KHẢO SÁT MỘT SỐ CHỨNG TÍCH VĂN HÓA LIÊN QUAN ĐẾN TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN

Một phần của tài liệu truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống pháp ở nam bộ (1858 – 1918) (Trang 104 - 127)

- Tên gọi nhóm 1: Nhóm motif về nhân vật có biệt tà

KHẢO SÁT MỘT SỐ CHỨNG TÍCH VĂN HÓA LIÊN QUAN ĐẾN TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN

LIÊN QUAN ĐẾN TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN VỀ NHỮNG CUỘC KHỞI NGHĨA CHỐNG PHÁP

Ở NAM BỘ (1858 – 1918) *** ***

1. Quan hệ giữa truyền thuyết và chứng tích văn hóa

Khái niệm “văn hóa” có nhiều nghĩa và có nhiều cách định nghĩa khác nhau. Trong đề

tài này, “văn hóa” được hiểu là “tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do

con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử” [173,tr.1062]. Còn “chứng tích” là “những vết tích hay hiện vật còn lưu lại để làm chứng cho một sự việc đã qua” [173,tr.186]. Theo

đó, “chứng tích văn hóa” là những vết tích, hiện vật văn hóa còn lưu lại. Chúng gồm tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Sự tồn lưu của chúng minh chứng toàn bộ hay một phần cho một hiện tượng, một sự kiện văn hóa từng diễn ra trong quá khứ.

Trong chương này, chúng tôi muốn tìm hiểu một số chứng tích văn hóa có liên quan đến truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ. Sự hiện hữu của những chứng tích này trong đời sống vật chất, tinh thần người dân Nam Bộ hôm nay minh chứng cho sự tồn tại, sức sống mãnh liệt của hệ thống truyền thuyết dân gian. Truyền thuyết tồn tại không chỉ trong văn bản kể, mà cả trong những chứng tích văn hóa sống động. Mặt khác, những chứng tích này cũng tô đậm thêm một đặc điểm của truyền thuyết: khi kể và nghe truyền thuyết, ai cũng tin đó là điều có thật . Những chứng tích còn lại với thời gian chính là “chỉ số” sinh động và thuyết phục về những “điều có thật” đó .

Về bản chất, truyền thuyết còn được xem là “một nghệ thuật không tự giác” [96,tr.7].

Cha ông xưa kể lại truyền thuyết nhưng không hẳn nghĩ mình đang sáng tạo tác phẩm nghệ thuật dân gian. Người kể, khi đó, luôn xuất phát từ nhu cầu tái hiện sự kiện, nhân vật lịch sử bằng niềm tin, sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn vô hạn. Họ muốn người nghe cũng có được niềm tin và thái độ ấy. Còn người nghe kể truyền thuyết cũng luôn có niềm tin về những điều truyền thuyết kể. Vì rằng, truyền thuyết luôn gắn với sự kiện và nhân vật lịch sử, gắn với

không gian thiêng, thời gian thiêng, nên trong tâm thức của cả người kể lẫn ngưới nghe đều

có niềm tin về những điều đã diễn ra trong các câu chuyện truyền thuyết. Đây cũng là biểu hiện của lòng tự hào về lịch sử và văn hóa dân tộc cũng như về lịch sử và văn hóa địa phương. Truyền thuyết gắn những con sông, con rạch – nơi từng ghi dấu các sự kiện lịch sử với tên người anh hùng có danh hoặc vô danh. Nhân dân – tác giả của truyền thuyết, thành kính chăm sóc lăng mộ người anh hùng. Bị kẻ thù ngăn cấm, họ bí mật đem linh vị các anh hùng vào thờ trong đình, chùa. Khi có điều kiện, họ xây cất đền thờ. Họ còn duy trì những nghi thức thờ cúng, lễ hội tưởng niệm hàng năm.

Có thể nói, trong folklore, không một thể loại nào có mối quan hệ chặt chẽ với các chứng tích văn hóa như truyền thuyết. Truyền thuyết góp phần tạo dựng và lưu truyền, làm sống động, linh thiêng chứng tích văn hóa; ngược lại, chứng tích văn hóa góp phần lưu giữ, làm sống động, tăng thêm yếu tố có thật cũng như tăng thêm phần “thơ và mộng” cho truyền thuyết.

