xuất khẩu thủy sản
3.3.1. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sang EU
Để có thể nắm bắt và có đầy đủ thông tin về thị trường EU, các doanh nghiệp cần chủ động mở các kênh tiếp cận thông tin, thu thập thông tin từ nhiều nguồn, đảm bảo được tính chính xác và độ tin cậy cao. Đồng thời, doanh nghiệp cần có đội ngũ cán bộ chuyên trách đảm nhiệm việc nghiên cứu thị trường. Đối với các doanh nghiệp lớn khi đã có chỗ đứng trên thị trường cần thiết lập văn phòng đại diện tại EU để có những thông tin mới nhất và đảm bảo nắm bắt được các cơ hội kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mà đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới tham gia vào hoạt động xuất khẩu cần tăng cường và tích cực tham gia các hội chợ triển lãm để quảng bá sản phẩm, tiếp cận thông tin thị trường, nhu cầu, đối thủ cạnh tranh và tìm kiếm bạn hàng. Theo đó, các doanh nghiệp nên có sự lựa chọn hội chợ để tham gia, cách tốt nhất vẫn là lựa chọn các hội chợ chuyên ngành giúp cho sản phẩm dễ dàng tiếp cận được với người tiêu dùng đồng thời các thông tin về sản phẩm cũng được chú ý hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia hội chợ cần có sự lựa chọn hàng mẫu trưng bày phù hợp với xu hướng tiêu dùng, lựa chọn các thiết kế gian hàng, catalogue, quà tăng, các tài liệu quảng bá hình ảnh sản phẩm....
Hoạt động xúc tiến xuất khẩu sang EU là công việc chính của doanh nghiệp nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và sản phẩm thủy sản Việt Nam dễ dàng thâm nhập và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường EU, Nhà nước nên thực hiện một số hoạt động:
- Đẩy mạnh xây dựng chiến lược phát triển trên thị trường EU thông qua việc đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận thương mại song phương nhằm tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu.
- Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, hội chợ trong nước, hội thảo chuyên đề thị trường giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận trực tiếp với thị trường, trực tiếp tìm hiểu nhu cầu thị trường và trực tiếp giao dịch với các nhà nhập khẩu chính của thị trường EU thông qua hỗ trợ thông tin, tổ chức hội chợ trong và ngoài nước, đơn giản hóa thủ tục khi đưa hàng đi triển lãm quốc tế...
- Mở rộng quan hệ với các tổ chức xúc tiến thương mại của EU, đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng và tổ chức xúc tiến thương mại ở các thành phố lớn để trao đổi thông tin và giúp đỡ cho các doanh nghiệp trong nước sang tìm kiếm đối tác.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường EU và thông tin phục vụ các doanh nghiệp trong nước thông qua hoạt động của các cơ quan Thương vụ tại EU và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).
3.3.2. Tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp
Thị trường EU là một thị trường rộng lớn với nhiều quốc gia có nhu cầu khác nhau về sản phẩm thủy sản. Việc mỗi một doanh nghiệp tự xây dựng cho mình một chiến lược tiếp cận riêng là không thực tế bởi gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính, thu thập thông tin, tìm hiểu thị trường, nguồn lực bị dàn trải, đơn thương độc mã trong các tranh chấp thương mại, thiếu khả năng cạnh tranh....Để có thể sự phát triển bền vững, thâm nhập được vào thị trường EU thì các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần hướng tới việc xây dựng một chiến lược chung thâm nhập vào thị trường này. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng và duy trì các mối liên kết theo chiều
dọc và chiều ngang. Từ đó tạo ra mối liên hệ khăng khít giữa các nhà chế biến thủy sản xuất khẩu, giữa nhà cung ứng, nuôi trồng thủy sản với nhau và giữa nhà chế biến và nhà nuôi trồng đặc biệt là mối quan hệ giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu thủy sản trong Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam ( VASEP).
Việc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam ra đời đã góp phần giải quyết những tranh chấp, cạnh tranh trong nội bộ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, thể hiện lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, thông tin, tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp đỡ và đứng ra bảo vệ cho quyền lợi doanh nghiệp trong các tranh chấp....Tuy nhiên trong điều kiện sự cạnh tranh ngày càng trở nên mạnh mẽ thì hoạt động của VASEP cần được phát huy hơn nữa vai trò của mình để đóng góp nhiều hơn trong việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng thủy sản. Muốn vậy, VASEP phải thực hiện hiệu quả hơn nữa những nhiệm vụ:
- Hỗ trợ doanh nghiêp xây dựng đăng ký bảo hộ và phát triển thương hiệu gắn với tiêu chuẩn chất lượng và maketing, đảm bảo lợi thế cạnh tranh hàng thủy sản.
- Cải tiến phương thức tham gia hội chợ quốc tế, tập trung nỗ lực các doanh nghiệp để xây dựng các gian hàng quốc gia nhằm tạo ấn tượng tốt về đất nước và các sản phẩm thủy sản cho khách hàng.
- Phản ánh ý kiến của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hội viên về quy hoạch, các chính sách phát triển ngành thủy sản và công tác xuất khẩu thủy sản lên các cơ quan của chính phủ
- Đầu tàu trong việc đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các daonh nghiệp Việt Nam trong tranh chấp thương mại
K ẾT LUẬN
Thị trường EU là một thị trường rộng lớn - một thị trường mở ra những cơ hội cho tất cả các quốc gia đẩy mạnh hoạt động thương mại của mình. Nhưng đồng thời cũng là một thị trường có sự cạnh tranh gay gắt đối với hầu hết các mặt hàng trong đó có mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Sự cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng và việc xuất khẩu sẽ ngày càng giảm sút nếu như chúng ta không có một bước đi chiến lược trước một thị trường lớn.
Qua nghiên cứu cho thấy, trong những năm qua hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU đạt được những thành tựu đáng kể, đóng góp không nhỏ vào GDP của cả nước. Song hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, vấn đề về thông tin cho các doanh nghiệp và đặc biệt là sự liên kết của các doanh nghiệp trước một thị trường rộng lớn. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới khả năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian tới.
Vì vậy, để giải quyết được những vấn đề này, chúng ta cần không ngừng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU. Hướng đi cho vấn đề này là sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước- Hiệp hội- doanh nghiệp - ngư dân nhằm tạo ra một hướng đi thống nhất; sự quy hoạch về nguồn nguyên liệu và đặc biệt là chất lượng các sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Đạt được điều này, đòi hỏi cần có sự hỗ trợ và phối hợp đồng bộ của các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững.