1.3.1. Ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam
Huyện Thăng Bình có diện tích đất tự nhiên rộng, dân số đông, người dân sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp là chính, toàn huyện có 21 xã và 01 thị trấn, trong đó có 08 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và 01 xã miền núi đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135; có diện tích tự nhiên 385,6 km2; điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu không thuận lợi, làm cho sản xuất và đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn, ảnh
hưởng trực tiếp đến công tác giảm nghèo của huyện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 còn 4,85%, hộ cận nghèo năm 2015 còn 5,79%, cao so với mức bình quân chung của tỉnh. Số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo của Thăng Bình giảm là nhờ vào các chính sách của Trung ương, của tỉnh, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo, công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến các xã- thị trấn và một phần và nhờ vào công tác điều tra, rà soát hộ nghèo chính xác.
Công tác điều tra hộ nghèo là việc làm hằng năm, để công tác này thực hiện một cách có hiệu quả UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo và tổ công tác điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện; Ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, đồng thời tham mưu cho Huyện ủy có văn bản chỉ đạo cho các cấp ủy đảng của các xã, thị trấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm, Trong đó xác đinh trách nhiệm của các cấp ủy chi bộ ở các thôn và khối phố phải tập trung lãnh đạo điều tra ở địa bàn mình phụ trách đúng theo quy định. Chính vì làm tốt công tác nói trên tỷ lệ hộ nghèo của huyện Thăng Bình đến cuối năm 2018 còn 2,2%, hộ cận nghèo còn 1.06%.
1.3.2. Ở thành phố Tam kỳ, Quảng Nam
Kinh nghiệm giảm nghèo ở thành phố Tam Kỳ lại cho thấy tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo giảm nghèo là lấy xã hội hóa là chính, sự trợ giúp của Nhà nước chỉ là “bà đỡ”. Đồng thời tập trung làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững, từ đó nâng cao nhận thức cho người dân. Chính vì vậy, vai trò của Mặt trận, các đoàn thể quần chúng là hết sức quan trọng. Ủy ban Mặt trận, các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh đã có nhiều hình thức huy động giúp đỡ vốn, cây con giống, ngày công, kinh nghiệm sản xuất để hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo
năm 2018 (theo chuẩn mới đa chiều giai đoạn 2016 - 2020) tại Quyết định số 1267/QĐ-UBND ngày 24/11/2018 của UBND thành phố Tam Kỳ: Hộ nghèo: 365 hộ, 706 khẩu, chiếm tỷ lệ 1,21% (trong đó, hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội 251 hộ chiếm tỷ lệ 68,77% so với tổng số hộ nghèo). Nguyên nhân chủ yếu của hộ nghèo do già cả neo đơn 165 hộ; ốm đau nặng 60 hộ, khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng 69 hộ; đông người ăn theo 55 hộ.
1.3.3. Bài học rút ra từ các kinh nghiệm ở các địa phương:
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quyết tâm của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong việc điều hành và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các ban, ngành, hội đoàn thể từ huyện đến các xã- thị trấn. Đồng thời, phân cấp trách nhiệm nhiều hơn cho các địa phương. Phát huy vai trò của chính quyền và đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo.
Hai là, nâng cao vai trò của Mặt trận TQVN và các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư nhằm huy động nguồn lực để hỗ trợ cho người nghèo, vươn lên thoát nghèo.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện chính sách giảm nghèo của địa phương. Công tác tuyên truyền phong phú về nội dung, cách thức để chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo ra hiệu ứng sâu rộng.
Bốn là, thường xuyên quan tâm đến đội ngũ làm công tác giảm nghèo từ huyện đến cơ sở; tập trung làm tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phải chính xác. Làm tốt công tác đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện giảm nghèo. Ngoài ra, phải thường xuyên nghiên cứu, trao đổi với các địa phương khác trong tỉnh để học tập những kinh nghiệm, sáng tạo hay trong việc thực hiện công tác giảm nghèo.
Tiểu kết Chương 1
Thực tế hiện nay trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo, vai trò quản lý của nhà nước rất quan trọng và cần thiết. Việc quản lý của nhà nước đối với giảm nghèo bền vững tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau: ban hành quy định tạo lập khuôn khổ cho giảm nghèo; xây dựng bộ máy và nhân sự thực hiện giảm nghèo; tổ chức thực hiện các biện pháp giảm nghèo và kiểm soát việc thực hiện các chính sách này.
Trong nội dung Chương 1, đề tài đã tập trung phân tích và làm rõ khái niệm về nghèo đói, QLNN về giảm nghèo cũng như chuẩn mực nghèo đói hiện nay. Đề tài cũng đã hệ thống hóa và làm sáng tỏ cơ sở khoa học về QLNN về giảm nghèo. Những phân tích và kết luận ở Chương 1 sẽ làm cơ sở cho hoạt động đánh giá thực trạng QLNN về giảm nghèo trên địa bàn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam mà đề tài tập trung phân tích ở Chương 2.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIẢM NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN DUY XUYÊN, TỈNH QUẢNG NAM