Vậy, không gian nào sẽ nuôi giữ sức sống, cái thiêng cho thể loại truyền thuyết? Như đã biết, đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt gắn bó phần lớn với không gian lăng mộ, đền miếu, chùa chiền… Tại những nơi này, biết bao anh hùng đời đời yên nghỉ; biết bao kỷ vật, linh vị của họ được tôn thờ; nhiều nghi thức thờ cúng, lễ hội… được duy trì hàng năm. Bằng tấm lòng thành kính, các thế hệ sau nối nhau đến đây. Họ tưởng niệm người xưa. Họ khát khao tìm hiểu, nghe lại từng câu chuyện ca ngợi tài năng, công đức những anh hùng và thành kính biểu hiện lòng tự hào, sự biết ơn đối với các anh hùng. Nhờ bối cảnh các chứng tích văn hóa, truyền thuyết tăng thêm ánh hào quang lung linh của quá khứ . Ngược lại, nhờ truyền thuyết, các chứng tích văn hóa được tăng thêm phần sống động, thiêng liêng.

2. Những chứng tích văn hóa liên quan đến các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ, giai đoạn 1858-1918 :

Trong khuôn khổ luận án, chúng tôi sẽ đề cập tới một số chứng tích văn hóa có liên quan đến hệ thống truyền thuyết đang khảo sát:

- Chứng tích địa danh - Chứng tích lăng mộ

- Chứng tích miếu, đền, đình, chùa - Chứng tích lễ hội

2.1. Chứng tích địa danh 2.1.1. Chứng tích tiêu biểu

2.1.1.1. Chứng tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Trương Định:

* Đám lá tối trời: tên gọi (xưa cũ) của một vùng rộng lớn, ở làng Kiểng Phước, gần cửa Soi Rạp (nay thuộc thị xã Gò Công, Tiền Giang). Ngày trước, như tên gọi, nó là một vùng mọc toàn dừa nước dày đặc, dày đến nỗi không thấy bóng mặt trời15. Ngày xưa, đây là nơi che giấu nghĩa quân của Trương Định, cũng là căn cứ kéo dài cuộc kháng chiến [PL1,1.2.15]. Cái tên “Đám lá tối trời” có thể đã có từ trước cuộc khởi nghĩa của Trương Định. Nhưng rõ ràng, từ khi nghĩa quân Trương Định lui tới đây ẩn náu, xuất binh và không ít nghĩa quân đã anh dũng hi sinh, địa danh này đã trở thành địa danh thiêng. Nói đến “Đám lá tối trời” là người ta nhớ tới cuộc khởi nghĩa của Trương Định; và ngược lại, nói đến Trương Định, người ta lại nghĩ ngay đến “Đám lá tối trời”. Không phải ngẫu nhiên ca dao Nam Bộ ngợi ca :

“Gò Công anh dũng tuyệt vời

Ông Trương, Đám lá tối trời đánh Tây.”

* Ao Vinh: nơi Trương Định ngã xuống là một khoảnh đất trống, nay thuộc Ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông. Từ ngày Trương Định hy sinh, dân địa phương gọi đó là “khuôn đất Vinh”, về sau đào ao lấy nước gọi là “Ao Vinh”. “Vinh” ở đây có nghĩa là vinh quang, vinh danh, vinh hiển. Không có sự kiện lịch sử trên, khuôn đất này, ao này không có tên như vậy. Rõ ràng lịch sử đã tạo nên tên các địa danh. Cũng tại nơi đây còn có hai ngôi mộ, được gọi là “mộ nghĩa quân Trương Định” [PL1,1.1.1]. Truyền thuyết đã gắn bó với những chứng tích văn hóa như vậy đó.

2.1.1.2. Chứng tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương

* Rạch Ông Voi: kéo dài từ giữa Sình Lớn, xã Bình Hàng Trung cho đến ấp Đông Mỹ, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Tên rạch liên quan đến truyền thuyết: Ngày xưa, các quan Đàng cựu (trước thời Thiên Hộ Dương) dùng voi chuyển tải lương thực, vũ khí trong vùng căn cứ Tháp Mười. Lâu ngày, chỗ voi đi lún sụp thành con rạch ngoằn ngoèo. Để ghi nhớ sự kiện hào hùng này, nhân dân đặt tên rạch là rạch Ông Voi [PL1,2.3.9].

