Nghiên cứu và ứng dụng lai giống để nâng cao năng suất sinh sản của bò

Một phần của tài liệu Khả năng sinh sản của bò cái Lai Brahman được phối giống Droughtmaster, Charolais, Red Angus và sức sản xuất thịt của đời con nuôi tại tỉnh Quảng Ngãi (Trang 39 - 40)

Phần lớn các tính trạng sinh sản ở bò có hệ số di truyền thấp. Vì thế, lai tạo là giải pháp hiệu quả để nâng cao năng suất sinh sản. Tùy thuộc vào sự khác biệt về di truyền giữa các giống/dòng được sử dụng trong lai tạo và sự phối hợp khác nhau giữa các giống/dòng (công thức lai) mà mức độ ưu thế lai thu được ở đời con là khác nhau. Việc nghiên cứu và ứng dụng lai tạo nhằm nâng cao năng suất sinh sản của bò được thực hiện từ rất lâu trên nhiều giống ở các nước trên thế giới.

Suyadi và cs (2014) cho biết năng suất sinh sản của bò cái Peranakan Ongole (PO) là giống bò địa phương của Indonesia và con lai của nó Limousin × PO được nuôi ở miền Đông Java, bò PO có tuổi phối giống lần đầu muộn hơn so với bò Limousin × PO (21,9 so với 20,0 tháng) và không có sự khác biệt đáng kể về tính trạng thời gian động dục lai sau đẻ (4,89 so với 4,85 tháng) và khoảng cách lứa đẻ (14,51 và 14,34 tháng) giữa bò PO và bò Limousin × PO. Adhikary và cs (2021) thực hiện nghiên cứu lai tạo giữa bò cái bản địa của Bangladesh và bò đực Brahman, Sahiwal, Holstein cho biết tuổi phối giống lần đầu, tuổi đẻ lứa đầu của bò cái lai Brahman × bò bản địa là sớm nhất với 32,3 tháng, tiếp đến là bò cái lai Holstein × bò bản địa với 39,1 tháng, sau đó là bò cái lai Sahiwal × bò bản địa với 41,7 tháng, và trể nhất là bò cái bản địa với 43,5 tháng. Tuy nhiên, số liều tinh sử dụng cho một lần đậu thai cao nhất ở bò cái lai Brahman × bò bản địa với 1,7 liều và thấp nhất là bò bản địa với 1,4 liều. Kết quả cho thấy năng suất sinh sản của đàn bò cái lai tốt hơn so với bò cái thuần chủng, đặc biệt là bò cái lai Brahman × bò bản địa. Những kết quả này cho thấy so với giống thuần chủng thì qua quá trình lai tạo năng suất sinh sản của bò cái đã được cải thiện đáng kể ở thế hệ con lai.

Khotimah và cs (2018) nghiên cứu đánh giá năng suất sinh sản của bò cái Lai Brahman khi được phối tinh các giống Bali, Brahman, Limousin, và Simmental ở Indonesia cho biết số liều tinh sử dụng cho một lần mang thai trung bình là 1,48 liều. Số con mang thai khi sử dụng liều tinh đầu tiên là 69,3%. Tỷ lệ bò mang thai trung bình là 88,0%. Tỷ lệ sinh bê là 80,7% và khoảng cách lứa đẻ là 14,2 tháng. Alvarado và cs (2015) tiến hành lai tạo giữa bò nhiệt đới (Bos Indicus) và bò ôn đới (Bos Taurus) ở Mexico cho biết tỷ lệ máu bò Bos Taurus càng cao thì tuổi đẻ lứa đầu của bò cái càng sớm và khối lượng cai sữa của đàn con lai càng cao. Madalena và Hinojosa

(1976) cho biết bò cái Zebu có khoảng thời gian động dục lại sau khi đẻ dài hơn 57,8 ngày và từ khi đẻ đến khi phối giống thành công sau đẻ dài hơn 46,0 ngày so với bò cái lai Charolais × Zebu. Tỷ lệ xuất hiện động dục theo chu kỳ bình thường được phát hiện ở bò cái lai Charolais × Zebu là 72,9% cao hơn so với bò Zebu là 63,1%. Thời gian mang thai của bò cái Zebu và bò cái lai Charolais × Zebu lần lượt là 288,8 và 283,1 ngày. Các kết quả cho thấy khi sử dụng bò ôn đới lai tạo với bò nhiệt đới đã nâng cao năng suất sinh sản của đàn bò nhiệt đới.

Peacock và Koger (1980) nghiên cứu ảnh hưởng của giống và ưu thế lai đến năng suất sinh sản của bò cái Angus, Brahman, Charolais, Angus × Brahman, Angus × Charolais và Brahman × Charolais khi được phối giống Angus, Brahman và Charolais. Bò cái khi được phối giống Brahman, Charolais và Angus có tỷ lệ đẻ lần lượt là 90; 83 và 80% và tỷ lệ bê sống đến 24 giờ sau sinh lần lượt là 93; 91; 94%. Tỷ lệ đẻ của bò cái Angus × Brahman là cao nhất với 92% và thấp nhất là bò cái Angus và Angus × Charolais với 82%. Tỷ lệ bê sống đến 24 giờ sau sinh được sinh ra từ bò mẹ Angus là 86% và các giống bò mẹ khác dao động từ 92 – 96%. Kết quả cho thấy bố và mẹ đã có những ảnh hưởng khác nhau đến năng suất sinh sản của bò cái. Newman và Deland (1991) nghiên cứu năng suất sinh sản của bò cái Heroford × Shorthorn, Heroford × Holstein, Hereford × Jersey khi được thụ tinh với bò đực Sahiwal, Charolais, Simmental và Brahman cho biết, bò cái được phối tinh Charolais và Simmental sinh bê có khối lượng sơ sinh cao hơn, tỷ lệ đẻ thấp hơn và khoảng cách lứa đẻ dài hơn so với các bò cái được phối giống Sahiwal và Brahman. Bò cái Heroford × Holstein, Hereford × Jersey có tuổi động dục lần đầu sớm hơn, tỷ lệ đẻ cao hơn và khoảng cách lứa đẻ ngắn hơn so với bò cái Heroford × Shorthorn. Williams và cs (1990) khi thực hiện nhân gống thuần chủng các giống bò Angus, Brahman, Charolais, Hereford, và lai hai giống Angus × Brahman, Charolais × Brahman và Hereford × Brahman lai ba giống AngusBrahman × Charolais, AngusBrahman × Hereford và CharolaisHereford × Brahman và lai bốn giống AngusBrahman × CharolaisHereford cho biết các tổ hợp lai luân chuyển có xu hướng vượt trội hơn so với nhân giống thuần chủng về khối lượng bê sơ sinh, tỷ lệ sinh bê, tỷ lệ đẻ khó, tỷ lệ bê sống 24 giờ sau sinh và tỷ lệ bê cai sữa. Như vậy, so với nhân giống thuần chủng thì lai giữa 2 giống, 3 giống hay 4 giống đã đem lại ưu thế lai cao đối với tính trạng sinh sản cho thế hệ sau do có được ưu thế lai của mẹ lai hoặc bố lai hay ưu thế lai của cả bố và mẹ lai kết hợp với ưu thế lai cá thể.

Một phần của tài liệu Khả năng sinh sản của bò cái Lai Brahman được phối giống Droughtmaster, Charolais, Red Angus và sức sản xuất thịt của đời con nuôi tại tỉnh Quảng Ngãi (Trang 39 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(157 trang)
w