Hoàng Văn Liên Long An

Một phần của tài liệu BienBan 11-6-2018s (Trang 33 - 34)

Kính thưa Quốc hội,

Vừa rồi tôi nghe các đại biểu Quốc hội phát biểu rất nhiều về vấn đề liên quan đến dự thảo luật. Có đại biểu nói về tỷ lệ tái phạm, vi phạm pháp luật thấp, sau khi đặc xá. Tôi xin phép được tranh luận về vấn đề này liên quan tới tái hội nhập cộng đồng, sau khi đặc xá và xin đề xuất một giải pháp hậu đặc xá như sau:

Theo báo cáo của Chính phủ thì 10 năm thi hành Luật Đặc xá có hơn 87.000 người được đặc xá, trong đó chỉ có 50.000 người kiếm được việc làm và có thu nhập ổn định. Đáng chú ý là có khoảng 37.000 người chưa có việc làm và số người vi phạm pháp luật, tái phạm là hơn 1.000 người. Như vậy, còn một số lượng lớn được đặc xá về địa phương, nhưng chưa có việc làm và chưa có thu nhập, có hơn 1 ngàn người vi phạm pháp luật và tái phạm. Tôi cho rằng đây là một vấn đề lớn liên quan đến công tác tái hòa nhập cộng

đồng cho người được đặc xá và quản lý người sau khi đặc xá. Việc người được đặc xá chưa thật sự tái hòa nhập với cộng đồng thì có nhiều yếu tố, trong đó có phần trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương và chính sách tái hòa nhập của chúng ta thực hiện chưa tốt.

Chúng ta cũng biết người được đặc xá chưa hòa nhập được với cộng đồng là một gánh nặng rất lớn đối với gia đình của họ, chính quyền địa phương và xã hội. Do đó, tôi trân trọng đề nghị cần có quy định về chính sách bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho những người được đặc xá vào dự thảo luật lần này để thực hiện đồng bộ với chính sách đặc xá, trong đó xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp và xã hội đối với công tác này. Đặc biệt, phải bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương và chính sách dạy nghề, hỗ trợ việc làm, công tác quản lý đối với đối tượng này, sau khi đặc xá để bảo đảm cho người được đặc xá được tái hòa nhập với cộng đồng một cách tốt nhất và trở thành công dân tốt cho xã hội. Xin hết.

Một phần của tài liệu BienBan 11-6-2018s (Trang 33 - 34)