Phân tích mối quan hệ Chi phí Khối lượng Lợi nhuận

Một phần của tài liệu KT01004_NguyenDoanDung4C (Trang 39 - 41)

2.3. Kế toán chi phí, doanh thu, kết quả hoạt động kinh doanh trong các doanh

2.3.4. Phân tích mối quan hệ Chi phí Khối lượng Lợi nhuận

Phân tích mối quan hệ chi phí – khối lượng - lợi nhuận là một kỹ thuật được sử dụng để đánh giá ảnh hưởng của những thay đổi về chi phí, giá bán và sản lượng đối với lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chi phí sử dụng trong nội dung phân tích này cần được phân loại theo cách ứng xử, tức là chi phí phải phân ra thành biến phí và định phí. Theo đó, phần định phí (bao gồm cả định phí sản xuất chung trong các doanh nghiệp sản xuất) được xem là chi phí thời kỳ để xác định kết quả kinh doanh. Việc phân loại chi phí theo cách ứng xử giúp nhà quản trị có thể ra các quyết định nhanh trên cơ sở các độ nhạy cảm khác nhau của thị trường. Đây là một lợi thế mà các cách phân loại chi phí khác không đáp ứng được.

Khối lượng là chỉ tiêu phản ánh mức bán hàng của doanh nghiệp. Khối lượng có thể đo lường bằng số lượng sản phẩm tiêu thụ hoặc doanh thu tiêu thụ. Lợi nhuận là chỉ tiêu phản ánh phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí. Khác với kế toán tài chính, lợi nhuận trong kế toán quản trị có thể trình bày theo nhiều hướng khác nhau để đáp ứng những nhu cầu thông tin nào đó khi ra quyết định. Trong nội dung phân tích này, lợi nhuận có thể phản ánh qua chỉ tiêu: số dư đảm phí, lợi nhuận thuần, hoặc lợi nhuận kinh doanh.

Nhà quản trị thường phải phân tích, đánh giá sự ảnh hưởng của các biến động về biến phí, định phí, đơn giá bán, khối lượng sản phẩm bán ra, kết cấu chi phí... liên quan đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong trường hợp có nhiều phương án kinh doanh buộc nhà quản trị doanh nghiệp phải quyết định lựa chọn phương án nào tối ưu nhất cho doanh nghiệp.

Điểm hòa vốn là điểm mà tại đó tổng doanh thu bằng tổng chi phí.

Từ phương trình cơ bản thể hiện mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận:

Doanh thu = Biến phí + Định phí + Lợi nhuận (2.8)

Ta có:

Doanh thu - Biến phí - Định phí = Lợi nhuận (2.9)

Hay:

Số dư đảm phí - Định phí = Lợi nhuận (2.10)

Theo khái niệm trên, doanh thu vừa đủ bù đắp chi phí, nghĩa là lợi nhuận bằng không. Hay là tại điểm hòa vốn số dư đảm phí bằng định phí.

Nghiên cứu điểm hòa vốn giúp nhà quản trị xem xét quá trình quản trị kinh doanh một cách chủ động và tích cực, xác định rõ ràng vào lúc nào trong quá trình kinh doanh hay ở mức sản xuất và tiêu thụ bao nhiêu thì đạt điểm hòa vốn, từ đó có biện pháp chỉ đạo kịp thời để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao.

Điểm hòa vốn có thể xem xét dưới các góc độ khác nhau, có thể là sản lượng bán ra, doanh thu tiêu thụ hoặc khoảng thời gian cần thiết để doanh nghiệp có doanh thu vừa đủ bù đắp tổng chi phí. Mỗi chỉ tiêu có một ưu thế khác nhau đối với nhà quản trị. Tuy nhiên chúng đều là các chỉ tiêu ràng buộc nhau và có thể tính toán xác định qua lại từ chỉ tiêu này tới chỉ tiêu khác.

CHƯƠNG 3

THỰC TRẠNG KẾ TOÁN DOANH THU, CHI PHÍ VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN VIMECO

Một phần của tài liệu KT01004_NguyenDoanDung4C (Trang 39 - 41)