15

* Rạch Bà Bướm: chảy qua thôn Hòa An, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Rạch mang tên Bà Bướm, vợ thứ của Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Khi Đốc Binh Kiều anh dũng hy sinh tại Gò Tháp, dù đang tuổi thanh xuân nhưng bà vẫn nguyện thủ tiết thờ chồng cho đến chết. Ghi nhớ tấm lòng nhân hậu và trung trinh tiết liệt, nhân dân trong vùng lấy tên bà đặt tên cho con rạch chảy ngang trước nhà bà [PL1,2.3.10].

* Vàm Bà Bầy: chỗ rạch Cái Sao (Đồng Tháp) nhận nước từ sông Cần Lố và hợp lưu với sông Tiền. Địa danh nhằm ghi nhớ công lao và cái chết thương tâm của Bà Bầy. Bà thuận cho nghĩa quân Thiên Hộ Dương di chuyển xuồng ghe qua mấy mương cau nhà mình để ra sông Tiền. Lâu ngày, mương lở thành sông. Kẻ thù phát hiện, chúng buộc bà khai báo bí mật nghĩa quân. Không tra hỏi được gì, chúng bèn tra tấn, hãm hiếp bà đến chết [PL1,2.3.11].

* Tháp Mười: Địa danh này gắn với truyền thuyết về ngôi tháp sừng sững giữa vùng đồng trũng bùn lầy. Tương truyền, xưa kia, đây là tháp thứ 10, do nghĩa quân Thiên Hộ Dương xây, bắt đầu từ vàm Ba Sao đến Gò Tháp, nên gọi là Tháp Mười. Những tháp này là những trạm canh chừng tàu giặc, nghĩa quân dùng mật hiệu thông tin cho nhau biết [PL1,2.3.13].

Ngày nay, những tên gọi Tháp Mười, Đồng Tháp Mười, Đồng Tháp… đã thành quen thuộc với người dân Nam Bộ. Chúng đi vào tác phẩm văn học, trở thành tên gọi hành chính, hiện diện trên bản đồ địa chính…

* Khu Mả Lớn: doi đất nổi lên giữa sông, thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ngày trước, mỗi khi bắt được nghĩa quân theo Thiên Hộ Dương, giặc Pháp đưa đến đây tàn sát dã man. Rất nhiều nghĩa quân bị giết hại trên doi đất này. Nhân dân vô cùng thương xót . Để ghi dấu sự kiện này, nhân dân đổi tên Doi Me thành Khu Mả Lớn [PL1,2.3.12].

* Trường án Cần Lố (Doi Me): nơi hai con rạch Cần Lố16 và Cao Lãnh gặp nhau, trước khi chảy vào sông Tiền. Tại đây, ngày xưa, giặc Pháp xây trường án, ép đồng bào đến lập chợ sát đó, gọi là chợ Trường Án. Nhằm khủng bố nhân dân, chúng buộc mọi người phải chứng kiến những cảnh hành quyết hãi hùng. Từ đó, cái tên Trường Án Cần Lố còn được

16

Vì hai dòng nước gặp nhau nên chúng tạo ra ở đây một vùng nước xoáy nhào lên (theo tiếng Khơ Me, Cần Lố có nghĩa là nước lộn).

nhắc mãi, để không quên tội ác tày trời của thực dân Pháp và bè lũ tay sai và bày tỏ long thương xót của nhân dân đối với những nghĩa quân bị kẻ thù sát hại[PL1,2.3.14].

2.1.1.3. Chứng tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa vùng Thất Sơn

* Kênh Ông: con kênh nối liền ngọn rạch Cái Dầu chạy vào giữa Láng Linh (An Giang). Ngày xưa, đích thân bà Cố Quản Nguyễn Thị Thạnh đốc xuất việc đào kênh. Nhờ con kênh này mà công việc vận tải lương thực cho nghĩa quân thuận lợi. Kênh này đến nay vẫn còn. Dân chúng ở đây gọi là kênh Ông Bà (chỉ ông bà Cố Quản Trần Văn Thành) [PL1,5.0.1].

