V. Nhân vật, di tích tiêu biểu
3. Thành nhà Hồ
Nhà Hồ tuy nắm quyền trong thời gian ngắn ngủi nhưng đã kịp để lại một công trình kiến trúc quan trọng. Đó là thành nhà Hồ.
Tòa thành này được Hồ Quý Ly cho xây từ trước khi đoạt ngôi nhà Trần vào năm 1397. Vào năm ấy, Hồ Quý Ly sai Thượng thư Lại bộ là Đỗ Tỉnh đến động An Tôn (Thanh Hóa) khảo sát thực địa rồi xây thành và cung điện. Thành xây trên địa phận ấy nên được gọi là thành An Tôn. Ngày nay, thành nhà Hồ thuộc hai xã Vinh Long và Vinh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Thành xây xong, Hồ Quý Ly cho đổi trấn Thanh Hóa thành trấn Thanh Đô và bức vua Trần Thuận Tông bỏ Thăng Long dời đô về đấy (1397). Năm sau, Hồ Quý Ly ép vua phải nhường ngôi cho con là Trần án, mới ba tuổi. Trần án lên ngôi tại thành An Tôn. Từ đấy thành An Tôn được xem như kinh đô mới và được đổi tên là Tây Đô.
Vào năm 1400, sau khi phế Trần án, lên làm vua, Hồ Quý Ly cũng đóng đô ở đấy. Tây Đô được đổi tên thành Quốc Đô. Cũng từ đây Hồ Quý Ly điều hành đất nước, đưa ra những chương trình cải cách của mình. Các khoa thi năm Canh Thìn (1400), năm ất Dậu (1400) đều được tổ chức tại đây. Cũng từ đây, Hồ Hán Thương cầm đầu đại binh xuất phát từ cửa chính Nam lên đường tấn công Champa, lấy được hai đất Chiêm Động và Cổ Lũy (1402).
Cuộc chiến kháng Minh của nhà Hồ thất bại, quân Minh vào chiếm lấy Quốc Đô, đổi tên Quốc Đô thành phủ Thanh Hóa. Đến sau khi Lê Lợi chiến thắng quân Minh, lên ngôi vua, đóng đô tại Đông Kinh (Thăng Long), thành Thanh Hóa được trở lại tên cũ của thời nhà Trần là Tây Đô. Vào thờ nhà Nguyễn, nhiều địa danh tỉnh, huyện, thành, l?sở được thay đổi để phù hợp với chế độ chính trị của triều Nguyễn. Thành Thăng Long được đổi thành tỉnh Hà Nội, thành Tây Đô lấy tên của làng ở phía cửa Tây của thành là Tây Nhai. Đến đời Minh Mạng (1820-1840) lại đổi thành Tây Giai.
Tên thành nhà Hồ mới xuất hiện sau này, từ khi triều đại nhà Hồ được xem là triều đại chính thống trong lịch sử.
Theo mô tả của các sách sử cũ thì trong thành nhà Hồ đã từng có nhiều công trình kiến trúc như điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ, cung Phù Cực, Thái Miếu... Nhưng hiện nay không còn một dấu tích gì đáng kể. Chỉ còn tồn tại bức tường thành đồ sộ, chu vi dài tới hơn 3 km, cao trung bình 5-6m.
Thành nhà Hồ được xây với một bình đồ gần vuông. Chiều dài (Bắc và Nam) có 90m, chiều rộng (Đông và Tây) hơn 700m. Bốn mặt thành đều còn tương đối đủ. Mặt ngoài ốp đá, phía trong là tường đất đắp thoải xuống để quân lính di chuyển dễ dàng. Nét đặc sắc của các bức tường thành này là phần ốp bằng những khối đá xanh ở bên ngoài. Các khối đá được đẽo vuông vức, phần nhiều có chiều dài là 1,4m, rộng 0,7m và dày 1m. Riêng ở cửa Tây có những khối đá rất to, dài đến 5,1m, cao và dày 1,2m, nặng hơn 15 tấn. Các khối đá được xếp theo hình chữ công chồng lên nhau, tạo nên độ dốc thẳng đứng ở mặt ngoài, gây trở ngại đến mức tối đa cho kẻ địch muốn vượt thành.
