Tính biệt là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến khả năng sản xuất của bò. Mahbubul và Hoque (2020) nghiên cứu trên bê lai 50% máu Brahman cho biết khối lượng sơ sinh, 12 và 24 tháng tuổi ở con đực lần lượt là 23,9; 265,7 và 576,4 kg, trong khi đó ở con cái lần lượt là 22,9; 251,1 và 513,3 kg. Papry và cs (2020), Hernandez và cs (2015), Haque và cs (2016) nghiên cứu trên bê lai Brahman cho biết năng suất sinh trưởng và tăng khối lượng bình quân hằng ngày của bê đực cao hơn bê cái ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Các kết quả này được giải thích là do ảnh hưởng của sự khác biệt về nội tiết tố trong chức năng nội tiết và sinh lý. Đồng thời, thời gian mang thai con đực của bò mẹ dài hơn so với mang thai con cái. Nên con đực phát triển mạnh hơn và đạt khối lượng trưởng thành lớn hơn trong khi con cái có tốc độ tăng trưởng chậm hơn và đạt đến độ trưởng thành ở kích thước nhỏ hơn. Ngoài ra, con đực có khung xương lớn hơn góp phần vào khối lượng cơ thể nặng hơn con cái (Koger và Knox, 2009).
Giới tính không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của bò, mà còn ảnh hưởng đến năng suất thịt. Li và cs (2014) nghiên cứu ở bò lai F1 (Angus × bò Vàng Trung Quốc) cho biết tỷ lệ thịt xẻ ở bò đực là 54,0% và bò cái là 52,75%. Tỷ lệ thịt tinh so với khối lượng thịt xẻ ở bò đực là 64,29%, trong khi đó ở con cái là 62,78%. Độ dày mỡ lưng, diện tích mắt thịt được đo ở giữa xương sườn 12 và 13 ở con đực là 1,10 cm và 65,71cm2, tương tự con cái là 0,76 cm và 59,3 cm2. Ngoài ra, Rodriguez và cs (2018), Vaz và cs (2010) cũng cho biết bò đực có tỷ lệ thịt xẻ, chiều dài thân thịt và diện tích mắt thịt đều cao hơn so với bò cái. Tuy nhiên, thân thịt của con cái có sự phân bố mỡ dắt đồng đều hơn và màu mỡ vàng hơn so với thân thịt của con đực. Qua các kết quả nghiên cứu trên ta thấy năng suất sản xuất thịt ở con đực bao giờ cũng cao hơn con cái.
Sinh trưởng và năng suất thịt của bò ngoài chịu sự ảnh hưởng di truyền, lai tạo, dinh dưỡng, tính biệt thì còn chịu ảnh hưởng bởi mùa vụ, hệ thống chăn nuôi, … Manzi và cs (2018), Thiwarat Koon và cs (2018) đã đưa ra nhận định có sự ảnh hưởng đáng kể của mùa vụ đến tăng khối lượng của bê/bò từ cai sữa đến 18 tháng tuổi. Rashid và cs (2016), Savoia và cs (2019) cho biết khối lượng trung bình ở các lứa tuổi, tỷ lệ thịt xẻ, tỷ lệ thịt tinh, diện tích mắt thịt, độ dày mỡ lưng của bò được nuôi trong hệ thống chăn nuôi thâm canh luôn cao hơn ở bán thâm canh.