Kính thưa Chủ tọa kỳ họp, Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu dự án Luật Đặc xá, tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá. Tôi nhất trí và tán thành với Tờ trình của Chính phủ và sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá nhằm cụ thể hóa thẩm quyền của Chủ tịch nước về đặc xá theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật ở nước ta. Đặc biệt, sau 10 năm vận hành Luật Đặc xá đã bộc lộ những vấn đề bất cập, khó khăn trong thi hành luật, nhiều nội dung quy định trong dự án luật không phù hợp với tình hình thực tiễn của xu thế mới. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá lần này là cần thiết.
Về tên gọi của dự án luật. Tôi thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về tên gọi của dự án luật, đó là Luật Đặc xá (sửa đổi).
Thứ hai, những vấn đề cụ thể của dự án luật.
Một, về thời điểm đặc xá, quy định tại Điều 5. Khoản 1 Điều 5 luật này quy định "Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước". Theo tôi quy định như vậy chưa rõ ràng và cụ thể đối với sự kiện trọng đại và ngày lễ lớn của đất nước, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ sự kiện trọng đại là những sự kiện nào, mức độ trọng đại ra sao nhằm tránh tình trạng có sự vận dụng sự kiện này để thực hiện việc đặc xá một cách tràn lan, không tuân theo một nguyên tắc nào và sẽ dẫn đến làm giảm ý nghĩa, tính nhân văn, tính khoan hồng của nhà nước ta về đặc xá.
Vấn đề thứ hai, về ngày lễ lớn của đất nước, tại Điều 115 của Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: "Ngày lễ, tết của nước ta bao gồm: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, ngày Chiến thắng 30/4, ngày Quốc tế lao động 1/5, ngày Quốc khánh 2/9, ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch". Như vậy, nếu quy định của dự thảo luật trong những ngày nêu trên thì ngày nào là ngày lễ lớn, ngày nào là ngày lễ nhỏ, tôi đề nghị cần phải được làm rõ, theo Tờ trình của Chính phủ trong 10 năm thực hiện Luật Đặc xá hiện hành, Chủ tịch nước đã ban hành 7 quyết định đặc xá cho trên 87.000 phạm nhân, trong đó năm 2019 có 2 quyết định, 1 lần vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu và 79 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 1 lần vào dịp Quốc khánh 2/9. Các năm còn lại Chủ tịch nước ban hành quyết định vào các dịp Quốc khánh 2/9. Theo tôi, thời điểm đặc xá nên quy định rõ ràng và cụ thể hơn trong dự thảo luật đó là: "Chủ tịch nước quyết định đặc xá mỗi năm một lần vào ngày Quốc khánh 2/9 hoặc vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam". Quy định như vậy sẽ giúp cho các cơ quan liên quan có trách nhiệm chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc đặc xá một cách thuận lợi. Nếu quy định chung chung như trong dự thảo luật sẽ dẫn đến có sự vận dụng việc đặc xá một cách tùy tiện, tràn lan, làm mất đi ý nghĩa, tính nhân văn của việc đặc xá.
Hai, về điều kiện đặc xá quy định tại Điều 10, tôi cơ bản nhất trí với các nội dung quy định tại Điều 10 của dự thảo luật và một số ý kiến của đại biểu đã phát biểu trước tôi. Tại điểm b khoản 1 điều này quy định: "Phạm nhân đã chấp hành án phạt tù ít nhất 1/2 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn và sẽ xem xét đặc xá", tôi đồng tình, tuy nhiên đối với trường hợp án bị tù chung thân, dự thảo quy định: "Phạm nhân đã chấp hành án phạt tù ít nhất 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân, nếu sau khi đã được giảm án xuống phạt tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm án sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù". Tôi cho rằng quy định như vậy là chưa rõ ràng về mốc thời gian để xác định việc chấp hành án của phạm nhân, trước khi được xem xét đặc xá. Tôi đề nghị Ban Soạn thảo cần làm rõ hơn nội hàm của nội dung quy định này, tức là việc xác định thời gian chấp hành án phạt tù ít nhất 15 năm của phạm nhân bị phạt tù chung thân được tính bắt đầu từ thời điểm nào, từ khi bản án có hiệu lực phạt tù chung thân hay từ khi đã được giảm án xuống phạt tù có thời hạn. Nếu tính thời điểm từ bản án có hiệu lực phạt tù chung thân thì tôi cho rằng thời gian xem xét đặc xá với trường hợp này là chưa phù hợp vì sẽ không công bằng với những trường hợp phạm nhân phạt tù có thời hạn từ 30 năm trở lên. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.