Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Chi nhánh

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) quản trị rủi ro tín dụng trong cho vay khách hàng cá nhân tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam – chi nhánh yên phong (Trang 103 - 105)

6. Kết cấu luận văn

3.2.5.Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Chi nhánh

Đội ngũ cán bộ luôn là yếu tố quyết định hiệu quả mọi hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính là nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ ngân hàng nói chung và nghiệp vụ tín dụng nói riêng nhằm mang lại kết quả kinh doanh tốt nhất cho ngân hàng, giảm thiểu tổn thất có thể xảy ra. Trong giải pháp này, cần chú trọng một số nội dung sau:

- Cải tiến khâu tuyển dụng, bố trí cán bộ: Đây là khâu đầu vào quan trọng, do vậy cần xây dựng và công khai các tiêu chuẩn cơ bản để tuyển chọn cán bộ tín dụng, cán bộ kiểm soát, không chỉ có kiến thức về mặt chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng mà còn có cả những kiến thức về mặt xã hội, kiến thức về luật pháp, sức khoẻ, khả năng giao tiếp… có như vậy thì mới có thể tuyển dụng được những nhân viên giỏi, có khả năng làm việc. Đồng thời, bố trí cán bộ vào các vị trí công việc phù hợp với năng lực trình độ chuyên môn khai thác tối đa hiệu quả công việc. Sau khi cán bộ được tuyển dụng, Chi nhánh nên bố trí thời gian đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ mới, khi đã đánh giá là đạt tiêu chuẩn thì mới cho làm công tác tín dụng nhằm giảm rủi ro trong hoạt động cho vay của ngân hàng.

- Cần có sự đánh giá chất lượng, kết quả tập huấn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Chi nhánh. Trong thời gian qua, công tác bồi dưỡng cán bộ, trong đó có cán bộ tín dụng được thực hiện hàng năm, chủ yếu thông qua các buổi tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, mở lớp học đào tạo nghiệp vụ ngân hàng cơ bản…Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả của các buổi học này chưa được thực hiện thường xuyên. Chi nhánh cần có cách thức đánh giá kết quả các buổi học, nếu không công tác đào tạo này chỉ mang tính hình thức. Việc đánh giá sẽ giúp Chi nhánh đưa ra nội dung học, phương pháp, thời gian, đối tượng học để nâng cao hiệu quả, đạt được mục đích của công tác đào tạo.

- Ngoài ra, Chi nhánh cần tăng cường thời gian giao lưu cán bộ làm công tác tín dụng với các ngân hàng khác để có thể học hỏi những kinh nghiệm thực tiễn khi thực hiện cho vay. Thông qua việc giao lưu này có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức. Điều này khá quan trọng, bởi lẽ trong công tác cho vay kinh nghiệm đóng một vai trò hết sức quan trọng.

- Yêu cầu các cán bộ tín dụng phải tự mình tìm hiểu, nắm bắt các thông tin về khách hàng, thông tin kinh tế - xã hội, thị trường, giá cả…nhằm có những kiến thức tổng hợp phục vụ cho công tác cho vay (nhất là tìm hiểu trên tạp chí Thông tin tín dụng, thực tế rất ít cán bộ tín dụng đọc các loại tài liệu nảy trong khi nó rất hữu ích cho công tác cho vay). Thông tin trên các phương tiện truyền thông đôi khi là đầu mối khá quan trọng để cán bộ tín dụng sử dụng trong hoạt động cho vay của mình. Yêu cầu mỗi cán bộ phải nâng cao tính chính xác trong tác nghiệp, nhất là trong kỹ thuật nghiệp vụ và trách nhiệm của cán bộ trong hoạt động cho vay.

- Rèn luyện, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, thực hiện tốt Chuẩn mực văn hóa Agribank để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Để làm được điều này, Chi nhánh cần thực hiện tốt công tác thưởng, phạt đối với cán bộ, phải rõ ràng, gắn kết hiệu quả làm việc với tiền lương, thưởng. Đối với cán bộ có thành tích tốt, cần biểu dương, khen thưởng cả về vật chất lẫn tinh thần tương xứng với kết quả họ mang lại, thậm chí có thể đề xuất nâng lương trước hạn hoặc đề bạt, bổ nhiệm lên vị trí cao hơn. Đối với cán bộ có sai phạm, tuỳ theo tính chất, mức độ mà có thể giáo dục hoặc phải xử lý kỷ luật. Thông qua đó nâng cao được tinh thần trách nhiệm của cán bộ đối với công việc và hiệu quả làm việc.

- Tăng cường năng lực điều hành hoạt động của Ban lãnh đạo. Lãnh đạo Chi nhánh hay phòng giao dịch phải là những người có năng lực điều hành, quản trị nhân sự tốt và có kiến thức tổng hợp về nghiệp vụ ngân hàng. Thông qua đó, việc bố trí đúng người, đúng việc mới đảm bảo thực hiện được tốt, nhờ đó việc điều hành công tác tín dụng được thực hiện theo đúng qui định của pháp luật, NHNN và của Agribank, đối phó được với những khó khăn trong hoạt động cho vay. Người lãnh đạo cũng cần có tư cách đạo đức tốt để đảm bảo hoạt động tín dụng hiệu quả, an toàn. Do vậy, bản thân người lãnh đạo của Chi nhánh, phòng giao dịch cũng phải thường xuyên học tập, tự nâng cao trình độ chuyên môn, tích luỹ kinh nghiệm quản trị của mình nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh doanh nói chung, hoạt động tín dụng nói riêng.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) quản trị rủi ro tín dụng trong cho vay khách hàng cá nhân tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam – chi nhánh yên phong (Trang 103 - 105)