Đánh giá chung về tự do kinh doanh

Một phần của tài liệu Tài liệu Qui chế thương nhân ở Việt Nam (Trang 63 - 68)

III. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu

2.2.1. Đánh giá chung về tự do kinh doanh

Sau hơn một thập niên đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có bước ngoặt rõ rệt, phát triển, năng động và hiệu quả. Nhất là sau khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 được ban hành, môi trường kinh doanh ở Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn, các thành phần kinh tế trở nên bình đẳng hơn; khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh; các nhà đầu tư nước ngoài càng chú ý đến đầu tư vào Việt Nam. Luật Doanh nghiệp năm 1999 được thi hành góp phần phát huy nội lực trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế- xã hội. Tuy nhiên Luật Doanh nghiệp năm 1999 mới chỉ khơi dậy và khuyến khích được nguồn vốn đầu tư trong nước. Nhìn nhận một cách khái quát, Đạo luật này vẫn còn để lại một khoảng cách nhất định về chính sách khuyến khích đầu tư giữa các nhà đầu tư trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài; vẫn còn tồn tại những khiếm

khuyết lớn, tỏ ra thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp của thành phần kinh tế.

Trước sự thay đổi và phát triển của xã hội như vậy, ngày 29/11/2005 Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Doanh nghiệp 2005 điều chỉnh tất cả các loại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Thi hành Đạo luật này, Chính phủ ban hành Nghị định số 88 /2006/NĐ - CP ngày 29/08/2006 về đăng ký kinh doanh nhằm thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư và sự đơn giản hóa thủ tục cho việc thành lập doanh nghiệp và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc ban hành một Luật Doanh nghiệp thống nhất đã trở thành giải pháp cơ bản, cần thiết đáp ứng yêu cầu nội tại, khách quan của việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khai thác một cách có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho sự phát triển kinh tế, khơi dậy tính năng động của thương nhân, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Việc ban hành một đạo luật thống nhất để điều chỉnh các loại hình doanh nghiệp là một bước tiến quan trọng, tạo khung pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định, minh bạch và phù hợp, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế cho tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Nội dung của Luật Doanh nghiệp năm 2005 có một số điểm nổi bật như sau:

Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp 2005 đã qui định thêm một số hình thức

công ty tạo ra một hệ thống các hình thức công ty tương đối phù hợp với các hình thức công ty đang tồn tại trên thế giới. Qua đó nhà đầu tư có thể có nhiều lựa chọn khi muốn đầu tư kinh doanh. Việc qui định thêm các hình thức công ty này là kết quả của một sự đấu tranh lâu dài suốt từ năm 1990 tới năm 2005. Sau một vài năm thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước đã hết sức cố gắng xây dựng và ban hành Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân. Hai đạo luật này đã góp phần to lớn vào việc phát triển các doanh

nghiệp dân doanh, bước đầu tạo ra cơm no, áo ấm cho nhân dân. Tuy nhiên hai đạo luật này mới chỉ dừng lại ở việc đề cập tới ba hình thức kinh doanh- đó là: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, và doanh nghiệp tư nhân. Như vậy người đầu tư không có sự lựa chọn rộng rãi cho hoạt động đầu tư tìm kiếm lợi nhuận của mình. Nhận thức được sự hạn chế này, năm 1999, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp với nhiều hình thức công ty hơn, bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà thành viên đó là tổ chức, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Cho đến nay, dù chưa hoàn thiện, nhưng Luật Doanh nghiệp 2005 đã qui định các hình thức công ty sau: Công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà thành viên đó có thể là thể nhân hoặc pháp nhân, công ty cổ phần, công ty hợp danh, và doanh nghiệp tư nhân. Với sự mở rộng các hình thức công ty như vậy, tự do kinh doanh được mở rộng thêm, có nghĩa là việc thành lập công ty được dễ dãi hơn bởi sự lựa chọn hình thức công ty phong phú hơn.

Thứ hai, như trên đã nói, Luật Doanh nghiệp 2005 đã xóa bỏ sự phân

biệt trong việc tổ chức và hoạt động giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh. Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 bị loại bỏ. Và như vậy quyền tự do kinh doanh được bảo đảm bằng sự bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nếu không có sự bình đẳng này, người đầu tư tư nhân không dám mạnh dạn thành lập doanh nghiệp để kinh doanh bởi có thể gặp phải những thua thiệt do không cạnh tranh nổi với những doanh nghiệp nhà nước.

Thứ ba, Luật Doanh nghiệp 2005 đã có những nỗ lực trong việc đơn

giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp. Một trong những tư tưởng chỉ đạo xây dựng Luật Doanh nghiệp 2005 là:

“Đơn giản hóa thủ tục hành chính”, “kiên quyết xóa bỏ những qui định và thủ tục mang nặng tính hành chính và quan liêu, bao cấp, kìm hãm sự phát

triển của lực lượng sản xuất, gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp và nhân dân”; “giảm mạnh, tiến tới xóa bỏ sự phân biệt về chính sách và pháp luật giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài” [4, tr. 16].

