Phạm Thành Tâm Hậu Giang

Một phần của tài liệu BienBan 11-6-2018s (Trang 35 - 36)

Kính thưa Chủ tọa phiên họp, Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi bày tỏ sự đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Đặc xá và tên của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) Chính phủ trình và các ý kiến đóng góp, phân tích của đại biểu phát biểu trước tôi. Tôi xin tham gia đóng góp cụ thể một số nội dung như sau:

Thứ nhất, điều kiện được đề nghị đặc xá ở Điều 10, tại điểm k khoản 2 Điều 10 dự thảo luật trình, trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định theo đề nghị của Chính phủ. Tôi đề nghị bỏ quy định ở điểm k khoản 2 điều này bởi lẽ trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước thì tại Điều 21 của dự thảo luật đã quy

định Chủ tịch nước quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 10 và Điều 11 của luật này.

Thứ hai, người đặc xá trong trường hợp đặc biệt ở Điều 21 dự thảo luật quy định trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 10 và Điều 11 của luật này. Tôi cho rằng quy định trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại là chưa thật sự rõ ràng về các tiêu chí xác định để Chính phủ và các cơ quan có liên quan tham mưu, trình Chủ tịch nước quyết định.

Mặt khác, theo Báo cáo số 162 ngày 27/4/2018 về tổng kết 10 năm thi hành Luật Đặc xá, qua 7 đợt đặc xá thì có tới 1.123 người đang hoãn, tạm đình chỉ chấp hành phạt tù được đặc xá trong trường hợp đặc biệt, trong đó nhiều lần có tới hàng trăm người thuộc diện này được đặc xá, ngoài 7 lần Chủ tịch nước đặc xá ở trên trong các năm 2014, 2015, 2016 Chủ tịch nước còn quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và một đối tượng đang tạm hoãn đình chỉ chấp hành án phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Qua số liệu trên, tôi nhận thấy số lượng người được hoãn, tạm đình chỉ, được đặc xá trong trường hợp đặc biệt lớn như vậy đã làm giảm đi ý nghĩa của việc đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại. Mặt khác công tác chuẩn bị cho đặc xá thời gian ngắn sẽ gặp khó cho cơ quan tham mưu. Do đó, đề nghị quy định cụ thể về tiêu chí, xác định như thế nào là "trong trường hợp đặc biệt" để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của nhà nước, để đảm bảo chặt chẽ và làm căn cứ triển khai thực hiện khắc phục hạn chế số lượng người được đặc xá lớn như thời gian qua.

Thứ ba, tại khoản 2 Điều 9 dự thảo luật quy định "sau khi quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước được công bố thì được niêm yết tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ", tôi đề nghị bổ sung thêm địa điểm niêm yết quyết định đặc xá của Chủ tịch nước tại "trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có phạm nhân được đặc xá" để địa phương kịp thời quản lý, theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người được đặc xá không mặc cảm với xã hội, sớm hòa nhập với cộng đồng, có cuộc sống ổn định để họ không tái phạm. Tôi xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Một phần của tài liệu BienBan 11-6-2018s (Trang 35 - 36)