; chủ trương bố trí một số chức danh CBQL kinh tế chủ chốt không phải là người địa phương.

- Việc đề bạt, bổ nhiệm và giới thiệu CBQL kinh tế ứng cử một số trường hợp không đúng quy định, chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, sai sót về quy trình, thủ tục; tình trạng “nợ tiêu chuẩn” vẫn còn và khá phổ biến trong đội ngũ CBQL kinh tế của tỉnh; trình độ ngoại ngữ, tin học là khâu yếu nhất.

- Vẫn còn tình trạng bổ nhiệm đúng quy trình nhưng chưa chọn được người có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, có tâm, có tầm; có trường hợp vừa đưa vào quy hoạch, chưa qua bồi dưỡng, kiểm nghiệm thực tiễn đã được đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử... dẫn đến nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo gây bức xúc trong dư luận xã hội. Qua khảo sát, từ tháng 8 năm 2015

đến nay có 323 trường hợp đề bạt, bổ nhiệm và giới thiệu CBQL kinh tế ứng cử không đúng quy định.

Tỷ lệ CBQL kinh tế nữ được bổ nhiệm các chức danh quản lý còn thấp so với quy định của Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021, chưa có CBQL kinh tế nữ tham gia đại biểu Quốc hội.

- Công tác điều động, luân chuyển còn thiếu cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ, động viên kịp thời, nhất là đối với cán bộ được điều động, tăng cường, luân chuyển về cơ sở hiệu quả chưa cao.

2.4.2.3. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ:

- Việc đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt CBQL kinh tế có trường hợp chưa gắn với quy hoạch. Cán bộ trẻ, người dân tộc thiểu số, cán bộ xuất thân từ công nhân, con liệt sỹ, thương binh, gia đình chính sách chưa được chú trọng trong đào tạo, đào tạo lại. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức QLNN còn thấp, kỹ năng nghiệp vụ chưa phù hợp với từng đối tượng. Bằng cấp, chứng chỉ tăng, nhưng chất lượng thật sự của CBQL kinh tế có bằng cấp, chứng chỉ lại đang là vấn đề đáng quan tâm. Nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên địa bàn tỉnh tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn những bất cập cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBQL kinh tế ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đào tạo ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới theo vị trí việc làm. Cán bộ sinh sau năm 1975 đi đào tạo sau đại học nhiều, phần lớn là tự đi học và mục đích chủ yếu là nhằm để đạt chuẩn, không gắn với quy hoạch, không theo lộ trình, kế hoạch đào tạo, không gắn với việc bố trí, sử dụng CBQL kinh tế; chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm... gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, lãng phí thời gian, công sức và vật chất.

- Một bộ phận CBQL kinh tế được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên môn, có thời gian công tác trên 20 năm, nay tuổi đã lớn không còn đủ điều kiện để cử đi đào tạo để đạt chuẩn do đó không đủ tiêu chuẩn để xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại... làm ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ.

- Tỉ lệ CBQL kinh tế nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, bản thân một số cán bộ nữ sống trong khuôn phép gia đình, an phận, chưa thực sự cố gắng vươn lên làm trở ngại cho công tác đào tạo, bổ nhiệm CBQL kinh tế là nữ.

2.4.2.4. Xây dựng tiêu chuẩn và đánh giá cán bộ:

- Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa thành nề nếp thường xuyên. Một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, nhất là đánh giá đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Phương pháp, quy trình và tiêu chí đánh giá còn bất cập, chưa gắn với kết quả đầu ra và sản phẩm cụ thể. Một số cán bộ vi phạm bị xử lý kỷ luật nhưng vẫn đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên; một số cán bộ vi phạm nhưng xem xét, xử lý kỷ luật chưa có tính chất ren đe, tính chế tài để làm gương trong công tác cán bộ.

- Công tác quản lý cán bộ (như phân cấp, tăng cường trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, xây dựng hệ thống thông tin quản lý đội ngũ cán bộ v.v…) theo hướng hiện đại hóa còn chậm được triển khai, dẫn đến các cơ quan hành chính vẫn ôm đồm nhiều việc và cản trở, can thiệp sâu vào hoạt động của các đơn vị cơ sở. Tính tự giác trong phê bình và tự phê bình của CBQL kinh tế chưa cao, việc giáo dục, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng còn hạn chế.

Chất lượng tham mưu về công tác cán bộ của các cơ quan tham mưu và đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ tuy đã được nâng lên nhưng một số mặt

vẫn còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

- Việc thực hiện chế độ, chính sách còn nhiều hạn chế, nhất là mức thu nhập thấp khiến một số CBQL kinh tế chưa chuyên tâm công tác trong thực thi nhiệm vụ; thực hiện chưa kịp thời chế độ, chính sách đối với CBQL kinh tế có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao...

2.4.3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

2.4.3.1. Nguyên nhân khách quan

- Xuất phát từ trình độ phát triển của nền kinh tế của tỉnh, đó là cơ sở hạ tầng còn thấp kém; thể chế quản lý nền kinh tế theo cơ chế thị trường còn chưa đồng bộ; nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh còn thiếu và chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng để phục vụ phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

- Do hệ thống cơ chế, thể chế chính sách pháp luật của nhà nước đối với công xây dựng đội ngũ CBQL kinh tế vẫn còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số chính sách chưa phù hợp, thiếu sự khuyến khích đội ngũ cán bộ này thực hiện tốt nhiệm vụ.

- Chưa có chính sách phù hợp thu hút các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh phát triển cũng như còn hạn chế trong việc thu hút nhà đầu tư, tập đoàn đầu tư lớn ở những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh tạo ra nguồn thu lớn cho tỉnh như: công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, chế tạo.

- Chưa những quy định cụ thể của nhà nước về các tiêu chí xây dựng, sử dụng, đánh giá, khen thưởng,... cho đội ngũ CBQL kinh tế tại địa phương và theo từng lĩnh vực.

- Sự tác động của toàn cầu hoá, ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không khỏ đến tư tưởng, hành động của một bộ phận CBQL kinh tế, có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,

sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, tham nhũng, vi phạm pháp luật...

2.4.3.2. Nguyên nhân chủ quan

- Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu về CBQL kinh tế và công tác cán bộ chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, toàn diện.

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cụ thể hoá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL kinh tế, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý kinh tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa kịp thời.

- Công tác điều tra, khảo sát thực trạng đội ngũ CBQL kinh tế trước khi ban hành chính sách phát triển đội ngũ CBQL kinh tế chưa sát thực tiễn, chưa phân loại cụ thể cán bộ của từng cấp, lĩnh vực, địa bàn để có giải pháp, lộ trình thực hiện. Chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách phù hợp, còn thiếu tin tưởng cán bộ trẻ cho nên kết quả thu hút trí thức trẻ và người có trình độ chưa đạt yêu cầu.

- Công tác kiểm tra, giám sát về công tác CBQL kinh tế có thực hiện nhưng chất lượng chưa cao nên vẫn còn một số trường hợp đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử không đảm bảo quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; từ đó đánh giá hiệu quả hoạt động của đội ngũ chưa khoa học, chính xác, vừa thiếu bình đẳng, làm nhụt chí phấn đấu, vừa tạo sức ì, cản trở việc bố trí kịp thời cán bộ có đức, có tài.

- Chưa có tiêu chí, cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng CBQL kinh tế, tạo động lực, bảo vệ cán bộ và thu hút, trọng dụng nhân tài; chính sách cán bộ còn bất cập, chưa phát huy tốt tiềm năng của cán bộ. Công tác quản lý cán bộ có nơi, có lúc bị buông lỏng; chưa có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người yếu kém, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, chưa có biện pháp hữu hiệu

để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực trong công tác cán bộ.

- Một bộ phận cán bộ làm chức năng QLNN về kinh tế chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm và chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà nước, có tư tưởng tìm cách để lợi dụng chức quyền dưới các hình thức khác nhau, gây bức đối với người dân. Tinh thần chủ động phối hợp, hiệp đồng tác nghiệp trong đội ngũ CBQL kinh tế của tỉnh trên các lĩnh vực, ở các đơn vị có lúc còn hạn chế.

- Trình độ, năng lực của nhiều CBQL kinh tế còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường ảnh hưởng đến hiệu quả công tác. Hơn nữa chưa chịu khó trong nghiên cứu chính sách chế độ nên khả năng tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiên các chính sách pháp luật của nhà nước còn hạn chế. Thiếu những CBQL giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực, nhất là đối với CBQL kinh tế một số lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ...

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ KINH TẾ TỈNH QUẢNG NAM. (Trang 50 -58 )

×