vấn đề tôn giáo
+ Khắc phục dần ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo trong đời sống xã hội gắn liền với công cuộc cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới. Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội nên để thay đổi ý thức xã hội, trước hết, cần làm thay đổi tồn tại xã hội, muốn xoá bỏ ảo tưởng nảy sinh trong tư tưởng con người phải xoá bỏ nguồn gốc gây nên những ảo tưởng ấy. Chủ nghĩa Mác Lênin khẳng định: muốn xóa bỏ được thiên đường hư ảo tồn tại trong đầu óc của quần chúng thì phải từng bước xây dựng được một thiên đường có thật trên thế giới. Đó là một quá trình lâu dài, gắn với công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và trí tuệ cho con người. Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù về phương diện thế giới quan thì thế giới quan duy vật và thế giới quan tôn giáo là đối lập nhau. Nhưng
183 quan điểm của Chủ nghĩa Mác Lênin là không xem thường hoặc trấn áp những nhu cầu tín ngưỡng hợp pháp của nhân dân, luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân. Vì vậy, khắc phục ở đây không phải là khắc phục tôn giáo nói chung, mà là khắc phục mặt tiêu cực của tôn giáo. Yếu tố tiêu cực lớn nhất là mê tín dị đoan và sự lợi dụng tôn giáo của các thế lực phản động. Việc khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo phải được tiến hành dần dần, từ từ, không được nôn nóng.
+ Tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của công dân. Nguyên tắc này một mặt xuất phát từ bản chất, nguồn gốc, tính chất của tôn giáo, vào đặc điểm của sự chuyển biến tư tưởng của con người là chuyển biến tự giác; mặt khác xuất phát từ bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, từ thực tế tôn giáo là vấn đề tế nhị, nhạy cảm, nếu bị xúc phạm sẽ có những phản ứng gay gắt. Nội dung của nguyên tắc này là: Bất kỳ ai cũng được hoàn toàn tự do theo hoặc không theo một tôn giáo nào; việc theo đạo, chuyển đạo hay bỏ đạo trong khuôn khổ quy định của pháp luật hiện hành là quyền tự do của mỗi người; Nhà nước xã hội chủ nghĩa thừa nhận và bảo đảm cho mọi công dân có hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi, không có sự phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; các tôn giáo được Nhà nước thừa nhận đều bình đẳng trước pháp luật; nghiêm cấm lợi dụng tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan và hoạt động chính trị phản động.
+ Thực hiện đoàn kết tôn giáo. Đoàn kết giữa những người theo với những người không theo một tôn giáo nào, đoàn kết các tôn giáo hợp pháp, chân chính, đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghiêm cấm mọi hành vi chia rẽ vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. V.I.Lênin nhấn mạnh, những lời tuyên chiến ầm ĩ với chủ nghĩa duy tâm, những mệnh lệnh ngăn cấm tín ngưỡng, tôn giáo là những hành vi dại dột, vô chính phủ, làm cho kẻ thù lợi dụng để kích động tình cảm tôn giáo của tín đồ, làm cho họ ngày càng gắn bó với tôn giáo, xa lánh, thậm chí đi đến chống lại công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đương nhiên như vậy không có nghĩa là coi nhẹ việc giáo dục chủ nghĩa vô thần khoa học, thế giới quan duy vật cho toàn dân, trong đó có những tín đồ tôn giáo, việc làm đó góp phần nâng cao trình độ kiến thức cho toàn dân.
184 + Cần phân biệt rõ hai mặt chính trị và tư tưởng trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo. Đây là việc cần thiết, bởi bản thân tôn giáo nào cũng gồm hai mặt này và phân biệt để tránh hai khuynh hướng hữu khuynh hoặc tả khuynh trong giải quyết vấn đề tôn giáo. Thực chất của việc phân biệt mặt chính trị và mặt tư tưởng trong tôn giáo là phân biệt hai mâu thuẫn tồn tại trong bản thân tôn giáo: mâu thuẫn chính trị và mâu thuẫn nhận thức. Mâu thuẫn chính trị phản ánh lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc, giữa giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột, giữa quần chúng nhân dân lao động và những kẻ lợi dụng tôn giáo vì mục đích phản động - đây là mâu thuẫn đối kháng. Mâu thuẫn này hiện nay được biểu hiện ở việc một số phần tử phản động đội lốt tôn giáo chống lại sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân. Mâu thuẫn nhận thức phản ánh mâu thuẫn nội bộ giữa người có đạo và người không có đạo, giữa những người theo các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau - đây là mâu thuẫn không đối kháng, nó được thể hiện ở tín ngưỡng của con người. Vì vậy, cách giải quyết hai mâu thuẫn này khác nhau. Với mâu thuẫn chính trị (mặt chính trị) phải bằng biện pháp tổng hợp: giáo dục, thuyết phục, hành chính, mệnh lệnh, cưỡng chế, thậm chí cả bạo lực khi việc lợi dụng tôn giáo vì mục đích chính trị rõ ràng. Với mâu thuẫn nhận thức (mặt tư tưởng) phải kiên trì, lâu dài, gắn với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào có tín ngưỡng.
+ Phải có quan điểm lịch sử cụ thể khi giải quyết vấn đề tôn giáo. ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, vai trò, tác động của từng tôn giáo đối với đời sống xã hội không giống nhau. Quan điểm, thái độ của các giáo hội, giáo sĩ, giáo dân về các lĩnh vực của đời sống xã hội luôn có sự khác biệt. Vì vậy, cần có quan điểm lịch sử cụ thể khi xem xét, đánh giá và ứng xử đối với những vấn đề có liên quan đến tôn giáo, như V.I.Lênin đã nhắc nhở “người mácxít phải biết chú ý đến toàn bộ tình hình cụ thể”57. Trên cơ sở những quan điểm chung ấy, căn cứ vào tình hình tôn giáo thực tế mà các Đảng cộng sản xây dựng, hoạch định chính sách tôn giáo phù hợp để giải quyết đúng đắn vấn đề tôn giáo ở nước mình.