* Hồ Bà: cũng tại Láng Linh (An Giang), ngày nay còn dấu vết Hồ Bà. Tục truyền, đó là khẩu đìa do bà Cố Quản cho đào để lấy nước và bắt cá. [PL1,5.0.1].

2.1.1.4. Chứng tích địa danh liên quan đến những cuộc khởi nghĩa khác

* Vàm Hổ Cứ: thuộc làng Tân Tịch, gần bến phà Cao Lãnh (Đồng Tháp). Địa danh gợi nhắc uy danh lừng lẫy, khí phách hùng mạnh như hổ của nghĩa quân Quản Bạch. Mặc dù nghĩa quân thất trận, Quản Bạch bị hành quyết, nhân dân bị cấm nhắc tên ông nhưng cái tên Vàm Hổ Cứ còn sống mãi trong niềm tự hào và ngưỡng mộ của nhân dân đối với nghĩa quân Quản Bạch [PL1,6.2.7].

* Vũng Liêm (Vũng Linh): là tên thị xã lớn thuộc tỉnh Vĩnh Long ngày nay. Truyền thuyết kể rằng, để trả thù việc đốc binh Lê Cẩn – Nguyễn Giao lập mưu giết tên tham biện Pháp tại Cầu Vông, tên Việt gian Trần Bá Lộc cho quân đến tàn sát dân chúng vùng này. Một vùng trũng bỗng thành chốn linh thiêng, biết bao oan hồn đòi mạng. Đau thương và căm hờn, nhân dân đã đặt tên vùng đất này là Vũng Linh. Lâu ngày, đời sau nói trại đi, thành ra Vũng Liêm ngày nay [PL1,6.2.8].

2.1.2. Ý nghĩa chứng tích

2.1.2.1. Những chứng tích địa danh liên quan đến Hệ thống truyền thuyết dân gian có thể quy về 3 nhóm:

- Địa danh tưởng nhớ nhân vật và sự kiện từng góp công cho các cuộc khởi nghĩa; tạm gọi là “Đất lưu danh”: rạch Ông Voi, rạch Bà Bướm, vàm Bà Bầy, Tháp Mười...

- Địa danh khắc ghi tội ác kẻ thù và nỗi đau thương của đồng bào; tạm gọi là “Đất ghi tội ác”: Khu Mả Lớn; Trường án Cần Lố (Doi Me); Vũng Liêm (Vũng Linh)...

- Địa danh nhắc nhở những vùng đất từng là cứ địa hiểm trở, là nơi dưỡng quân của các cuộc khởi nghĩa, có khi trở thành đất giao tranh; tạm gọi là “Đất hiểm”: Đám lá tối trời. Kênh Ông Hồ Bà, vàm Hổ Cứ...

2.1.2.2. Những chứng tích địa danh liên quan đến Hệ thống truyền thuyết dân gian đã tái hiện sinh động một vùng sông nước phương Nam, ghi rõ dấu ấn địa phương. Ở đó có bao kinh rạch (rạch Ông Voi, rạch Bà Bướm, kênh Ông), lắm vàm sông (vàm Bà Bầy, vàm Hổ Cứ), nhiều doi đất, vùng trũng sình lầy (Doi Me, Vũng Liêm, Đám lá tối trời)...

2.1.2.3. Những chứng tích địa danh liên quan đến Hệ thống truyền thuyết dân gian đã hình thành từ ký ức của nhân dân. Hầu hết các địa danh đã xuất hiện trước khi truyền thuyết ra đời. Sau khi sự kiện lịch sử xảy ra, các địa danh này mang tên gọi mới, ghi dấu các sự kiện

lịch sử và đi vào truyền thuyết, trở thành đất thiêng. Tưởng nhớ, đau xót, tự hào là ba giọng

điệu chính của truyền thuyết về các địa danh liên quan đến những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ.