Tư tưởng chỉ đạo này có ý nghĩa rất lớn cho việc thành lập doanh nghiệp nhìn từ giác độ tự do kinh doanh. Người đầu tư được tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi không chỉ cho việc hùn vốn, mà còn cho việc lựa chọn hình thức kinh doanh, ngành nghề kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận. So với Luật Công ty 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, thì đây là một bước tiến khá xa.

Có thể nói khi chưa có sự can thiệp của nhà nước và các hoạt động của thương nhân, thì hầu như con người không chịu sự ràng buộc nào trong việc quyết định mang tài sản của mình ra để kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Do đó thủ tục gia nhập thị trường có lẽ không tồn tại. Sự can thiệp của nhà nước trước hết để bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng đã tạo nên những thủ tục nhất định buộc thương nhân phải tuân thủ. Nếu việc xác định các mục tiêu bảo vệ bị lệch hướng theo chiều hướng tăng các mục tiêu cần bảo vệ, thì thủ tục cũng theo đó mà tăng lên. Thủ tục tỉ lệ nghịch với tự do, có nghĩa là tăng thủ tục thì giảm tự do. Vì vậy đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường là một khâu quan trọng thúc đẩy tự do kinh doanh.

Thứ tư, Luật Doanh nghiệp 2005 đã cải thiện đáng kể vấn đề quản trị

công ty. Chế định quản trị công ty hợp danh đã chi tiết, cụ thể và rõ ràng hơn. Chế định quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn cũng có những bước tiến đáng kể. Đặc biệt quản trị công ty cổ phần đã phần nào đáp ứng được các tiêu chuẩn của OECD. Các cổ đông nhỏ hay những người ít vốn trong công ty được bảo vệ một cách hợp lý. Như vậy các qui định này đã góp phần làm yên lòng những người đầu tư nhỏ, có nghĩa là bảo đảm phần nào đó tự do kinh doanh (một phương tiện kiếm sống quan trọng của người dân).

Thứ năm, Luật Doanh nghiệp 2005 đã chú ý thích đáng tới vấn đề tổ

hợp nhất doanh nghiệp đã được qui định khá cụ thể về điều kiện và thủ tục. Xét từ phương diện quyền tự do kinh doanh, các chế định này khá dễ dàng và thông thoáng bảo đảm cho khá tốt cho quyền tự do kinh doanh. Chẳng hạn Luật Công ty 1990 qui định khi chuyển đổi hình thức công ty phải theo nguyên tắc nhất trí (Điều 27), nhưng nay Luật Doanh nghiệp 2005 không đòi hỏi khắt khe như vậy.

Thứ sáu, Luật Doanh nghiệp 2005 đã đưa ra các qui định khá chi tiết về

việc quản lý nhà nước đối với việc thành lập, hoạt động và giải thể doanh nghiệp. Các qui định này khá cân đối giữa bảo vệ cho lợi ích cộng đồng và quyền tự do kinh doanh của công dân.

Nhìn tổng quát, nội dung của Luật Doanh nghiệp 2005 đã thể chế hóa

được những chủ trương của Đảng về hội nhập, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển các thành phần kinh tế, đã khắc phục được phần lớn những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2005 đã gỡ bỏ được hàng loạt rào cản đối với việc hình thành và phát triển doanh nghiệp, tiếp tục đóng góp lớn vào việc cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta hiện nay.

Trong Đạo luật này có một điều khoản cực kỳ quan trọng thể hiện rất rõ nét các tư tưởng trên và ủng hộ mạnh mẽ cho quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam, đồng thời có tính xuyên suốt mà không thể không nêu ra khi nghiên cứu về môi trường kinh doanh ở Việt Nam cũng như nghiên cứu về tự do kinh doanh. Điều khoản đó qui định:

“Điều 8. Quyền của doanh nghiệp

1. Tự chủ kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, đầu tư; chủ động mở rộng quy mô và ngành, nghề kinh doanh; được Nhà nước khuyến khích, ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

2. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn. 3. Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.

4. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.

5. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh. 6. Chủ động ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh.

7. Tự chủ quyết định các công việc kinh doanh và quan hệ nội bộ. 8. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.

9. Từ chối mọi yêu cầu cung cấp các nguồn lực không được pháp luật quy định.

10. Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. 11. Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo uỷ quyền tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

12. Các quyền khác theo quy định của pháp luật”.

Các qui định này tuy chưa đề cập trực tiếp tới vấn đề đăng ký kinh doanh, nhưng cho thấy khi doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì có đầy đủ quyền năng để tiến hành kinh doanh một cách thuận lợi, có hiệu quả và được Nhà nước bảo hộ. Việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh, hình thức kinh doanh trong các qui định trên gián tiếp cho thấy quyền của doanh nghiệp trong hoạt động đăng ký kinh doanh bởi việc lựa chọn này phải tiến hành khi đăng ký kinh doanh.

Một phần của tài liệu Tài liệu Qui chế thương nhân ở Việt Nam (Trang 63 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)