Đá được lấy ở dãy núi đá cách thành về phía Nam chừng vài cây số. Đá được chế tác, đẽo gọt tại đây rồi mới được vận chuyển về thành.
Người xưa đã vận chuyển và chồng những khối đá to lớn và nặng nề ấy như thế nào? Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những hòn bi bằng đá ở quanh thành và đưa ra giả thuyết là người xưa có thể sử dụng các hòn bi đá này để di chuyển đá. Khối đá được đặt trên các hòn bi đá, người vận chuyển dùng đòn bẩy để bẩy cho đá trượt trên các hòn bi ấy. Sau khi đã trượt qua một số hòn, người ta lại đem bi đặt đón phía trước cho khối đá tiếp tục trượt qua. Và cứ thế, khối đá nhích lần lần đến nơi. Ngoài ra còn có giả thuyết cho là đá được vận chuyển bằng những chiếc cộ, tức là loại xe bốn bánh bằng gỗ, bên trên có sàn để hàng hóa.
Còn việc xếp chồng các khối đá lên nhau theo hình chữ công lại được phối hợp với việc đắp
tường đất bên trong. Tường đất được đắp thành những con đường thoai thoải để bẩy đá lên được dễ dàng, sau đó các khối đá được xếp, lớp sau chồng lên lớp trước. Công việc này rất nặng nhọc và đã gây ra tai nạn. Người ta đã tìm thấy một bộ xương người ở một chỗ tường đá lở. Hẳn là người xấu số ấy bị đè giữa hai khối mà đồng đội không thể nào lấy thây ra được vì khối đá quá nặng.
Trước kia, trên mặt thành có phần gạch xây lên bên trên mặt đá theo lệnh của Hồ Hán Thương (1401), nhưng ngày nay không còn nữa. Nhiều đoạn mặt thành bị phá lấy đá, chiều cao chỉ còn 0,5m. Có đoạn mất hẳn.
Thành có bốn cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi cửa đều ở vị trí chính giữa các mặt thành và được xây thành vòm cuốn bằng đá khối, kích thước rất lớn. Riêng cửa Nam là cửa chính, lại có đến ba vòm cuốn, vòm giữa to hơn hai vòm hai bên. Cửa Nam là cửa lớn nhất, rộng 38m, coa hơn 10m, xây nhô ra ngoài tường thành 4m. Cả ba vòm cuốn đều rộng 5,8m. Vòm cửa giữa cao 8,5m, hai vòm bên cao 7,8m. Phía trên cửa Nam có lát đá bằng phẳng, nguyên là nền của lầu cửa, nơi vua ngự để duyệt binh hoặc chủ trì các nghi lễ.
Các cửa Đông, Tây và Bắc rộng 5,8m, sâu khoảng hơn 13m, cao 5,4m. Mỗi vòm cuốn đều có hai cánh cửa gỗ nặng, dầy và chắc. Dấu vết của các cánh cửa ấy là những lỗ đục vào đá và những lỗ cối lắp ngưỡng cửa.
Có thể giải thích cách xây các vòm cuốn như sau: Trước hết, đất được đắp thành hình vòm cửa, sau đó đá mới được xếp lên. Đá ghép vòm được đẽo theo hình múi bưởi. Các chất kết dính được miết vào các khe hở. Xây xong, phần đất bên trong được moi ra để lộ vòm cuốn.
Thành được bao quanh bốn mặt bởi một con hào rộng đến 50m, nhưng ngày nay nhiều chỗ đã bị lấp. Đường qua hào chạy thẳng vào bốn cửa thành được xây cống gạch. Hiện nay ở cửa Tây còn loại cống gạch này.
Thành còn có một vòng tre gai bao quanh về phía Tây và phía Bắc, còn phía Nam và Đông có một lũy đất cách vòng hào khoảng 1km. Lũy khá lớn, chạy suốt hai phía mặt thành. Tất cả tạo thành một hệ thống tuyến phòng ngự tiền duyên, bảo vệ cho thành.
Thành nhà Hồ được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa vào đợt đầu tiên, năm 1962. Thành được quy định làm hai khu vực: Khu vực bất khả xâm phạm là toàn bộ bức thành. Tuy đã được quy định bằng văn bản, nhưng khu tích này vẫn bị xâm phạm. Cần thiết phải có biện pháp bảo vệ di sản văn hóa này tích cực hơn.