2.2. Chứng tích mộ, lăng mộ 2.2.1. Một số chứng tích tiêu biểu

* Lăng mộ Trương Định: tọa lạc tại thị xã Gò Công (Tiền Giang). Mộ được xây cất từ

năm 1864, sau đó được nhiều lần sửa sang. Bia mộ đề rõ chức tước Trương Định: “Đại Nam,

Phấn dõng Đại tướng quân truy tặng Ngũ Quân Quận công”. Khu mộ còn có hai câu đối.

Mặt tiền là “Trương chí quật cường, võ liệt nêu cao đất Việt. Định tâm kháng chiến, văn mồ

chói rạng trời Nam”. Mặt hậu là “Huyện Tân Hòa, khẳng khái Cần Vương, tờ chiếu ngọc. Làng Gia Thuận, thung dung Tựu nghĩa, chiếc gươm vàng”. Trương Định là người chống

lệnh bãi binh của triều đình, đứng về phía nhân dân chống Pháp. Ngày 20/8/1864, bị giặc bao vây, ông hiên ngang chống cự và tuẫn tiết.

* Mộ Trịnh Viết Bàng: tại Ngã Tư Giồng Tre, nay thuộc Ấp 3, xã Định Trung, huyện Bình Đại, Bến Tre (mộ sát lộ đá). Trịnh Viết Bàng là tướng của Trương Định. Sau khi Trương Định hy sinh, ông đưa một số nghĩa quân rút về An Hóa (Bến Tre) tiếp tục khởi nghĩa kháng chiến. Không may, ông bị giặc bắt. Dụ dỗ không được, giặc Pháp bắn ông tại Cồn Rồng (Mỹ Tho). Trước khi chết, ông động viên mọi người vững chí, muốn thi hài của mình được chôn ở Ngã tư, để con cháu nhớ mà không theo giặc.

* Mộ ông Phòng Biểu: ở xóm Giồng, rạch Cao Miên, thuộc xã Nhị Bình, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Phòng Biểu là một tướng lĩnh tài giỏi của Thiên Hộ Dương, được nhân dân rất quý trọng. Sau khi an táng Đốc Binh Kiều, ông lãnh đạo nghĩa quân cầm cự với giặc Pháp suốt bốn năm trời. Về sau, thời cơ đã mất, lực lượng yếu dần, ông đành lui về ẩn dật. Ông mất năm 1914, thọ 84 tuổi.

* Mộ Đốc Binh Kiều: hiện còn ở phía sau đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều (Gò Tháp, Đồng Tháp). Đốc Binh Kiều là một trong những tướng tài của Thiên Hộ Dương. Được Thiên Hộ Dương trao quyền, ông đã củng cố căn cứ Gò Tháp, chiêu mộ thêm nghĩa quân, đánh nhiều trận làm kẻ thù bạt vía.

* Lăng Tứ Kiệt: hiện tọa lạc tại thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Khu vực lăng không lớn, nhưng được thiết kế uy nghiêm. Hai bên cổng lăng có ghi câu đối:

“Tứ vị anh hùng vị quốc hy sinh vĩnh niệm, Kiệt nhân nghĩa cử tinh thần bất khuất lưu tồn”

Gian chính có bàn hương án, phía trước là đôi hạc đứng chầu, bố trí theo kiểu đình thờ. Gian sau là bốn ngôi mộ song song, được cẩn đá hoa sang trọng.

Lăng được chăm sóc chu đáo, lúc nào cũng không ngớt khói hương.

Đây là nơi thờ bốn vị anh hùng (Thận, Long, Rộng, Đước), thuộc cấp của phó tướng Đốc Binh Kiều. Bốn Ông hoạt động chủ yếu tại vùng giáp ranh Cái Bè – Cai Lậy. Về sau, cả Bốn Ông cùng bị giặc Pháp xử chém tại Cai Lậy (nhằm ngày 25 tháng Chạp, năm 1871). Sau khi bêu đầu Bốn Ông, giặc vùi bốn thủ cấp xuống mé rạch. Nhân dân bí mật đem về chôn thành bốn ngôi mộ để chăm sóc, phụng thờ.

Lăng Tứ Kiệt ngày nay được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.

Một phần của tài liệu truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống pháp ở nam bộ (1858 – 1918) (Trang 104 - 127)